Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều hôm qua, 6/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) đã nêu vấn đề với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh như sau: Rút kinh nghiệm từ chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho đường sắt, cho ngành công nghiệp tàu biển, cho vấn đề công nghiệp cơ khí trong nông nghiệp?

{keywords}
Đã từng có những cơ chế đặc thù 1774 để đảm bảo điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ được tham gia vào các chuỗi giá trị của công nghiệp năng lượng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường giải thích, “Tôi đặt vấn đề này bởi vì chúng ta có hệ thống đô thị phát triển rất rộng, cần phải có mạng lưới ngành đường sắt đô thị, chúng ta cần phải phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam, chiến lược phát triển kinh tế biển chúng ta không chỉ đánh bắt hải sản mà chúng ta phải hướng tới là dịch vụ hậu cần để vận tải biển, rồi nông nghiệp của chúng ta cũng đang chuyển từ sản xuất hộ gia đình sang những quy mô lớn, chuyển từ sản xuất thủ công sang nhà sản xuất tập trung phải có các phương tiện về cơ khí. Những vấn đề này đang là thế mạnh rất lớn của Trung Quốc, chúng ta mà không chủ động thì sớm muộn chúng ta cũng sẽ nhường sân cho Trung Quốc”.

Những nguyên nhân khó khăn nhất

Trước những băn khoăn của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Trên thực tế, một trong những nguyên nhân khó khăn nhất của chúng ta trong phát triển công nghiệp hỗ trợ khi doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là nhỏ và vừa, có sự hạn chế về tất cả các điều kiện tiếp cận thị trường, rõ ràng việc có được thị trường để tiếp cận như các dự án, các công trình hạ nguồn và các ngành công nghiệp hạ nguồn như các đại biểu vừa nêu, trong đó có tuyến đường sắt Bắc - Nam cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của chúng ta, hay trong lĩnh vực về vận tải biển, thậm chí trong các lĩnh vực về khai thác các nguồn tài nguyên biển,…

Chưa kể đến lĩnh vực về năng lượng, phát triển công nghiệp năng lượng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước kia chúng ta cũng đã từng có trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng những cơ chế đặc thù 1774 để đảm bảo điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ được tham gia vào các chuỗi giá trị của công nghiệp năng lượng.

Do những hoàn cảnh của pháp luật và những điều kiện của hội nhập hiện nay, chúng ta không còn thực thi cơ chế này. Nhưng đây là một hướng mở ra để cho các cơ quan tham mưu chính sách của Chính phủ sẽ nghiên cứu để vận dụng những cơ sở của pháp luật và đặc biệt của hội nhập quốc tế để tìm ra những dư địa, có những cơ chế mới để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là liên quan đến vấn đề cơ hội tiếp cận với thị trường để tiếp tục thúc đẩy sản xuất và phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thông tin thêm, Chính phủ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có những chỉ đạo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án chiến lược phát triển để hướng tới những thị trường ở khu vực và quốc tế cho những sản phẩm của mình, đặc biệt về vấn đề liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi mà trong đó có cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân có vai trò đầu đàn dẫn dắt các chuỗi đó.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị: “Một lần nữa, hôm nay, có rất nhiều thành viên Chính phủ, chúng tôi cũng rất mong muốn các bộ ngành, trong đó có cả Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và rất nhiều đơn vị sẽ tiếp tục giúp Bộ Công Thương để tham mưu với Chính phủ trong hoàn thiện cơ chế chính sách để chúng ta có những cơ chế khai thác và phát huy những cơ hội này. Bởi lẽ, việc tiếp cận qua những biện pháp hành chính là không hề đơn giản, khi điều này có thể đụng chạm đến những cam kết hội nhập cũng như nội dung khác của pháp luật”.

Thu Nga