“Chúng tôi sẵn sàng mua lại toàn bộ khoản nợ của Vinashin
với giá bằng 35% mệnh giá, tức 210 triệu đô la Mỹ so với gốc 600 triệu đô la Mỹ và trả tiền ngay” - chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn của Việt Nam
cho biết.
TIN BÀI KHÁC
Bi kịch Romeo - Juliet ở Cần Thơ
Nhật phát hiện chất biến đổi gen trong phở Việt
Không chỉ ngân hàng ông, một số tổ chức tài chính khác và quỹ đầu tư nước ngoài cũng quan tâm mua số nợ này. Vấn đề chỉ là giá bao nhiêu. Suốt 13 tháng qua giá nợ của Vinashin dao động rất mạnh trên thị trường quốc tế tùy thời điểm và tùy người mua, người bán.
Khoản nợ của Vinashin ngoài sức tưởng tượng với nhiều người |
Tháng 9-2010, trái phiếu nợ của tập đoàn được chào mua - chào
bán xung quanh 60% mệnh giá. Nó nhảy lên gần 70% mệnh giá vào tháng 10 và khi ấy
một quỹ đầu tư nước ngoài tại TPHCM đã tận dụng thời cơ bán ra 50 triệu đô la Mỹ
(giá trị gốc). Sau đó giá rớt dần và gần như đứng ở mức 50% mệnh giá suốt thời
gian Vinashin và các chủ nợ thương lượng, tìm một lối ra khả thi.
Đầu tháng 11 này, Elliott Vin (Hà Lan), một quỹ đầu tư mạo hiểm và là một trong
những chủ nợ nước ngoài, đã đệ đơn kiện tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy và 21 công
ty con lên Tòa Thượng thẩm London nhằm đòi nợ, thì giá nợ có lúc chỉ còn giao
dịch ở mức bằng 40% mệnh giá. Liệu sự việc sẽ đi đến đâu sau gần một năm đàm
phán chưa mang lại kết quả giữa các bên?
“Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”
Vào tháng 12 năm ngoái Vinashin phải trả 60 triệu đầu tiên (phần gốc, lãi trả
riêng) trong tổng nợ 600 triệu đô la Mỹ mà một nhóm các ngân hàng nước ngoài đã
cho vay trước đó. Sau đấy cứ sáu tháng tập đoàn lại trả tiếp 60 triệu đô la Mỹ,
tương đương 10% khoản nợ. Như vậy, nếu theo đúng hợp đồng, đến tháng 12 này
Vinashin đã phải trả tổng cộng 180 triệu đô la Mỹ.
Các chủ nợ đã “nóng ruột” khi không nhận lại được gốc và lãi của phần nợ đầu
tiên. Credit Suisse (Singapore), đơn vị bảo lãnh phát hành cho khoản nợ và đồng
thời là chủ nợ lớn nhất, đã liên tục đề nghị các cuộc gặp để thương thảo. Tháng
4-2011, một ủy ban bao gồm bốn chủ nợ là Credit Suisse, Depfa Bank, Maybank,
Elliott Advisors đã được thành lập. Standard Chartered Bank lúc đầu là thành
viên của ủy ban, nhưng rút lui sau đó không lâu.
Những lãnh đạo mới của Vinashin nhận thức rất rõ trách nhiệm trả nợ và nhất là
ảnh hưởng có thể có của vụ việc đến uy tín tài chính quốc gia. Sau khi được một
số ngân hàng trong nước bật đèn xanh, Vinashin chính thức đưa ra hai đề nghị với
các chủ nợ. Hoặc tập đoàn trả ngay số nợ với mức bằng 35% mệnh giá ban đầu, hoặc
hoán đổi hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới với những điều kiện mới.
Đổi lại, các chủ nợ đưa phương án: hoán đổi hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới
kỳ hạn 15 năm với lãi suất Libor cộng 150 điểm phần trăm/năm. Lãi suất sẽ tăng
thêm 50 điểm phần trăm nữa từ năm thứ 11 đến năm thứ 15.
Vì sao 35% mệnh giá?
Một trong số các ngân hàng nội địa quan tâm mua nợ của Vinashin giải thích mức
giá 35% mệnh giá là hợp lý, bởi có thể phải 10 năm nữa Vinashin mới có khả năng
trả đủ gốc. Khi mua nợ, ngân hàng phải mua bảo hiểm để tránh rủi ro và phí bảo
hiểm trong trường hợp này không thấp chút nào. Mức giá thấp là để bù đắp cho sự
mạo hiểm, nơi rủi ro cao, lợi nhuận cao.
Một quỹ đầu tư nước ngoài nhận xét mức giá bằng 40% mệnh giá trở xuống là họ có
thể xem xét mua. Họ là tổ chức buôn bán trái phiếu chuyên nghiệp. Họ đã từng bán
ra trái phiếu nợ Vinashin với giá bằng 70% mệnh giá, mua lại ở mức gần bằng nửa,
coi như thành công.
Ở đề nghị thứ nhất, thực ra Vinashin chỉ là người chắp nối giữa chủ nợ nước
ngoài và các tổ chức mua nợ trong nước. Hiện tập đoàn không có nguồn để trả nợ.
Với chủ nợ trong nước, Vinashin dễ khất nợ hơn. Các chủ nợ nước ngoài cũng nhận
thấy việc tự trả nợ của Vinashin ở thời điểm này không khả thi, nhưng họ là giới
kinh doanh, họ không thể để mất quá nhiều nếu chấp nhận đề nghị thứ nhất. Đề
nghị thứ hai thực chất là giãn nợ và nếu là giãn nợ, nó có thể đi kèm chi phí
tăng lãi.
Nếu Vinashin phải chấp nhận phán quyết của tòa...
Elliott không chấp nhận cả hai phương án của Vinashin. Họ là quỹ đầu tư mạo hiểm
có kinh nghiệm trong giao dịch nợ, đã từng thắng trong những vụ kiện tương tự.
Vinashin đã vi phạm hợp đồng tín dụng và khó có khả năng giành phần thắng lần
này.
Giả sử nếu Vinashin thua và phải chấp nhận phán quyết của tòa, việc Elliott phát
mãi tài sản của các công ty con và tập đoàn sẽ gần như không thực hiện được vì
tài sản đó nằm ở Việt Nam. Ngoài ra, phần lớn trong số 21 công ty kia đã được
chuyển giao cho Vinalines và PetroVietnam. Chúng không còn thuộc tài sản của
Vinashin. Việc bắt giữ các tàu thuộc về Vinalines và PetroVietnam ở hải phận
quốc tế hiện nay là trái luật.
Điều duy nhất Elliott có thể thực hiện, và đây là điều nguy hiểm đối với
Vinashin, là đề nghị phong tỏa các giao dịch thanh toán của tập đoàn với đối tác
nước ngoài thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Trong hơn một năm qua, Vinashin
tiếp tục bàn giao cho nước ngoài các tàu đã đóng xong. Việc thanh toán các tàu
được giao tiếp trong tương lai, nếu bị phong tỏa, sẽ gây trở ngại cho tập đoàn.
Có ít nhất 13 ngân hàng nước ngoài đã tham gia cho Vinashin vay khoản nợ trên.
Nguồn tin đáng tin cậy trong giới tài chính nói với TBKTSG, một số ngân hàng đã
chuyển nhượng nợ do giá trị ban đầu của khoản nợ nhỏ khoảng 10-20 triệu đô la
Mỹ. Hơn một nửa số ngân hàng chủ nợ không muốn tham gia kiện tụng Vinashin vì e
ngại ảnh hưởng tới quan hệ kinh doanh của họ ở Việt Nam. Họ đang hiện diện tại
Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện hoặc ngân hàng nước ngoài với lợi ích
kinh tế cao hơn nhiều khoản cho vay hợp vốn ở Vinashin.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)