Ba mươi lăm năm nhìn lại. Thời gian đã đủ lâu để những người đang sống thấy thấm thía nỗi đau ngăn cách. Quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ xem ra đã là một bước tiến khá dài cho mục tiêu hoà hợp dân tộc, hàn gắn lòng người.

LTS:  Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước, Tuần Việt Nam khởi đăng lại chuyên đề 35 năm hòa hợp để yêu thương. Mời độc giả cùng đọc lại.

* Đã xa rồi ký ức chiến tranh
* Cùng một dân tộc hà cớ gì không thể hòa hợp
* Nuôi hận thù, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai
*
"Hòn ngọc Viễn Đông" trong hành trình giành lại ngôi số 1

Cách Sài Gòn hơn 30km về hướng ngã ba Vũng Tàu trên xa lộ Hà Nội, nghĩa trang của các tử sĩ Việt Nam cộng hoà vẫn còn đó tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dưới những rặng cây xanh, đây là nơi yên nghỉ của 16 ngàn tử sĩ chế độ cũ, chia làm 8 khu từ A đến I.

Ông Kha, người đã sống cả một thời tuổi trẻ ở Sài Gòn, một năm vẫn đôi lần chạy xe Honda lên nghĩa trang thắp nhang cho người anh trai duy nhất.

Ông làm việc này đều đặn hơn ba chục năm nay.

"Trước khi được dân sự hoá, thân nhân tử sĩ vẫn có thể vào đây thăm mộ người thân. Nhưng có lẽ đây đó vẫn còn đeo giữ tâm trạng nặng nề nên lượng người đến cũng thưa vắng. Lâu lâu mới thấy có người mẹ, người vợ lặng lẽ vào thắp hương rồi đi ngay. Mưa nắng mấy chục năm trời, nhiều ngôi mộ xuống cấp".

Đó cũng là qui luật không tránh khỏi của thời gian.

{keywords}

Nơi yên nghỉ của 16 ngàn tử sĩ chế độ cũ. Ảnh: Thu Hà

Kể từ sau ngày 30/4/1975, nghĩa trang quân đội Biên Hoà được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. "Đây có thể là lý do lâu nay một số người không có thiện chí vẫn nói những người trong nước chưa dám mạnh dạn hoà giải", ông Kha nói.

Tháng 11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1568/QĐ - TTg: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa trang Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc Phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự.

Giờ đây nghĩa trang được đổi tên thành Nghĩa trang nhân dân Bình An do UBND huyện Dĩ An quản lý.

Quyết định "dân sự hoá" nghĩa trang quân đội Biên Hoà này khi đó được dư luận đánh giá như một bước đi đầy ý nghĩa của công cuộc hoà giải, hoà hợp dân tộc.

Còn với hàng ngàn thân nhân của những tử sĩ chế độ cũ như ông Kha, quyết định đó giúp họ cất đi phần nào gánh nặng tâm lý và mặc cảm đang đeo đẳng.

Từ chuyện bàn thờ gia đình

Bên mộ phần của người anh trai đã được quét vôi trắng tinh tươm, sau một hồi thuyết phục rất lâu, ông mới từ tốn kể lại câu chuyện éo le của chính gia đình mình.

Sinh ra ở Nam Định, ông Kha và anh trai theo những người bên ngoại vào Sài Gòn mưu sinh từ năm 1954.

"Những người họ hàng bên nội của tôi vẫn ở ngoài bắc. Cha của tôi là chiến sĩ Điện Biên, ông hy sinh anh dũng trong trận đánh ác liệt chiếm cứ điểm Mường Thanh. Tôi còn có một ông chú đi bộ đội, hy sinh đâu đó ở chiến trường miền Đông Nam Bộ hồi năm 1968".

Nhưng bi kịch gia đình chỉ bắt đầu xảy ra từ năm 1970, khi người anh trai lớn hơn ông vài tuổi bị gọi đi lính, và được điều về một tiểu đoàn nhảy dù của quân lực Việt Nam cộng hoà.

Năm 1972, người anh tử trận khi tham chiến tại thị xã An Lộc được chôn cất ở nghĩa trang này. Ông Kha điềm tĩnh kể về một biến cố đau lòng xảy ra đã nhiều chục năm về trước.

Tại ngôi nhà nằm tít tắp trong một con hẻm thuộc phường 14, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã từ rất lâu rồi, trên bàn thờ gia đình ông, một bên có bát nhang thờ cha và chú, những liệt sĩ thuộc "phía bên này" và cạnh đó, là bát nhang của người anh trai thuộc "phía bên kia".

"Trong khi những người sống dường như vẫn còn lấn cấn với nhau, thì những người chết họ đã chẳng còn đeo đẳng mối hận thù. Dù đứng ở phía bên nào thì với tôi họ vẫn luôn là những người thân thiết. Họ vẫn vẹn nguyên là người cha, người anh", ông Kha bộc bạch.

"Có dũng cảm vượt qua quá khứ?"

Chuyện gia đình ông Kha cũng là hoàn cảnh trớ trêu mà phần đông gia đình sinh sống ở miền Nam hồi đó gặp phải.

Đây là thực tế mà ông Võ Văn Sung, một trong 5 thành viên chính thức của phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tham dự ký Hiệp định Paris đã nhắc tới khi nói về hoà hợp dân tộc, hàn gắn lòng người.

Trong một bài viết thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận, ông Sung nói rằng: "Ở Việt Nam có đặc điểm là kháng chiến chống xâm lược nước ngoài kéo dài quá lâu. Riêng ở miền Nam Việt Nam liên miên gần 30 năm và ước tính có đến 90% gia đình Việt Nam có người cả hai bên. Mặt khác chiến tranh lâu năm cả nước và mỗi gia đình Việt Nam đều chịu nhiều mất mát đau thương, do đó không có cách nào khác là phải tha thứ cho nhau để xây dựng lại, vì nếu làm ngược lại thì 90% gia đình Việt Nam phải tiếp tục đau khổ".

Trăn trở của nhà ngoại giao kỳ cựu cho thấy chuyện hòa hợp của một dân tộc cũng tựa như cách ứng xử trong mỗi gia đình.

Ba mươi lăm năm nhìn lại. Thời gian đã đủ lâu để những người đang sống thấm thía nỗi đau chia cách.

Mấy năm trước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một cuộc trò chuyện với báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về sự kiện ngày 30 tháng Tư đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Ông nói, chiến thắng tháng Tư năm 1975 là vĩ đại, nhưng Việt Nam cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Và đây là câu chuyện "khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần đươc giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu".

Chia sẻ với trăn trở này, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh cũng lưu ý: "Nếu vẫn để căng thẳng kéo dài chắc chắn không mang lại một chút lợi ích nào về mặt tinh thần cho những người Việt Nam khắp nơi, dù thuộc bên này hay bên kia, trong hay ngoài nước".

Bởi vậy, Quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội chế độ cũ được dư luận xã hội nhìn nhận là một bước tiến khá dài cho mục tiêu hoà hợp dân tộc, thống nhất lòng người.

Xem ra, chẳng có gì quá khó. "Tất cả đều ở cách con người ứng xử thế nào với nhau. Họ có đủ can đảm và dũng khí, dám vượt lên quá khứ đau buồn hay không?", ông Kha kết thúc câu chuyện với những người khách lần đầu gặp mặt.

Thu Hà - Lê Nhung - Thái Phương

* Đã xa rồi ký ức chiến tranh
* Cùng một dân tộc, hà cớ gì không thể hòa hợp
* Nuôi hận thù, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai
* "Hòn ngọc Viễn Đông" trong hành trình giành lại ngôi số 1