Mấy ngày nay cộng đồng mạng lao xao về phóng sự “đi tìm sự thật về ngôi nhà thờ của gia đình Thủ tướng” trên tờ Nhà báo và Công luận và được nhiều trang báo khác đăng lại.  
Câu chuyện về “ngôi nhà thờ họ xa hoa” này đã lan truyền trong cộng đồng mạng từ khá lâu nhưng mãi đến giờ mới thấy có một tờ báo chính thống (của Hội Nhà báo hẳn hoi) làm rõ trắng đen, nói đúng sự thật. Nhớ lại, có một hồi mấy trang mạng còn gán hình ảnh của một tòa dinh thự phong cách Ảrập – hình như của một chính khách nổi tiếng ở Pakistan - là “tư dinh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” ở tỉnh lẻ cuối mảnh đất hình chữ S này.
Khi một nhà báo cất công thực hiện một phóng sự chi tiết và nhất là khi nhiều báo gần như đồng loạt đăng lại, thì câu chuyện không mới đó lại được hâm lại trong những cuộc trà dư, tửu hậu. Mà đã trà dư tửu hậu thì theo thói thường không ít khen, chê. Nhưng dù gì thì trước cái hiện thực “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” mà nhà báo nọ đã phản ánh, cũng phải giật mình đặt câu hỏi về những thông tin nhan nhản mà lâu nay ta cứ nghe mãi thành quen, ngỡ là sự thật. 

Cách đây chừng một tháng, cũng trong một cuộc “trà dư tửu hậu” tôi được nghe - và thú thực, nổi máu nghề nghiệp cũng… tham gia “bình” thêm - về thông tin kể rằng tại một hội nghị của các cán bộ nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh một vị lão thành cũng có cỡ bày tỏ bức xúc về việc hãng hàng không VietJet là của con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang bán vé rất rẻ, phá giá nhằm đánh sập Vietnam Airlines - tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Nghe thế chẳng ai không chia xẻ nỗi bức xúc của vị lão thành nọ.
Mấy hôm sau, nghe ông Thăng (Đinh La Thăng) kể hết tên tuổi những người chủ sở hữu thật sự của hãng VietJet với báo chí khi dự khánh thành sân bay Phú Quốc, tôi mới giật mình “nghe zậy mà không phải zậy”. Nhưng để chắc chắn hơn tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch và  ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, những chủ sở hữu của hãng hàng không Vietjet. Cả hai  khẳng định chắc chắn với tôi là con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thân nhân gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không ai có cổ phần trong hãng hàng không Vietjet. Thật hết chỗ nói!
Nhớ lại thời chiến tranh, hệ thống tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn đã rêu rao cho không ít người dân miền Nam tưởng tượng về bộ đội Việt Cộng ốm nhom, 7 anh đu tàu đu đủ không gãy. Giải phóng về mới thấy nhiều anh bộ đội làm… không ít em gái Sài Gòn mê mệt! Những thông tin kiểu “tâm lý chiến” tưởng chừng chỉ có ở thời chiến tranh nay lại đang có đất sống nhờ vào sự bùng nổ công nghệ  Internet. 
Trong phóng sự trên tờ báo của Hội nhà báo, tác giả có nhắc đến một câu ngạn ngữ thật chí lý của người Nga: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối”. Thiết nghĩ, trong xã hội thông tin bùng nổ như hiện nay, các cơ quan công quyền cần chủ động cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời, rõ ràng để người dân không bị “đói” thông tin, không bị những thông tin “nửa sự thật” len lỏi rồi tích tụ thành “như là thật” làm thiên hạ tốn thêm nhiều giấy, nhiều mực, nhiều trà, nhiều rượu để luận bàn và quan trọng nhất là để như vậy thì sự giả rối thành … thật mất rồi!  
                                                                                            
  • Quốc Đạt