Ví dụ, mặc dù theo Quyết định 1956, mỗi lao động chỉ được đăng ký đào tạo một lần, nhưng đôi khi việc dạy nghề, tập huấn vẫn gây nên sự chồng chéo. Một lao động ngoài được học nghề qua các chương trình đào tạo, còn được tham gia nhiều lớp tập huấn của các tổ chức khác. Trong khi đó, nội dung và chất lượng đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế. Một số địa phương không duy trì được nghề sau đào tạo, gây lãng phí thời gian của người dân và kinh phí đào tạo.
Một trong những nghề không phát huy được hiệu quả là thủ công mỹ nghệ. Có thể kể ra nghề dát bạc được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang triển khai tại các xã Lang Quán, Hoàng Khai, Mỹ Bằng... huyện Yên Sơn từ năm 2013, nhưng đến nay đã không thể duy trì.
Từ điều kiện, đặc điểm của vùng miền núi dân tộc, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở miền núi phía bắc cần được xem xét, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh minh họa. |
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, xóm 21, xã Lang Quán, các hộ dân tái định cư trong thôn đã được học nghề dát bạc và duy trì được hơn một tháng, giao được ba chuyến hàng, sau đó thì nghỉ cho đến nay. Nguyên nhân là do tay nghề lao động không bảo đảm theo yêu cầu của chủ hàng; thu nhập chỉ được 30 đến 50 nghìn đồng/người/ngày cho nên hầu hết người có sức lao động không tham gia. Hay nghề mây tre giang đan cũng đã được truyền dạy tại địa phương, nhưng đầu ra của các sản phẩm này từ lâu vẫn là một vấn đề rất khó khăn.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Sơn, sản phẩm mây tre giang đan chủ yếu được bán tại tỉnh và thực tế có rất ít cửa hàng bày bán, giới thiệu những sản phẩm do người dân làm ra. Phần lớn các hộ dân được học nghề thủ công, như đan lát, làm chổi chít… ở các địa phương khác cũng rất khó khăn trong khâu tiêu thụ, vì thế người lao động vẫn chưa có thu nhập ổn định, chưa sống được bằng nghề.
Theo báo cáo giám sát mới đây của Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về kết quả thực hiện Ðề án 1956 thì cùng với nguồn ngân sách tỉnh, T.Ư đã giúp Sơn La xây dựng, cải tạo, nâng cấp chín trung tâm dạy nghề cấp huyện, với kinh phí 58,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, với hỗ trợ đào tạo nghề thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135 và chương trình khác của tỉnh, số lao động được đào tạo nghề thuộc Ðề án 1956 mới đạt khoảng 28%. Ðiều đáng nói là số lao động sau đào tạo nghề có việc làm mới đạt 45,2%. Về kinh phí bố trí cho thực hiện đề án là 409 tỷ đồng, nhưng mới thực hiện được 102,8 tỷ đồng, đạt 25,6%. Ðáng quan tâm là kinh phí chi cho công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm, phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, công tác giám sát đều đạt tỷ lệ khá cao, nhưng việc hỗ trợ LÐNT học nghề lại rất thấp, chỉ đạt gần 16%.
Trong sáu trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư kinh phí thuộc Ðề án 1956 bình quân 21,5 tỷ đồng/huyện, chỉ có bốn trung tâm được đưa vào sử dụng. Hai trung tâm dạy nghề tại huyện Sốp Cộp và huyện Yên Châu chưa được đầu tư trang thiết bị và chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn. Từ năm 2016, các trung tâm này sáp nhập đổi tên thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề, cơ sở vật chất này đã sử dụng, bố trí vào mục đích khác nhau, trang thiết bị xuống cấp, nếu tiếp tục sử dụng phải đầu tư sửa chữa lại.
Bảo Anh