Bên cạnh đó, trên một số lĩnh vực còn có hạn chế và trong tình hình mới xuất hiện những thách thức, nguy cơ mới tác động tiêu cực, là những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm. Thế giới, thế kỷ XXI tiếp tục chứng kiến nhiều biến đổi phức tạp, khó lường, ảnh hưởng, tác động nhiều mặt đến nước ta. Với vị trí địa chính trị quan trọng, Việt Nam đã, đang và luôn luôn sẽ là “trọng điểm” cạnh tranh chiến lược, lợi ích, ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực và phạm vi toàn cầu. Hơn nữa với chế độ xã hội chủ nghĩa, Việt Nam còn là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch… Những nguy cơ, thách thức này cần thiết phải nhận diện chính xác, đầy đủ ở cả hai hướng sau đây:
Nguy cơ, thách thức từ bên ngoài
Nguy cơ rơi vào thế mắc kẹt giữa các cường quốc hiện nay, thách thức trong triển khai chính sách đối ngoại, đối với các mối đe dọa. Cục diện thế giới, khu vực biến đổi mau lẹ, sự cạnh tranh, mặc cả chiến lược giữa các nước lớn; diễn biến khó lường, các điểm nóng khiến môi trường chính trị, an ninh khu vực ngày càng phức tạp, làm giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, kích thích chạy đua vũ trang và tâm lý dân tộc cực đoan, làm gia tăng căng thẳng và phức tạp quá trình giải quyết tranh chấp có liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia. Với vị thế địa chính trị chiến lược quan trọng, vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế, khu vực, Việt Nam bị các nước tác động, gây ảnh hưởng, lôi kéo tham gia vào các cơ chế nhằm kiềm chế lẫn nhau, có thể đặt Việt Nam vào tình thế khó khăn trong ứng xử với từng nước và tại các diễn đàn quốc tế.
Thách thức an ninh đối với chủ quyền quốc gia ngày càng lớn, tạo môi trường bất lợi, gia tăng áp lực bảo vệ lợi ích quốc gia. Các tranh chấp lãnh thổ giữa nước ta với các nước lân cận khó có thể giải quyết triệt để, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột. Vấn đề Biển Đông gia tăng, bất ổn, phức tạp do Trung Quốc hành động cứng rắn hơn, phức tạp, khó lường hơn, đặc biệt là sử dụng các biện pháp thô bạo để giải quyết tranh chấp làm tăng nguy cơ trên biển, chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Các bên tranh chấp khác không từ bỏ, tăng cường tiềm lực, chạy đua vũ trang khiến tình hình ngày càng phức tạp, tạo ra mối đe dọa với an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước.
Nguy cơ tụt hậu và phụ thuộc kinh tế vào các nước phát triển, các nước lớn, các định chế quốc tế ngày càng tăng. Những hạn chế trong hội nhập quốc tế như năng lực cạnh tranh thấp, trình độ quản lý chưa theo kịp, thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, cơ chế, chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ. Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào nhiều định chế kinh tế, tài chính quốc tế, chịu nhiều bất lợi và sức ép cải cách chính sách, thể chế, nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề kinh tế để can thiệp chủ quyền, xâm phạm an ninh quốc gia. Các nước lớn xác định những vấn đề, tiêu chí tiêu chuẩn cơ bản của biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuỗi sản phẩm… làm điều kiện, tác động, chi phối, dẫn dắt quan hệ kinh tế quốc tế.
Thách thức phát triển khoa học công nghệ, áp đặt các giá trị, tư tưởng, văn hóa. Các nước phát triển, nước lớn tăng cường sử dụng các ưu thế sức mạnh vượt trội về kinh tế, khoa học, công nghệ để can thiệp, ra điều kiện trong quan hệ kinh tế, áp đặt các giá trị tư tưởng, văn hóa phương Tây vào Việt Nam; phá hoại nền tảng tư tưởng, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc và những giá trị tinh thần của chủ nghĩa xã hội; nguy cơ an ninh mạng càng hiện hữu.
Các mối đe dọa từ an ninh bên ngoài từng bước chuyển vào nội bộ, bộc lộ rõ nét, tạo thách thức lớn đối với nhiệm vụ duy trì, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Cùng với toàn cầu hóa, xu hướng “dân chủ hóa” trên thế với, các nước lớn đẩy mạnh phổ biến “sức mạnh mềm” thúc đẩy thay đổi chế độ chính trị, kích động phong trào ly khai, tự trị, thúc đẩy “môi trường tự do hóa, dân chủ hóa” theo kiểu phương Tây, làm xuất hiện, mở rộng khuynh hướng tư tưởng phức tạp trong nội bộ, các trào lưu xâm nhập vào Việt Nam, dẫn đến nguy cơ làm xói mòn truyền thống văn hóa dân tộc, phai nhạt lý tưởng, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sức ép vấn đề “dân chủ, nhân quyền” ngày càng lớn.
Nguy cơ “diễn biến hòa bình”. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chúng triệt để lợi dụng xu hướng toàn cầu hóa, “tự do hóa chính trị”, “dân chủ hóa”, sự khác biệt về thể chế chính trị, pháp luật, những khó khăn, thiếu sót của Việt Nam…để tạo khủng hoảng về tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gia tăng sức ép, chuyển hóa nội bộ, tác động vào quá trình cải cách tư pháp, lập pháp, thúc đẩy “tự do, dân chủ hóa”, công khai tài trợ, hậu thuẫn hình thành các tổ chức “xã hội dân sự”, hội nhóm khác nhau. Số phần tử cơ hội chính trị hoạt động ngày càng công khai, quyết liệt, phức tạp.
Các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng. Mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng với quy mô, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, tác động đến lợi ích, an toàn, an ninh quốc gia Việt Nam, như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, an ninh năng lượng, an ninh con người…
Những thách thức, nguy cơ từ bên trong, nội bộ
Việc xây dựng đồng bộ hệ thống chiến lược thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc còn chưa đồng bộ. Công tác tham mưu chiến lược chất lượng chưa cao, trên một số mặt chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình, yêu cầu nhiệm vụ. Đánh giá, dự báo tình hình có mặt chưa được cụ thể, kịp thời, còn bị động, bất ngờ trong một số tình huống. Chỉ đạo điều hành có lúc, có nơi thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh tư tưởng còn nhiều bất cập, sơ hở. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân chưa toàn diện; tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân chưa thật vững chắc. Đất nước vẫn tiềm ẩn các nhân tố có thể gây mất ổn định. Việc kếp hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có lúc, có nơi chưa thật hiệu quả; kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong thực tiễn còn có lúc, có nơi chưa thật hiệu quả, có mặt còn hình thức. Đầu tư cho quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận, khu vực phòng thủ, phát triển khoa học - công nghệ…chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tình hình an ninh chính trị nội bộ xuất hiện một số biểu hiện tiêu cực. Các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa được đẩy lùi, có mặt bộc lộ rõ nét, nghiêm trọng hơn mà Đảng ta chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tham nhũng, lãng phí…; công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ còn bộc lộ những sơ hở, để các đối tượng tác động, phân hóa, lôi kéo, chia rẽ, mất đoàn kết. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, tình trạng cung cấp tin, tài liệu bí mật, lũng đoạn nội bộ diễn biến phức tạp, có một số trường hợp bị móc nối làm nội gián, bị lôi kéo, mua chuộc, tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Tư tưởng, lối sống một bộ phận đông đảo, nhất là giới trẻ phai nhạt lý tưởng, đạo đức, lối sống.
An ninh kinh tế tiềm ẩn những bất ổn. Trước tác động của đại dịch, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nợ xấu, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động thất nghiệp, tiềm ẩn bất ổn xã hội. Tình trạng trốn thuế, trục lợi hoàn thế, vi phạm pháp luật, làm sai quy định với thủ đoạn tinh vi, thao túng thị trường, lĩnh vực cơ bản, như tài chính, chứng khoán, bất động sản của nhiều tổ chức, cá nhân, tập đoàn tư nhân lớn vừa qua gây thất thoát, tác động lớn đến nền kinh tế. Tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lập dự án, xin đất, huy động vốn, đưa được người vào Việt Nam, chuyển giao, chuyển giá, nợ đọng lương, lãn công, biểu tình ở các nhà máy, khu công nghiệp ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, đối ngoại, môi trường đầu tư ở Việt Nam.
An ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các nước lớn xác định an ninh mạng là “vấn đề cốt lõi”, đe dọa an ninh mạng là đe dọa an ninh quốc gia. Ở Việt Nam, an ninh mạng đặt ra ngày càng cấp bách. Các cơ quan đặc biệt nước ngoài, tin tặc thường xuyên lợi dụng điểm yếu này để tấn công xâm nhập, thu thập thông tin, bí mật nhà nước, cài cắm mã độc, phần mềm gián điệp. Đồng thời, đây là công cụ đắc lực để phá hoại nền tảng tư tưởng, tuyên truyền xuyên tạc, luận điệu sai trái, thù địch. Các tổ chức phản động lưu vong tăng cường xâm nhập, móc nối, mua chuộc, phát triển lực lượng, hình thành tổ chức, hội nhóm chống, phá quyết liệt. Các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, hoạt động tinh vi, quy mô, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, nghiêm trọng. Công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin còn nhiều sơ hở, quản lý nhà nước, cơ chế kiểm soát bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng còn có hạn chế, bất cập.
An ninh xã hội có nhiều yếu tố mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo gia tăng hoạt động, công khai chống phá quyết liệt. Số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo tuyên truyền, xuyên tạc, kêu gọi quốc tế gây sức ép, can thiệp vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”; cổ vũ, kích động, chỉ đạo, ủng hộ tinh thần, vật chất, hình thành tổ chức, hội nhóm chống phá. Hoạt động của các “đạo lạ”, “tà đạo”, “hiện tượng tôn tín ngưỡng, tôn giáo mới” có chiều hướng phát triển, lây lan phức tạp, gây mất an ninh trật tự. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện diễn biến phức tạp, bị phần tử xấu lợi dụng, gây rối trật tự công cộng. An ninh các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Tội phạm xâm phạm thân thể hành vi gây án ngày càng dã man, tàn bạo. Tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là cán bộ công an, hành vi chống đối manh động, liều lĩnh. Tội phạm kinh tế, tham nhũng nổi lên trong nhiều lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân hàng, đất đai - bất động sản, y tế, cố ý làm trái tại các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân gây thất thoát, lãng phí lớn.
Quang Ninh (tổng hợp), Ngọc Chính, Đàm An