Hệ thống chính sách mới đã làm chuyển đổi nhận thức của xã hội về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều vướng mắc trong quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo được tháo gỡ và ngày càng đạt đến sự đồng thuận; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được đảm bảo, tiếp tục mở rộng; đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trở nên sinh động hơn trong con mắt bạn bè quốc tế. 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam gặp mặt quý vị chức sắc, chức việc đạo Công giáo

Trong một nghiên cứu mới đây, tác giả Nghiêm Thị Vi Anh đã khái quát một số thành tựu đạt được trong công tác tôn giáo ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay như sau:

Thứ nhất, đã làm chuyển biến căn bản nhận thức của xã hội, nhất là nhận thức của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở các cấp về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; coi trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo tốt đẹp; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tâm lý mặc cảm, định kiến với tôn giáo giảm dần; coi đồng bào có tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng là sinh hoạt văn hóa bình thường của nhân dân, quần chúng có đạo.

Thứ hai, diện mạo tôn giáo khởi sắc, tăng thêm tiềm lực cho tôn giáo và cho đất nước.

Nhờ hệ thống chính sách, pháp luật và những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, có thể nói, chưa bao giờ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được thuận lợi như hiện nay. Năm 2003, cả nước có khoảng 17,4 triệu tín đồ chiếm 21,8% dân số, 15 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 6 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo). Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa IX) và Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có thêm 25 tổ chức đủ điều kiện được cơ quan Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo được công nhận lên 41 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo, có 29.801 cơ sở thờ tự với 26.548.509 tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Các tôn giáo ở Việt Nam đều có sự phát triển về tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự được xây dựng mới, tu bổ khang trang, các lớp đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, in ấn kinh sách, các lễ hội tôn giáo ngày càng phong phú. 

Thứ ba, ý thức chính trị của tổ chức, chức sắc/chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo ngày càng được nâng cao, đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt trách nhiệm của tín đồ và nghĩa vụ công dân đối với đất nước.

Các hoạt động tôn giáo từng bước đi vào nề nếp, ổn định theo đúng Hiến chương, Điều lệ đã được phê duyệt, hoạt động thuần túy tôn giáo đảm bảo tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước; các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy, các yếu tố tiêu cực từng bước bị đẩy lùi. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong mối quan hệ với Nhà nước cũng theo chiều hướng tích cực thể hiện ở phương châm hành đạo, gắn bó đồng hành với dân tộc. Nhiều thư chung, thông bạch, văn bản của các chức sắc cao cấp, các tôn giáo gửi chức sắc, tín đồ khuyến khích tính thần đoàn kết và tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế… để họ có dịp thể hiện lòng yêu nước. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đều có ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân của mình, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật diễn ra không những góp phần tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo phát huy được tính tích cực trong cộng đồng các dân tộc, đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn giúp các tôn giáo chủ động đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Thứ tư, chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa.

Quán triệt Nghị quyết 25-NQ/TW, nhận thức về trách nhiệm của hệ thống chính trị về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” trong quần chúng chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ có bước chuyển biến rõ rệt nhằm phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, đóng góp sức người, sức của chung tay cùng nhân dân cả nước làm cho đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi: hệ thống ngõ xóm, kênh mương từng bước được bê tông hóa, nhiều cây cầu bê tông được xây dựng, an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm. Nhiều mô hình vận động quần chúng có hiệu quả thiết thực được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo. 

Trong tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều tổ chức, chức sắc/chức việc, nhà tu hành tôn giáo tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tham gia hiến đất, hoa màu, tài sản trên đất, đóng góp tiền ngày công lao động cho các công trình xây dựng cơ bản, phúc lợi xã hội ở cộng đồng... tham gia các hoạt động công ích làm đường, xây cầu, sân bóng, các công trình dân sinh, nhân rộng tuyến đường “Sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh”, “con đường hoa”, mô hình “ Đoạn đường tự quản”,... thông qua phong trào, nhiều vị chức sắc/chức việc, tu hành và tín đồ tôn giáo trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, tuyên truyền động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào các tôn giáo. Đông đảo đồng bào có đạo đã có nhiều việc làm thiết thực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp tại các khu dân cư trên địa bàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Nhiều mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương được triển khai như phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” và phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”.v.v... phù hợp với giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký kết chương trình phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Việt Nam về an toàn giao thông nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia bảo đảm, trật tự an toàn giao thông.

Các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc đã tích cực hợp tác, vận động gia đình tín đồ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong khó khăn hoạn nạn, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đặc biệt là các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia phòng, chống ma tuý, tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các âm mưu lợi dụng tôn giáo để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo truyền thống sống đạo tương thân, tương ái, đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo và an sinh xã hội.

Đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ở khu dân cư, Ban công tác Mặt trận, tổ an ninh, tổ hòa giải đã phối hợp tốt với chức sắc, tổ chức tôn giáo vận động bà con giáo dân tham gia đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy, mại dâm, trộm cắp; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có con em lầm lỡ, giúp các cháu vượt qua thử thách, không mặc cảm với xã hội, vươn lên hoà nhập với cộng đồng...

Thứ năm, các tổ chức, cá nhân chức sắc/chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, từng bước mở rộng diện bao phủ, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo và người dân.

Đối với tôn giáo, tham gia vào công tác an sinh xã hội vừa là đạo lý, vừa là chức năng xã hội quan trọng gắn với quá trình truyền giáo, phát triển đạo. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đa dạng ở nhiều lĩnh vực với nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo, không chỉ mang lại hiệu quả trong hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, mà cao hơn là về mặt tinh thần. Sự chăm sóc tận tình, thái độ tôn trọng và cảm thông không ranh giới với người bệnh, người nghèo của các tu sĩ chính là nguồn động viên, khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, đóng góp vào phát triển bền vững đất nước.

Thứ sáu, các tổ chức, cá nhân tôn giáo hưởng ứng tích cực chủ trương bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững đất nước

Đến nay, đã có 63/63 tỉnh/thành phố tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp tỉnh tại địa phương. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các tôn giáo tuyên truyền cho tín đồ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, trồng cây xanh, chôn lấp rác thải đúng nơi quy định, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp… góp phần cùng chính quyền, nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, tạo sự chuyển biến và vận hành đồng bộ từ trung ương đên địa phương với nhiều cách làm hay, nhiều hoạt động sáng tạo và 1014 mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ở các địa phương được xây dựng triển khai có hiệu quả. Có thể kể một số mô hình điểm có nhiều hiệu quả trong thực tiễn như: mô hình “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, hạn chế việc sử dụng vàng mã trong các cơ sở thờ tự” của Phật giáo; mô hình “Cộng đồng tôn giáo và cư dân thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” các hộ gia đình trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, tổ chức chăn nuôi khu tập trung xa khu dân cư, thu gom rác thải gia đình theo quy định của Giáo xứ Công giáo Cẩm Cơ, xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội; mô hình “Giáo xứ an toàn – sáng – xanh – sạch – đẹp” của Giáo xứ Thánh Mẫu, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng; mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” của đồng bào người Chăm theo đạo Bà La môn, tỉnh Bình Thuận; mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” của Phật giáo Hòa Hảo,...

Trong quá trình đổi mới đất nước, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng cởi mở, không chỉ tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động ổn định, phát triển theo quy định của pháp luật và gần đây trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định, nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa và đóng góp của tôn giáo trong phát triển đất nước. Đây là cơ sở định hướng trong nhận thức và thực hiện có hiệu quả công tác tôn giáo, tiếp tục phát huy “các nguồn lực của các tôn giáo” cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, tạo mối quan hệ  gắn bó trong hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội.

 Quang Ninh, Phạm  Ánh, Lê Na