- Cách đây chừng ba năm, lần đầu tiên thầy Jerry Swiatek điểm qua sự kiện 11/9 trong bộ môn nghiên cứu xã hội của mình và thầy đã không khỏi bất ngờ khi không ít học trò mới của mình cho biết chưa bao giờ xem lại cảnh những chiếc máy bay lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới.
Vụ khủng bố 11/9/2001. Ảnh: Daily Mail |
Các học sinh cuối cấp năm nay mới chỉ học lớp 2 khi đó. Trí nhớ của các em về ngày diễn ra vụ tấn công rất mờ nhạt. Còn với những trẻ nhỏ tuổi hơn, đây thậm chí còn là một sự kiện đã xảy ra quá lâu rồi.
Thầy Swiatek giảng dạy cho hầu hết các học sinh cuối cấp tại hạt Citrus, Florida và trong chương trình học thầy thường chiếu các đoạn clip về cảnh tòa tháp cháy cho học sinh xung quanh dịp 11/9 hằng năm.
Thầy cho biết: “Các em chưa bao giờ biết đến sự kiện, chúng hiểu sự thay đổi đã diễn ra ở đất nước này, nhưng các bậc phụ huynh chưa bao giờ cho chúng xem một đoạn phim nào. Học sinh chưa từng xem các đoạn phim này trước đó cũng không tin vào những gì chúng đang xem. Tôi cảm thấy hơi lo lắng”.
Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, nước này có hơn 60 triệu trẻ em ở độ tuổi 14 trở xuống. Vì thế sẽ không dễ để giáo viên có thể giải quyết vấn đề đầy khó khăn là giải thích về ý nghĩa của ngày 11/9 cho học sinh.
Đến năm 2011, 10 năm sau thảm họa, niềm trăn trở này của nước Mỹ có vẻ đã vơi đi đôi chút. Học sinh cả nước sẽ tập trung đông đảo để tổ chức tưởng niệm và học một các bài trong môn lịch sử và nghiên cứu xã hội về ngày 11/9 trong năm học này. Tất cả sẽ được nghe những câu chuyện của các thầy cô giáo kể và giao lưu với người sống sót của gia đình nạn nhân.
Các từ trên bìa sách như “KHÔNG THỂ TIN NỔI”, hay “HÀNH ĐỘNG CHIẾN TRANH” được viết bằng phông chữ khổng lồ.
Mặc dù đã một thập kỷ trôi qua, nhưng vẫn chỉ có vài bang và quận ở Mỹ mở chương trình dạy về ngày 11/9. Không giống như sự kiện Trân Châu Cảng hay vụ ám sát Martin Luther King Jr. và Tổng thống John F. Kennedy, câu chuyện 11/9 vẫn chỉ được viết hết sức mờ nhạt.
New Jersey vừa công bố chương trình học mới trong năm nay nhân dịp kỷ niệm 10 năm vụ tấn công, một kế hoạch được chính các gia đình nạn nhân của sự kiện 11/9 và Hội đồng Giáo New Jersey xây dựng. Chương trình gồm 56 bài học – bắt đầu từ đơn giản và tăng dần độ phức tạp và chi tiết với mỗi cấp học – nhấn mạnh và rút ra bài học sau thảm họa cho học sinh và kiểm tra lịch sử về khủng bố cùng với các bài học sâu hơn cho học sinh lớp trên.
Các bài học cũng kêu gọi hành động, như sáng tạo nghệ thuật về lòng khoan dung hay mở các dự án vinh danh hay tưởng nhớ các nạn nhân.
Năm 2009, các trường của New York City được cho là đã thử nghiệm chương trình giáo dục toàn diện đầu tiên về vụ tấn công. Được xây dựng bởi tổ chức Sept. 11 Education Trust có trụ sở tại New Jersey, chương trình học đang thí điểm trong các trường ở California, Alabama, Indiana, Illinois và Kansas. Chương trình sử dụng các đoạn phim và cuộc phỏng vấn về vụ tấn công cũng như các bài tập tương tác như cho học sinh vẽ bản đồ hoạt động khủng bố toàn cầu với phầm mềm Google Earth.
Đầu tháng 9, New York City, quận tập trung nhiều trường nhất nước Mỹ, ra thông báo đã cập nhật chương trình giảng dạy về 11/9, nêu ra cả những mẹo giúp học sinh hiểu rõ hơn về ngày này, một nghiên cứu nghệ thuật bắt nguồn cảm hứng từ các vụ tấn công khủng bố và lịch sử dây dựng tưởng niệm 11/9. Dự án được hoàn thành với sự trợ gúp của Trung tâm Bảo tàng và tưởng niệm 11/9 quốc gia và một nhóm các tổ chức giáo dục New York City.
Một số tổ chức phi chính phủ - như Sept. 11 Education Trust của Anthony Gardner, người có anh trai thiệt mạng trong Trung tâm Thương mại Thế giới khi đó - cũng cung cấp chương trình học nhưng các chương trình này không được phổ biến rộng rãi. Ngay cả bộ Ngoại giao Mỹ cũng tham gia phát triển tài liệu giảng dạy.
Ông Gardner cho biết chương trình của ông được sử dụng ít nhiều trong ít nhất khoảng 2000 trường trên khắp thế giới và chia sẻ: “Phải mất rất lâu chương trình mới đến được tận tay các giáo viên và nó cũng trang bị cho giáo viên tương đối đầy đủ để giảng dạy cho học sinh. Có lẽ đến ngày kỷ niệm 25 năm thì sẽ có một chương trình đáp ứng được yêu cầu”.
Còn với hầu hết các khu vực khác, việc tìm hiểu về sự kiện này như thế nào đều tùy thuộc vào giáo viên. Một số giáo viên thậm chí còn tránh chủ đề này hoặc bởi vì họ sợ học sinh sẽ không muốn tiếp nhận, hoặc vì đơn giản họ quá nhạy cảm khi bàn về vấn đề này. Thậm chí, có giáo viên còn cho biết, học lịch sử của năm 1980 còn dễ hơn nhiều học về năm 2001.
- Đình Ngân (theo Newsmax)