- Một đời nghiên cứu nấm nhưng cơ duyên phát hiện ra đông trùng hạ thảo trong một lần đi rừng, làm tiền đề cho nghiên cứu nuôi cấy sau này của Tiến sĩ Trương Bình Nguyên vô cùng bất ngờ.
Nguồn gen quý sắp tiệt chủng
Ngày 2/8, tại TP.HCM, Tiến sĩ khoa học Trương Bình Nguyên, Viện Trưởng Viện nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Trường ĐH Đà Lạt) đã chính thức công bố công trình nghiên cứu nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo của nhóm mình.
Và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu sản xuất thành công loài đông trùng hạ thảo nguồn gen Cordyceps Sinensis, một dược liệu quý cho sức khoẻ con người.
Đông trùng hạ thảo đang được nuôi cấy tại Đà Lạt. |
Ai cũng biết đông trùng hạ thảo chỉ có thể sống ở độ cao 4000 mét so với mặt nước biển trở lên. Từ tháng 4 - tháng 8, cư dân các vùng Nepal, Tây Tạng, Tứ Xuyên, Cam Túc, Vân Nam... bắt đầu đi khai thác đông trùng hạ thảo, khiến cho chi nấm Cordyceps Sinensis đang bị đe doạ tiệt chủng.
Chính vì lý do đó mà đông trùng hạ thảo có giá vô cùng khinh khủng, lên tới cả tỷ đồng/kg.
Tại buổi họp báo, TS Nguyên, một người dành cả đời nghiên cứu về nấm đã kể lại cơ duyên phát hiện ra họ hàng của đông trùng hạ thảo tại rừng núi cao nguyên Việt Nam vô cùng ngẫu nhiên.
“Cách đây vài năm, trong một lần đi rừng ở khu vực cao nguyên, tôi thấy những cây thấp có hoa khá lạ, trông từa tựa nấm. Hiếu kỳ, tôi đào lên thì phát hiện bên dưới cây nấm kia là những con sâu róm. Khi ấy các tài liệu về đông trùng hạ thảo tại Việt Nam còn khá mới mẻ, gần như không có thông tin. Tuy nhiên, qua đối chiếu, tìm tòi từ nhiều nguồn, tôi xác định đây là họ hàng của đông trùng hạ thảo, đặc biệt mang nguồn gen Cordyceps Sinensis sắp tuyệt chủng”, Tiến sĩ Nguyên nói.
Mặc dù thế giới đông trùng hạ thảo vô cùng phong phú, hàng trăm chi loài những tới giờ dòng gen Cordyceps Sinensis vẫn đứng đầu bảng về giá trị.
Việt Nam là nước thứ 5 nuôi cấy được
Trên thế giới, các quốc gia có công nghệ nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo chỉ tính trên đầu ngón tay, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và nay là Việt Nam.
Trước đó, chiều 30/7, tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học của Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã đánh giá cao công trình Nghiên cứu quy trình nuôi cấy sinh khối hệ sợi và khảo sát một số hoạt tính sinh học của các cao chiết từ sinh khối nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis do nhóm 3 nhà khoa học TS Trương Bình Nguyên, TS Đinh Minh Hiệp, TS Lê Huyền Ái thực hiện.
Tiến sĩ Nguyên giới thiệu về nghiên cứu nuôi cấy đông trùng hạ thảo của mình. |
Căn cứ vào kết quả thu được trong quá trình nuôi trồng được trình bày kèm theo bảng phân tích ADN và các thành phần lý hoá, Hội đồng khoa học xác định sản phẩm thu được chính là khối đông trùng hạ thảo được nuôi từ nguồn gen Cordyceps Sinensis.
GS.TS Nguyễn Minh Đức - Trưởng ban Nghiên cứu khoa học và Thư viện, khoa Dược Trường Đại học Y dược TP.HCM, cũng là Chủ tịch Hội đồng khoa học công bố: “Công trình của nhóm TS Trương Bình Nguyên đạt 82,7 điểm. Trong khi đối với một công trình nghiên cứu khoa học chỉ cần 50 điểm là đạt”.
PGS.TS Ngô Kế Sương, Chủ tịch Hội sinh học TP.HCM đánh giá đây là công trình khoa học công phu, giá trị thực tiễn lớn.
“Tôi cho rằng thành phẩm nuôi trồng đông trùng hạ thảo này được đưa vào thực tiễn thì đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được loại dược liệu quý giá như thế”, TS Sương nhận định.
Sản phẩm nuôi cấy đông trùng hạ thảo trên đang được thực hiện tại Đà Lạt, trong một môi trường sinh thái nhân tạo gần như môi trường tự nhiên. Các kết quả phân tích đánh giá các loại vitamin, axit amin, nguyên tố khoáng vi lượng, dưỡng chất, vi chất trong sản phẩm nuôi cấy tại Việt Nam được xác định tương đương các quốc gia khác.
Nay, việc nuôi trồng được đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo sẽ giúp dược liệu này có giá thành phải chăng hơn, người dân có thu nhập khoảng 10 triệu/tháng cũng có thể tiếp cận được.
Đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis có dạng nấm, dạng quá thể sống trên con sâu non của loài bướm đêm, hoặc ấu trùng của ve sầu. Vào mùa đông, sâu nở trong lòng đất, bị nhiễm bào tử nấm.
Khi nấm nhiễm vào sâu, mọc lên, hút chất dinh dưỡng trong sâu non, sâu bị chết. Đến mùa hè, cây nấm mọc lên khỏi mặt đất như hình cọng cỏ. Chính vì thế loài sinh vật này được gọi là đông trùng hạ thảo. Điều kỳ lạ là sự kết hợp này đã đem lại cho cây nấm hàng chục loại dưỡng chất vô cùng quý giá cho sức khoẻ con người.
Thanh Huyền