Từ ngày 11/3, Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sẽ sáp nhập vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức tiếp nhận nhân sự, bộ máy tổ chức, tài chính tài sản của Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (Phân hiệu tại tỉnh Ninh Thuận) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà trường, không gây khó khăn cho người học, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các cá nhân và tổ chức có liên quan.
Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sẽ biến mất (Ảnh: báo Ninh Thuận) |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định của Chính phủ.
Giải quyết nhân sự, sinh viên của Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận như thế nào?
Trường Sư phạm Ninh Thuận được thành lập năm 1993 trên cơ sở hợp nhất từ Trường Trung học Sư phạm Thuận Hải và Trường Sư phạm đào tạo giáo viên cấp II (Sư phạm cấp II) Thuận Hải (Bình Thuận và Ninh Thuận). Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS, hợp đồng đào tạo giáo viên PTTH và nâng chuẩn đào tạo giáo viên các cấp.
Ngày 2/10/2000, Trường được nâng cấp thành Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có trình độ CĐSP và các trình độ thấp hơn; bồi dưỡng cán bộ quản lý và nhân viên nghiệp vụ giáo dục trường THCS, tiểu học, mầm non; nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho hay việc sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM là để phát huy các thế mạnh của cả hai. Tỉnh Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận đang hướng tới đào tạo theo thế mạnh này.
Theo ông Lý, sau khi sáp nhập sẽ chuyển nhiệm vụ đào tạo của Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sang phân hiệu của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận. Vì thế, phân hiệu sẽ mở thêm nhóm ngành sư phạm bậc đại học. Cụ thể, mở thêm các ngành sư phạm bậc đại học, đồng thời đào tạo nâng cấp đội ngũ giảng dạy này từ cao đẳng lên đại học.
Về đào tạo, những năm qua, Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận đã tuyển sinh 18 mã ngành đào tạo bậc CĐ sư phạm với khoảng 500 chỉ tiêu/năm. Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận sẽ tiếp tục nhiệm vụ đào tạo CĐ sư phạm cho 12 lớp hiện tại, nhưng không tuyển sinh hệ cao đẳng sư phạm từ năm 2020, chỉ tuyển sinh 2 lớp mầm non bậc cao đẳng và 1 lớp tin học.
Từ năm 2021, chuyển sang hệ sư phạm ĐH theo chỉ tiêu cho phép của Bộ GD-ĐT. Cũng trong năm 2021, sẽ mở 4 ngành sư phạm bậc đại học: sư phạm Toán; sư phạm Anh văn; sư phạm Tin học và sư phạm Khoa học tự nhiên.
Riêng ngành Sư phạm mầm non trình độ cao đẳng vẫn tiếp tục tuyển sinh vì nhu cầu thực tiễn hiện nay. Những năm sau 2022 khi có đầy đủ nguồn nhân lực giảng dạy bậc đại học, trường sẽ mở ngành sư phạm mầm non bậc ĐH.
Với những sinh viên đang theo học ở Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sau khi sáp nhập sẽ được cấp bằng tốt nghiệp do Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ký khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Về đội ngũ, ông Lý cho hay, khi sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận có 72 cán bộ, viên chức, giảng viên. Ban đề án sáp nhập đã cân nhắc chọn lọc nhân sự dựa vào các tiêu chí như nhu cầu cán bộ, viên chức, giảng viên; tiêu chuẩn trình độ chuyên môn và đã chọn được 39 người sang Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận. Trong đó, 34 giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên; 5 chuyên viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, ngoài ra phân hiệu sẽ hợp đồng với 2 bảo vệ, 1 lái xe.
33 cán bộ giảng viên còn lại của Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận đến tuổi nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác về các trường khác thuộc Sở GD-ĐT Ninh Thuận.
Đối với cơ sở vật chất, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tiếp nhận toàn bộ tài sản của Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận với tổng diện tích đất 35.060 m2 và các tài sản trên đất gồm khu văn phòng 21 phòng/764 m2; khối lớp học 01/1.254 m2, phòng học 22 phòng/1.344 m2; thư viện 5/476 m2; hội trường 01/504 m2; ký túc xá 1.802 m2...
Về ngân sách, đối với ngân sách chi thường xuyên, năm 2020 tỉnh Ninh thuận tiếp tục chi trả kinh phí thường xuyên đối với các khoản chi tiêu của Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận, ngân sách năm 2020 Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính đã khóa sổ năm tài chính.
Để đảm bảo hoạt động cho Phân hiệu Ninh Thuận sau khi sáp nhập, trong 3 năm đầu (tính từ năm 2020), đề xuất Bộ GD-ĐT hỗ trợ một phần kinh phí cho Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho 356 sinh viên hệ chính quy đang theo học tại Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận (bao gồm 3 khóa: 41, 42, 43) và số tuyển sinh mới ngành mầm non và cao đẳng tin học năm 2020, tính từ thời điểm sáp nhập cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Tổng kinh phí hỗ trợ là 37,2 tỷ đồng trong 3 năm đầu sau khi sáp nhập...
Lê Huyền