- Sau khi bài viết Mũ bảo hiểm rởm và chuyện trách nhiệm được đăng tải, nhiều bạn đọc đồng tình với những luận điểm của tác giả.
Bạn đọc cho rằng không nên phạt người mua vì họ cũng chỉ là nạn nhân mà nên phạt từ gốc, có như vậy mới triệt tiêu được nguồn gốc. Bạn đọc còn đưa ra ý kiến đây là Nghị định chưa sát với thực tế rất khó thực hiện.
Phạt dân có đúng?
Nhiều bạn đọc cho rằng đối tượng đầu tiên phạt là đội quản lý thị trường và mấy anh công an quản lý khu vực tại khu vực có mũ bảo hiểm giả bày bán, những việc sờ sờ ra đấy mà mà họ không làm được còn nói gì đến việc chống hàng giả hàng nhái khác. Bạn Dinh Vinh Thai cho rằng bài viết không thể hay hơn và không thể thực tế hơn được nữa. CSGT kêu không có máy kiểm tra vậy người dân đi mua kiểm tra bằng gì? Đâu phải người dân bỏ tiền ra để được cái nón dỏm. Phạt người dân là phạt cái tội ngu không biết phân biệt thật giả?
Đọc bài viết thấy kết luôn, đó là ý kiến của bạn Nguyễn Bến. Bạn nêu quan điểm, sáng nay ngồi xem thời sự buổi sáng có tin tức về việc này mà thấy bức xúc. Tốn tiền cho mấy ông ngồi bàn đi tính lại mà chả giải quyết được vấn đề gì. Chẳng thể nào xử phạt người dân được vì họ là nạn nhân của việc quản lý thị trường kém, để việc sản xuất và nhập khẩu mũ giả, rởm, đến nỗi bày bán tràn lan trên vỉa hè các tuyến đường lớn, như Phạm Hùng chẳng hạn, thậm chí ở chùa Bộc có khi cũng chưa phải là mũ hợp quy.
Ban Kim Anh cho rằng theo tôi thì phải phạt các cơ quan chức năng đầu tiên. Dân chúng tôi đóng thuế để các vị theo dõi, quản lý, xử phạt những kẻ làm gian dối để người dân được yên tâm sinh sống. Nay các vị không làm tốt chức năng để dân mua phải đồ rởm, tiền mất, tật mang lại còn đòi phạt chúng tôi là sao? Không gì có thể biện hộ cho việc thực thi chức năng của quý vị được! Đừng đổ thừa cho dân muốn thế này muốn thế kia, đối phó.... Hy vọng VietNamNet đăng ý kiến bức xúc của tôi và cũng của đại đa số người dân.
Cho rằng quản lý thị trường mấy năm nay thả nổi mũ bảo hiểm thật, dỏm bán tràn lan ngoài xã hội, bạn Đông Anh cho rằng bây giờ lại đòi phạt dân chúng, mấy ông quản lý kiểu gì vậy?
Bộ Y tế cũng nên ra luật phạt người uống thuốc rởm?
Nhiều bạn đọc đồng tình với nội dung của bài báo khi cho rằng những nghị định, thông tư khi ban hành sai nếu làm thiệt hại đến tiền của của dân thì phải bồi thường, những người trực tiếp soạn thảo phải chịu kỷ luật vì trình độ và sự kém hiểu biết về tình hình, xa rời thực tế.
Phàn nàn về cách làm thông tư, bạn Đình Sơn nói: Có lẽ rất nhiều người thấy Nghị định phạt đội mũ bảo hiểm dỏm là không hợp lý, không khả thi, không đồng tình... Nhưng không ít chúng ta nhận thấy rằng cách điều hành, quản lý các mặt xã hội của chúng ta là có vấn đề. Đó là cách quản lý phần ngọn, là cách tư duy kiểu ngược, đó là không kiểm soát được "đầu vào" (là nguồn gốc của những cái "giả") nên quay sang quản lý "đầu ra" (là người dân sử dụng); đó là cái gì không quản lý nổi thì quay sang cấm.
Bạn Nguyễn Thế Tùng đặt câu hỏi: Nên chăng phải có kỷ luật thích đáng với những ai đưa ra những quy định không thực hiện được và họ phải đền bù mọi kinh phí cho việc nghiên cứu đưa ra những quy định đó, có vậy họ mới thực tâm nghiên cứu. Tôi không nghĩ các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước lại có thể đưa ra những chính sách kì lạ như vậy. Thay vì lẽ ra phải bảo vệ người tiêu dùng thì lại phạt khi người dân là nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng. Đó cũng là ý kiến của ban Văn Công.
Đến chịu với mấy ông làm luật kia thôi, lại tới 4 ông bộ lớn làm hẳn hoi mà cứ thấy lỗ chỗ cơ man vấn đề. Ở đây xin nói 01 vấn đề nhỏ: Đó là dân đóng thuế trả tiền nuôi mấy ông, thuê mấy ông ngăn chặn hàng giả, giờ các ông sống bằng tiền thuế của dân lại bảo mấy dân tự đi mà kiểm tra hàng giả, rồi chẳng may dùng đồ không đúng quy cách các ông nghĩ ra lại bị phạt thì đúng là quá vô lý.
Hoàng Minh Tú xin cám ơn tác giả bởi bài viết rất đúng và cho rằng rõ ràng cần phải có cơ chế để thẩm định các quy định, nghị định trước khi đưa đến người dân, chứ không thì cứ lâu lâu bị "đày" 1 bữa thế này, dân chưa kịp tuân theo quy định đã đau tim rồi.
Không biết nhà làm luật VN như thế nào nữa, bạn đọc có email dotlogichoc@gmail.com cho rằng nếu nghị định này được áp dụng và xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả thì có lẽ Bộ Y tế cũng ra thêm một luật tương tự, xử phạt người uống thuốc giả, ăn thực phẩm giả.
Bạn Ngô Anh Tú đặt câu hỏi: Phải chăng số cán bộ viết luật, ban hành luật này nằm trong số 30% của cán bộ hành chính của nhà nước chỉ bảo mà không làm được, như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói.
Ban Bạn đọc