Vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 hằng năm, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) trở thành điểm đến của những du khách mê “săn" cảnh lúa vàng trải thảm trên ruộng bậc thang.
Bạn Trần Hồng Nhung (SN 1997, ở TP.HCM) cùng nhóm bạn đến Mù Cang Chải du lịch 3 ngày 2 đêm. Nhung đã sửng sốt trước vẻ đẹp thiên nhiên đẹp tới nao lòng ở đây.
Nhung cho biết đây là lần đầu tiên được tới Yên Bái. Trước đó, Nhung đã xem hình ảnh trên mạng nhưng khi đến trực tiếp thấy đẹp hơn rất nhiều. Các dịch vụ du lịch ở đây đều rẻ. Đặc biệt, du khách còn được trò chuyện với những người dân tộc Mông chất phác và thân thiện.
Chính những du khách như Nhung đã góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở huyện nghèo bậc nhất cả nước này.
Nhờ vào du lịch mà gia đình anh Giàng A Dê (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) đã thoát nghèo. Gia đình anh Giàng A Dê đã xây dựng một homestay phục vụ khách du lịch tới địa phương.
Trong quá trình kinh doanh homestay, anh Giàng A Dê đã cố gắng học hỏi các mô hình homestay ở các địa phương khác, đồng thời chú ý tới nét văn hóa địa phương để du khách có được những trải nghiệm thú vị. Những ngôi nhà kinh doanh homestay của anh Dê được thiết kế theo kiểu truyền thống của đồng bào người Mông.
Theo truyền thống, nhà của người Mông là nhà trệt, mái thấp, có đủ 3 gian và tối thiểu phải có 2 cửa, trong đó có một cửa chính và một cửa phụ.
Để nâng cao dịch vụ, anh Giàng A Dê còn liên kết với các hộ gia đình khác để tạo thành chuỗi du lịch khép kín. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động bắt cá suối, trực tiếp cày bừa, cấy gặt trên cánh đồng ruộng bậc thang. Ngoài ra, còn có dịch vụ chở khách tới tận địa điểm đẹp để chụp ảnh.
Tại đồi Mâm Xôi, chị Lý Thị Hua cho biết, hai vợ chồng chị làm dịch vụ xe ôm chở khách đến các điểm phong cảnh đẹp. Vào mùa lúa chín đông khách, mỗi ngày vợ chồng chị có thu nhập từ 500 – 600 nghìn đồng.
Gia đình chị Hờ Thị Dinh (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) cũng thoát nghèo nhờ làm du lịch. Chị Dinh đã học hỏi cách làm du lịch trải nghiệm, xây dựng homestay để kinh doanh dịch vụ lưu trú từ năm 2022. Hiện tại đang là mùa cao điểm du lịch Mù Cang Chải nên lúc nào cơ sở của chị Dinh cũng kín khách.
Cả gia đình chị Dinh cùng nhau phát triển homestay gắn liền bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mông. Trong đó, chú trọng vào các món ăn, đồ uống với cách làm giữ nguyên hương vị truyền thống.
Nhiều năm trở lại đây, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã tích cực chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển các sản vật đặc trưng theo hướng hàng hóa, sản phẩm phục vụ du lịch như táo mèo, ngô tí hon, hồng giòn, lê Tai Nung... để bán cho du khách.
Nhờ vậy, nhiều người dân ở Mù Cang Chải còn có thêm thu nhập từ việc bán hàng lưu niệm, các sản vật của địa phương thông qua các quầy hàng.
Gia đình chị Vừ Thị Chía (xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải) đã chuyển trồng ngô làm thức ăn gia súc sang trồng ngô tí hon. Ngô thu hoạch đều được các thương lái mua để bán cho khách du lịch. Ngô tí hon có vẻ ngoài khác lạ nên luôn đắt hàng.
Mùa ngô năm nay, chị Chía bán ngô tí hon được hơn 30 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình chị đủ lo cho con cái đi học, trả thêm một phần vốn ngân hàng đã vay trước đó để mua trâu bò.
Hiện nay, khi đặt chân tới Mù Cang Chải, ai cũng có thể nhận thấy du lịch đã giúp người dân có thêm việc làm, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.
Từ nay tới năm 2025, huyện Mù Cang Chải cũng đặt ra quyết tâm trở thành huyện du lịch, điểm đến “Bản sắc - An toàn - Thân thiện” và cơ bản không còn là huyện nghèo. Đây là 2 nhiệm vụ đã được Đảng bộ, UBND huyện xác định rõ ràng và kỳ vọng du lịch phát triển sẽ thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu để phục hồi, phát huy các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào, tạo dấu ấn riêng phục vụ khách du lịch trải nghiệm.
Theo thống kê, mức chi tiêu của mỗi khách du lịch đến Mù Cang Chải dao động từ 300 nghìn đồng tới 1,5 triệu đồng/ngày. Nếu như năm 2016 doanh thu từ du lịch của huyện chỉ đạt trên 60 tỷ đồng thì đến năm 2020 đã tăng lên 100 tỷ đồng, năm 2022 đạt 270 tỷ đồng.