Tôi từng gặp những phụ nữ hiếm muộn nhiều lần tìm đến các trung tâm bảo trợ xã hội để xin con nuôi mà không được. Hỏi bí quyết của một chị “đại gia” đã xin con nuôi thành công tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 (xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), tôi được biết: phải có ít nhất một trăm đến hai trăm triệu đồng (tùy từng thời điểm) thì một người Việt Nam mới có thể xin được con nuôi. Đó là lý do vì sao nhiều trung tâm bảo trợ xã hội có trẻ bị bỏ rơi “thích” người nước ngoài nhận con nuôi ở chỗ của họ...
Chúng tôi tiếp cận Trung tâm Bảo trợ số 4 (TT.4), thông qua con đường làm từ thiện. Tại thời điểm này, TT.4 vừa “nhặt” được hai bé sơ sinh “bị bỏ rơi ngoài cổng”. Người chăm sóc các bé thuộc vanh vách ngày, giờ, đặc điểm nhận dạng, thậm chí là tiếng khóc, nét mặt các bé lúc bị bỏ rơi... để kể cho những vị khách đến TT phát quà. Họ làm như vậy nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của người đến thăm. Ai cũng phẫn uất, lên án người mẹ khi nghe cô nuôi ở TT.4 hé lộ: “Mới rạng sáng đã nghe tiếng khóc của trẻ con ngoài cổng. Chú bảo vệ chạy ra thì thấy một bọc ni lông quấn tròn, bên trong là đứa trẻ tím ngắt mới sinh xong bị bỏ rơi. Chậm một tí thôi là bé đã chết vì rét rồi đấy các bác ạ”! Lần đầu tiên nghe xong, lòng chúng tôi nghẹn đắng. Nhưng lần thứ hai, thứ ba chúng tôi trở lại TT.4, nghe các cô nuôi trẻ “tua” y như vậy bằng giọng lạnh tanh, chúng tôi thấy dựng tóc gáy.
Sau này, khi thực sự tin rằng tôi là “đại gia”, có nhu cầu xin con nuôi, Ngô Trung Hiếu - cán bộ TT.4 không ngần ngại cho biết: “Thực ra các cháu được đưa đến cổng TT đều theo sự sắp xếp hết đấy chị. Làm gì có chuyện cố tình vứt không một đứa trẻ giữa thời buổi này? Làm gì có chuyện nhận không một đứa trẻ về làm con nuôi? Phải có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền...”. Câu nói lấp lửng của Hiếu khiến tôi rùng mình. Mất hàng tháng ròng, ngược xuôi trên cung đường Ba Vì - Hà Nội, chúng tôi hiểu được vì sao những người mẹ nghèo, hiếm muộn, chẳng bao giờ có cơ hội xin được con nuôi.
Qua MC nổi tiếng K.N., cầu thủ một thời của CLB Thể Công Hà Nội, ông C. (ảnh trái) đã chi một khoản tiền để có được cô con gái nuôi từ đường dây “kinh doanh” con nuôi của Ngô Trung Hiếu (ảnh phải) tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội. |
Trong một lần tiếp xúc với tôi, Hiếu tự nhận mình là người đàng hoàng, sống có tình nghĩa, không coi trọng giá trị của đồng tiền. Hiếu đã từng giúp đỡ nhiều người nhận được con nuôi, nhiều em bé mồ côi có mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng, anh ta không quên đi thẳng vào vấn đề “cái cần có” cho lần xin nhận con nuôi của tôi. Hiếu nói: “Em không cần tiền nhưng các sếp của em thì cần lắm. Bây giờ giả sử chị đến đặt thẳng vấn đề với ông giám đốc TT của em với giá 100 triệu một cháu chẳng hạn thì ông giám đốc cũng không thể quyết được. Mọi thủ tục cho, nhận con nuôi xưa nay ở TT.4 đều do em làm hết từ đầu đến cuối”. Hiếu lấy ví dụ một trường hợp mà anh ta vừa giúp làm thủ tục xin con nuôi ở TT.4, là vợ chồng ông C. - một cầu thủ nổi tiếng, cũng phải chi phí không dưới 50 triệu đồng mới xin được con nuôi.
Hiếu nhấn mạnh: “Vợ ông C. khi lên TT.4 xin con nuôi phải nhờ qua mối quan hệ của bà K.N., một MC của Đài Truyền hình Việt Nam. Bà K.N. lại được ông giám đốc trước đây của em rất nể. Em biết, những người như họ có mối quan hệ rất “khủng” nhưng đấy là việc của họ, “khủng” hơn nữa cũng chẳng có nghĩa lý gì với em hết. Tất cả phải có tiền mới giải quyết được chị ạ. Sau này nhận cháu về nuôi, chị cũng phải có tiền mới nuôi được chứ. Em “phát” giá với ông C. là 100 triệu (cách đây ba năm), chắc là ông ấy gọi cho bà K.N. để mách hay sao đó, bà K.N. lập tức gọi điện thoại cho em hỏi: “Sao cháu lại lấy nhiều tiền thế?” Bà K.N. còn dọa sẽ đưa em lên truyền hình mới buồn cười. Em bảo bà ấy là em chỉ làm theo chỉ đạo thôi, thắc mắc thì cứ gặp sếp em mà hỏi”.
Ngô Trung Hiếu |
Bôi trơn bộ máy
Quả nhiên, Hiếu không sợ bị đưa lên truyền hình thật. Anh ta kể: “Em tuyên bố thẳng với bà K.N.: “Không có tiền thì cháu không làm. Cô làm truyền hình, cô quảng cáo thì cô có lấy tiền của người ta không? Chẳng nhẽ vì cô làm truyền hình, cháu sợ cô mà phải rút tiền túi của cháu ra để bôi trơn cho ông chủ tịch, biếu ông tư pháp và ông giám đốc của cháu để làm giúp cô à? Nếu cô không chịu thì cô “lượn” đi. Đấy là luật”. Em thách bà ấy dám đưa lên, thế là có dám đưa đâu. Cuối cùng ông C. nhận được con nuôi, vẫn phải chi 40 triệu tiền mặt bôi trơn, thoát làm sao được”.
Qua Hiếu, chúng tôi được biết, để làm xong thủ tục cho một em bé mồ côi đi làm con nuôi trong nước, về phía TT.4, có chữ ký của ông giám đốc TT, Phó giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch huyện Ba Vì, Chủ tịch xã Tây Đằng... Đi đến đâu, bôi trơn đến đó. Với một người tự đến xin con nuôi, chẳng khác nào dấn thân vào “ma trận”, mất nửa năm vẫn ra về tay không. Nếu chồng đủ tiền thì chỉ trong vòng nửa tháng là Hiếu đã làm xong mọi thủ tục, chỉ việc mang con về nuôi. Hiếu nói: “Nếu đã xác định xin con về nuôi để nó là con mình thì hãy gạt bỏ sự quan trọng của tiền nong sang một bên. Con người mới quý chứ tiền thì là cái quái gì. Mỗi cháu, em được mấy chục triệu rồi cũng uống rượu hết ấy mà. Tình cảm với nhau mới quý chứ”.
Trở về Hà Nội, tôi lật tung các mối quan hệ quen biết để dò hỏi thông tin của cầu thủ C., xác minh câu chuyện Hiếu nói. Hóa ra đó là chuyện có thật. Thật đến từng chi tiết và phũ phàng. Cầu thủ C. vốn là một đại tá quân đội, đã nghỉ hưu, hiện làm thêm công tác cố vấn cho một đội bóng ở Hà Nội. Trong vai một cặp vợ chồng hiếm muộn, đang muốn xin con nuôi, chúng tôi đến nhà riêng của ông C. ở Q.Ba Đình - Hà Nội để được chia sẻ thông tin.
Chân thành, ông C. tự hào khoe con gái của mình. Cháu bé được vợ chồng ông nhận nuôi từ lúc chưa đầy ba tháng tuổi. Nguồn gốc của bé cũng là trẻ bị bỏ rơi ở cổng TT.4, vào sáng sớm. Thông qua MC truyền hình K.N., ông C. được nhận con nuôi trong vòng chưa đầy nửa tháng. Tôi hỏi ông về thủ tục ban đầu, có liên quan đến giá cả như Hiếu nói từ 100 triệu đồng, được giảm xuống 40 triệu đồng, ông C. chau mày bực bội, nói: “Tôi không nghĩ là Hiếu lại ra giá cao như thế đâu. Nó nói thẳng với tôi là hết 100 triệu mới làm được, tôi có gọi điện cho K.N. để nói lại như vậy. Không ngờ K.N. bực mình, gọi luôn cho thằng Hiếu, mắng cho một trận.
Mấy hôm sau, Hiếu gọi cho tôi để báo lại giá 40 triệu đồng. Nó nói lý do là tiền nhận vào cho TT. Tôi giao tiền trước sự có mặt của ông T. (giám đốc cũ) và Hiếu. Khoảng 10 ngày sau thì tôi nhận được con”. Ông C. cho biết: “Tôi không băn khoăn gì về khoản tiền đã chi. Bản thân tôi là người có điều kiện kinh tế và có khao khát thật sự về một đứa con. Bé không biết mình là con nuôi của bố mẹ. Tôi nghĩ, mẹ của bé hẳn đã có một lý do đau đớn nào đó mới dứt ruột bỏ lại con mình ở nơi lạnh lẽo như vậy. Giờ đây, đời bé được đổi thay, chúng tôi hạnh phúc vì đã đem đến cho con sự thương yêu và lớn hơn cả là mái ấm gia đình”. Tôi thầm mừng cho gia đình ông C. nhưng tiếc là câu chuyện không được xuất phát từ những hành động đẹp. Giá mà không có chuyện mặc cả với nhau...
Trong một lần gặp, Hiếu “bật mí” với tôi: “Chị đừng có lầm tưởng là bỗng dưng người ta đem con đến vứt bỏ ở cổng các trung tâm bảo trợ xã hội nhé! Tất cả đều có kịch bản hẳn hoi đấy. Mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi, các TT phải “mua” với giá thấp nhất là 10 triệu đồng đấy. Khi có “hàng”, người ta sẽ gọi trước, hẹn ngày, giờ mang đến đặt ở cổng TT. Đặt xong thì gọi, một loáng là đâu vào đấy. Người ta sẽ lập biên bản trẻ bỏ rơi, đưa vào tình trạng chăm sóc khẩn cấp... Rồi người mẹ “vứt” con, người xe ôm chở đến để con ở cổng TT cũng sẽ nhận được tiền bồi dưỡng hết. Bây giờ trường hợp bỏ không trẻ con hiếm lắm, làm gì có!”.
Câu chuyện đặt hàng Hiếu nói là có thật. Tôi đã phải mất công nhiều ngày để lần tìm đường đi của những thiên thần bị bỏ rơi. Những điều mắt thấy, tai nghe thật đau xót. Nó làm tôi nhớ lại sự kiện tai tiếng xảy ra ở tỉnh Nam Định hồi cuối năm 2008. Hàng chục cán bộ lãnh đạo các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm y tế... đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, thành lập đường dây đẻ thuê rồi bỏ rơi. Họ đã làm giả hồ sơ trẻ bị bỏ rơi và đưa trót lọt 222 trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi...
(Theo Phụ nữ Online)