Tôi năm nay 35 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cả quãng thời gian ấu thơ cho đến lúc đi làm, lấy vợ, tôi vẫn sống cùng gia đình trong một con ngõ nhỏ ở làng Liễu Giai thuộc quận Ba Đình. Chính vì quá quen với việc bước chân khỏi nhà là đụng tường, nên bản thân tôi chưa bao giờ để ý đến ô tô hay có mục tiêu sau này phải sắm một chiếc xế hộp bóng lộn, hầm hố.

Như mọi chúng bạn gần nhà, tuổi thanh niên tôi mơ ước chiếc Suzuki FX125-biểu tượng của dân chơi cuối thập niên 90 thế kỷ trước, còn sau này cầm đồng lương của tháng đầu tiên đi làm, ý nghĩ bùng cháy là tiết kiệm tiền để sắm chiếc Honda AirBlade cho đúng chất công sở thay vì đi chiếc xe số cà tàng.

{keywords}
Lada Niva sản xuất năm 1986 có giá nhỉnh hơn chút so với xe máy tay ga Honda là lựa chọn của tôi.

Thế rồi cột mốc thay đổi đến vào một ngày đầu đông năm 2010. Khi ấy tôi đã lập gia đình gần 2 năm và có một cô con gái 1 tuổi rưỡi. Tình cờ đến chơi nhà anh bạn cũng là gara ô tô, tôi thoáng nhìn chiếc xe màu xanh cốm đang đỗ trên cầu sửa trông thật bắt mắt. “Chiếc xe này bao nhiêu tiền vậy anh?”, tôi buột miệng hỏi khi vừa bước chân vào nhà, và bạn tôi cho biết nó chưa đến 40 triệu đồng. Chính xác là 36 triệu đồng! Chiếc ô tô mang nhãn hiệu Lada Niva của Liên Xô cũ, sản xuất năm 1986. Vậy là chỉ đắt hơn chiếc xe tay ga mình mơ ước một chút, nhưng đủ điều hòa, che mưa nắng gió rét, Tết này sẽ không còn cảnh vợ con thu mình nép phía sau vì gió lạnh khi về nhà ngoại.

Tôi ra về với suy nghĩ miên man về chiếc ô tô cũ có giá chỉ đắt hơn chút so với cái xe máy mình thích. Lại sẵn bằng lái B2 đã học trước đó 2 năm trong lúc chờ bảo vệ đồ án tốt nghiệp khiến sự ham thích cầm vô lăng trỗi dậy, ngày hôm sau, tôi đã mang tiền đến và nhờ anh bạn liên lạc chủ xe xin mua. Số tiền ấy là nhiều tháng tích cóp từ đồng lương ít ỏi, cộng với một chút mượn của bạn bè. Nhưng tôi vẫn không đắn đo.

Có được chiếc ô tô đầu đời, việc đầu tiên là chở vợ con đến nhà ông bà ngoài. Chiếc Lada Niva sản xuất chỉ 1 năm sau khi tôi ra đời, vậy mà sau hàng chục năm, nó vẫn nổ giòn giã sau cú vặn xoay khóa điện. Côn và số xe khá nặng, phải mồi thêm ga khi mới khởi động, tiếng xe át tiếng người vì bầu ống xả phía sau đã lủng chưa khắc phục, nhưng mọi thứ chẳng hề đáng bận tâm bởi niềm vui cầm lái chiếc xe của mình quá lớn. Không còn cảm giác ái ngại, dò xét thái độ người bạn khi ngỏ ý mượn ô tô đưa vợ con về quê ngoại nữa. Chiếc xe đưa gia đình bé nhỏ ấy đi đến nơi, về đến chốn, và tất nhiên mưa không đến mặt, nắng không tới đầu, gió rét cũng chẳng có cơ hội tấp mặt nữa. Tết năm đó, chúng tôi đi chơi nhiều hơn mọi năm.

Việc có ô tô tất nhiên sẽ tốn thêm một khoản hàng tháng đối với hai vợ chồng làm công ăn lương, nhưng không quá lớn, khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Vì xe cũ, rẻ tiền nên tôi chỉ mất công tìm chỗ đỗ miễn phí lúc thì ở gần nhà, khi thì gần cơ quan, nhà ông bà ngoại. Điều ái ngại nhất là chiếc Lada Niva khá tốn xăng, “đốt” trung bình khoảng 15-16 lít/100km, khiến tôi chỉ dùng khi cần, có tuần nó cũng nằm chơi dài. Trong một năm đầu dùng chiếc xe này, số tiền lớn nhất tôi bỏ ra để phục vụ nó chính là tiền mua ắc quy và bu-gi mới. Đổi lại, tay lái tôi lên rất nhanh và tự mình biến thành… chuyên gia ô tô từ lúc nào.

Đã có nhiều lần chiếc Lada Niva “nằm đường” hoặc buổi sáng đẹp trời vặn khóa mà không thấy tiếng nổ rung rinh cả xe quen thuộc. Như “con khóc đòi bú”, tôi phải vận dụng mọi khả năng, gọi điện hỏi han cho đến tự mày mò đọc tài liệu, tư vấn trên mạng để hiểu hơn về chiếc xe cũ này. Với chiếc xe hàng chục tuổi và công nghệ không có gì ngoài phần cơ khí, điện như trong sách vỡ lòng về ô tô, chịu khó một chút tôi cũng khắc phục được. Thậm chí những va vấp gặp phải trên đường càng khiến tôi tự tin hơn khi chạy xe cũ. Như lần tắc đường ở Phạm Hùng xe đứng im vì vào số mà xe không chạy, hóa ra vì rà chân côn nhiều khiến bộ côn quá tải, tôi nhờ người đẩy xe lên vỉa hè đợi 40 phút thì xe mới tiếp tục hoạt động trở lại. Hay một lần toát mồ hôi hột sau chuyến đi Hải Phòng, về đến cửa ngõ Hà Nội thì xe chết máy, điện đóm tắt ngóm. Gọi điện cầu cứu người bạn gần đó, sau nửa tiếng loay hoay thì phát hiện chốt cực dương của ắc quy bị lỏng do con ốc văng đâu mất, siết lại là mọi thứ trở về bình thường.

Đến nay, chiếc xe thứ hai mà tôi sử dụng cũng vẫn là xe cũ, chỉ khác là đời cao hơn. Đó là chiếc Mazda Premacy sản xuất 2004. Trước đây, tôi nhận thấy áp lực lớn từ dư luận xã hội khi chọn mua xe cũ. Nào là như nuôi nghiện trong nhà, hở tý là tốn tiền “thuốc thang”. Thế nhưng khi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với xe cũ, tự tìm tòi những kiến thức căn bản về ô tô, tôi thấy đó chỉ là nỗi sợ mơ hồ.

{keywords}
Với chiếc ô tô thứ hai vẫn là xe cũ có chi phí mua thấp, tôi không tốn tiền mua bảo hiểm hàng năm, không lo trộm phụ tùng và nếu phải sửa chữa thì rẻ hơn so với xe đời mới.

Với những thương hiệu xe quá phổ biến như Toyota, Honda, Kia, Hyundai, Mazda… gần như khắp Việt Nam đều có gara sửa được, mà phụ tùng cho đời cũ khá rẻ. Hỏng cái gì sửa cái đó, đến thời kỳ phải thay thì thay. Tôi vẫn có thể giảm tiền chi phí sửa chữa bằng cách mua “đồ bãi” hoặc dùng một số phụ tùng đơn giản của Trung Quốc (bóng đèn, van, ống dẫn, bình nước..v.v).

Tính ra số tiền tôi đã bỏ ra để khắc phục lỗi hoặc sửa chữa thay thế cho chiếc ô tô thứ 2 đã lên tới 50 triệu đồng, nhưng tự tin đi ổn định tới vài năm sau. So với mua xe mới phải đầu tư gấp 4, đến 5 lần thì tôi thấy bài toán dùng xe cũ vẫn hợp lý với người không dư dả tài chính. Chưa kể việc đi xe cũ có thể khiến bạn quan tâm và biết hơn về sửa chữa ô tô, thậm chí có thể tư vấn ngược lại cho bạn bè và xắn tay vào giúp đỡ người khác khi cần.

Đình Quý

Bạn có góc nhìn nào về bài toán mua và sử dụng ô tô như trên? Hãy bình luận dưới bài viết. Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

 

Hai vợ chồng thu nhập 22 triệu đồng mỗi tháng và 'kế sách' mua xe trả góp

Hai vợ chồng thu nhập 22 triệu đồng mỗi tháng và 'kế sách' mua xe trả góp

Giá ô tô đang có nhiều ưu đãi hấp dẫn. Sống ở Hà Nội với tổng thu nhập khoảng 22 triệu, sắp đón con đầu lòng, vợ chồng tôi có nên vay ngân hàng mua ô tô trả góp?