- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lo ngại thực trạng thất thoát trong mua sắm đầu tư công diễn ra ở hầu hết các khâu, mà ông ví như mảnh đất "cực kỳ màu mỡ" cho tham nhũng, khi dư luận nhân dân phản ánh "hễ xin được dự án là có phần trăm".
Lãng phí do thiếu tính chiến lược
Đánh giá của ông Hiện đưa ra tại phiên họp của UBTVQH sáng nay 19/9 khi thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012. Ông cho hay : "dư luận nhân dân cho rằng, trong tất cả các khâu từ lập dự án, giám sát cho đến nghiệm thu đều có thể ăn được, đều là cơ hội cho tham nhũng, còn nhà nước thì thất thoát". Điều đáng lo lắng đó là "cứ hễ xin được dự án là có phần trăm" mà không cần biết hiệu quả, chất lượng dự án đến đâu.
Thẩm tra báo cáo Chính phủ, thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá lãng phí, thất thoát trong đầu tư công năm 2012 vẫn là vấn đề nổi lên được dư luận xã hội quan tâm. Lãng phí lớn do chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số ngành, vùng còn hạn chế, nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách gây lãng phí phần lớn do quy hoạch thiếu tính chiến lược. Nhiều công trình được phê duyệt đầu tư vẫn phải chờ quy hoạch.
Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn xảy ra khá phổ biến, chậm được khắc phục dẫn đến thất thoát, lãng phí ngân sách. Hà Nội - thủ đô của cả nước- bị chỉ điểm khi có đến 500 dự án chậm tiến độ do chờ quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hiện lo ngại nguy cơ tham nhũng trong mua sắm đầu tư công. |
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, nên sớm sửa Luật đấu thầu để hạn chế sai phạm trong mua sắm đầu tư công. Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thúc giục việc ban hành luật đầu tư công, quản lý sử dụng vốn nhà nước.
Hơn 31 nghìn khoản chi chưa đúng
Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng phản ánh một số biểu hiện thất thu khác đó là tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế còn lớn và tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn chung cố tình chây ỳ không nộp đầy đủ tiền thuế.
Tình trạng trốn lậu thuế tinh vi hơn và diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp lợi dụng pháp luật để chuyển giá trốn thuế, lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất để chiếm dụng và trốn lậu thuế nhưng nhà nước chưa có giải pháp khắc phục triệt để .
Vấn đề sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước cũng còn hạn chế. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại ở mức cao ảnh hưởng không thuận tới sự phát triển bền vững nền kinh tế.
Thống kê của Bộ Tài chính, của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước thấp. Nhiều tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ (như Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam...).
Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu sử dụng vốn tín dụng, kết quả kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất ngân hàng. Đặc biệt từ năm 2009 đến cuối năm 2011, cung cầu mất cân đối, hàng hoá tồn kho lớn, chậm luân chuyển, gây áp lực lớn làm tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, làm cản trở sự lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế năm 2012 và những năm sau, lãng phí các nguồn lực .
Chi ngân sách còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính không nghiêm, sai phạm vẫn còn nhiều, gây thất thoát, lãng phí ở các mức độ khác nhau. Tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn tồn tại khá phổ biến và chậm được khắc phục. Trong 7 tháng đầu năm 2012, Kho bạc Nhà nước phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục.
Cơ quan thanh tra nhà nước đã kiến nghị thu hồi trên 3.529 tỷ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm chế độ quản lý, sử dụng ngân sách.
Các vấn đề trên sẽ được thảo luận tại kỳ họp QH sắp tới.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhắc
nhở: "Quốc hội ta cũng để điện rất lãng phí. Nhiều lúc chúng ta làm việc
xong mà cứ để máy lạnh, rất lãng phí, nói gì đến ý thức của dân". |
Lê Nhung