Sau thương vụ khủng mua ụ nổi 83M cũ nát với giá “trên trời”, Dương Chí Dũng được lại quả 10 tỷ đồng trong vali tiền đầy ắp những tờ 500.000.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, giá ụ nổi 83M mà Công ty Nakhodka là chủ sở hữu đưa ra đàm phán chỉ dưới 5 triệu USD. Trong khi đó, Vinalines đã thực hiện hợp đồng mua ụ nổi này với công ty môi giới AP với mức giá lên tới 9 triệu USD. Số tiền chênh lệch 4 triệu USD đã được liên minh của Dương Chí Dũng chia chác nhau phần “lại quả”.
Không phải tự nhiên, ông Dũng lại sốt sắng trong phi vụ mua lại ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật, bị hư hỏng nặng, đã bị cơ quan đăng kiểm Nga dừng phân cấp không cho hoạt động từ năm 2006.
Sau chuyến khảo sát, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới là Mai Văn Phúc (Tổng giám đốc), Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án, trưởng đoàn khảo sát), Trần Hải Sơn (Phó trưởng ban quản lý, thành viên đoàn khảo sát), Mai Văn Khang (Ban quản lý dự án) phải hợp thức hóa thủ tục để mua bằng được thông qua công ty AP với giá 9 triệu USD.
Tại cơ quan điều tra, phía AP thừa nhận, họ đã chuyển số tiền là 1,666 triệu USD gọi là “hoa hồng” cho các đối tượng trên. Cụ thể, ông Dũng và Phúc được hưởng 10 tỷ đồng, còn lại là phần của ông Sơn. Toàn bộ số tiền được phía AP chuyển qua một công ty có tài khỏan tại ngân hàng chi nhánh TP.HCM.
Hơn 10 ngày sau, Sơn đã hẹn Dũng để gửi “quà”. Lần đầu tiên, chiếc vali chứa 100 cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng (tổng cộng 5 tỷ) đã được Sơn trao cho ông Dũng tại một khách sạn nhân chuyến công tác của Dũng vào TP.HCM. Số tiền còn lại cũng được đựng trong valy tương tự và được trao cho ông Dũng tại nhà mẹ vợ ở Hải Phòng.
Về phần “lại quả” của ông Phúc, Sơn cũng đã chuyển tiền theo hình thức này. Số tiền 10 tỷ đồng được chia làm 3 lần, troa cho Phúc trong chiếc vali màu đen. Riêng phần “bồi dưỡng” của Chiều là 340 triệu đồng, Sơn đã trao tận tay đối tượng trong chiếc túi nilon.
Theo báo cáo chi phí tổng hợp của Vinalines cung cấp tổng đầu tư thương vụ mua ụ nổi 83M là hơn 525 tỷ đồng với tất cả các hạng mục từ mua, vận chuyển, sửa chữa, neo đậu... Giám định viên đã kết luận tổng thiệt hại do các sai phạm nêu trên là gần 370 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thiệt hại hàng trăm tỷ đồng này không phải là con số cuối cùng bởi những sai phạm đã dẫn đến hậu quả là dự án nhà máy bị phá sản giữa chừng, ụ nổi 83M không đưa vào hoạt động được. Ụ nổi trở thành đống sắt rỉ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Cơ quan công an đã xác định hành vi của Dương Chí Dũng và đồng bọn phạm vào tội tham ô. Trong đó, Dương Chí Dũng với vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo thực hiện hành vi tham ô hơn 1,6 triệu USD. Cá nhân Dũng trục lợi được 10 tỷ đồng. Các đối tượng Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều đều là các đồng phạm tích cực của Dương Chí Dũng và được ăn chia nhiều tỷ đồng.
D.A (Tổng hợp)