Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan cho thấy, dường như kịch bản "Mùa xuân Ả rập" bắt đầu "khai màn" ở quốc gia Nam Á này.
Tình hình Pakistan trở nên căng thẳng. Tại nước này vừa bùng phát cuộc tuần hành biểu tình quy mô lớn đòi giải tán QH và tiến hành bầu cử sớm. Trong khi đó, ngày 15/1, Tòa án Tối cao Pakistan đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Raja Pervez Ashraf bị cáo buộc dính líu tham nhũng.
Nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định, các sự kiện ở Pakistan đã bắt đầu phát triển theo kịch bản "Mùa xuân Ả rập".
Hàng chục nghìn người Pakistan biểu tình đòi chính phủ từ chức |
Sau khi kêu gọi hàng trăm nghìn người tuần hành biểu tình qua nhiều địa phương ở Pakistan, bắt đầu từ thành phố Lahore lên tới thủ đô Islamabad trong những ngày qua, thủ lĩnh tôn giáo Tahir-ul Qadri ngày 15/1 đã ra tối hậu thư đòi Chính phủ nước này từ chức, giải tán QH và tiến hành cuộc cải cách chính trị triệt để. Ông Qadri , 61 tuổi, thủ lĩnh của tổ chức tôn giáo có tên gọi "Minhaj-ul-Quran" (Con đường của Kinh Koran) chỉ trích chính phủ Pakistan "mục ruỗng" vì tham nhũng và thiếu năng lực điều hành đất nước.
Phát biểu ý kiến trước đám đông tụ tập tại một quảng trường lớn ở thủ đô Islamabad, ông ul Qadri kêu gọi người biểu tình cắm trại qua đêm và bao vây tòa nhà QH. Thủ lĩnh tôn giáo này đặt ra thời hạn chót cho Chính phủ là ngày 16/1 để giải tán Quốc hội liên bang và các hội đồng địa phương. Ông kêu gọi người biểu tình tiếp tục ở lại trên đường phố cho đến khi cả chính quyền trung ương và địa phương giải tán. Cảnh sát Pakistan đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình tụ tập trước trụ sở QH và ném đá vào cảnh sát.
Trước làn sóng biểu tình dâng cao, Chính phủ Pakistan đã phải triển khai hàng nghìn cảnh sát chống bạo động nhằm bảo đảm an ninh ở trung tâm thủ đô. Tòa nhà Quốc hội được phong tỏa với những hàng rào bằng công-ten-nơ. Các mạng điện thoại di động ở Islamabad tạm ngừng dịch vụ vì có những lo ngại Taliban lợi dụng cơ hội này phát động các cuộc tiến công. Phe biểu tình tuyên bố đã huy động được bốn triệu người xuống đường. Tuy nhiên, các quan chức Pakistan cho biết, chỉ có khoảng từ 25.000 đến 40.000 người tham gia biểu tình.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình với quy mô lớn chưa từng thấy bùng phát mạnh mẽ, chính trường Pakistan lại thêm chao đảo với việc Tòa án Tối cao Pakistan ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Raja Pervez Ashraf bị cáo buộc dính líu vụ tham nhũng liên quan các dự án điện. Theo các nguồn tin, ông Ashraf bị cáo buộc nhận hối lộ liên quan các dự án mua điện trong thời gian ông giữ chức Bộ trưởng Ðiện - Nước từ năm 2008 đến 2011. Tòa án Tối cao cũng ra lệnh bắt giữ 16 cựu bộ trưởng và quan chức liên quan vụ này.
Ngay sau khi Tòa án Tối cao phát lệnh bắt giữ, ông Ashraf đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và thảo luận với các chuyên gia luật về phản ứng đối với lệnh của tòa. Tổng thống Pakistan Zardari đang ở thành phố Karachi cũng triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát ở nước này. Cơ quan chống tham nhũng Pakistan cho biết, các bị cáo sẽ phải trình diện trước tòa vào hôm nay (17/1). Ðến nay, ông Ashraf vẫn phủ nhận những cáo buộc đối với ông.
Vòng xoáy bất ổn chính trị nêu trên ở Pakistan diễn ra trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tại Pakistan dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng tháng 5 tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ít khả năng Thủ tướng Ashraf bị buộc phải từ chức.
Cố vấn của Thủ tướng Pakistan nêu rõ, việc ra lệnh bắt giữ Thủ tướng là vi hiến bởi ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố khi đang tại vị. Ông này cáo buộc "đây như một cuộc đảo chính của tòa án và là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm làm chệch hướng nền dân chủ".
Chính phủ Pakistan cũng cáo buộc thủ lĩnh tôn giáo Tahir-ul Qadri là một phần trong âm mưu thâu tóm quyền lực ở nước này. Ðược biết ông Qadri về nước từ năm 2011 sau năm năm sống lưu vong tại Canada. Nhiều người cho rằng giáo sĩ này là nhà cải cách, tuy nhiên có ý kiến hoài nghi rằng, thế lực đứng đằng sau ul Qadri là lực lượng quân đội xưa nay vốn "đạo diễn" nhiều vụ đảo chính ở Pakistan.
Cuộc đấu đá quyền lực, hay kịch bản "Mùa xuân Ả rập" đang diễn ra ở Pakistan đã đẩy nước này rơi vào vòng xoáy chính trị mới. Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố ở Pakistan lâm vào cam go sau khi lực lượng Taliban vừa thực hiện bốn cuộc đánh bom liên hoàn làm ít nhất 118 người chết và 235 người bị thương.
Theo Nhân dân