Trao đổi về dự thảo Nghị định hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm đang được lấy ý kiến góp ý, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GDĐT) cho biết, Nghị định này nhằm gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ đặt hàng đào tạo đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Nghị định này hướng tới mục tiêu gì, thưa ông?
Ông Trần Tú Khánh: Trước đây, chính sách không thu học phí được qui định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005. Chính sách này được thực hiện hơn 20 năm qua đã góp phần tích cực trong việc thu hút sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua sinh viên ra trường không làm đúng ngành gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm đặc biệt trong nền nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để khắc phục những hạn chế của chính sách này, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục 2019 trong đó thay đổi phương thức hỗ trợ tiền cho học sinh, sinh viên sư phạm để đóng học phí cho nhà trường đồng thời quy định thêm chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tránh trường hợp sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành được đào tạo. Luật cũng quy định sinh viên tốt nghiệp ra trường không công tác trong ngành giáo dục phải bồi hoàn kinh phí.
Cụ thể: tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo”.
Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2020.
Để triển khai cụ thể các quy định tại Luật Giáo dục 2019, ngày 26/7/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm để hướng dẫn chi tiết khoản 4 Điều 85 của Luật này.
Quan điểm xây dựng Nghị định này phải bảo đảm tính phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019, tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
Mục tiêu của Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm để học sinh, sinh viên yên tâm học tập tốt không phải lo tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sẽ thu hút được sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm đồng thời xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng sinh viên sư phạm làm trái ngành và thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại các địa phương trong thời gian qua.
3,63 triệu đồng tương đương mức hỗ trợ sinh viên Lào, Campuchia
Hiện nay, các ý kiến thảo luận về dự thảo Nghị định đang xoay quanh mức hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng. Ông có thể cho biết tại sao lại đưa ra con số này?
Nội dung chính tại dự thảo nghị định quy định chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên sư phạm, đó là học sinh sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.
Mức hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Mức hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường tương đương với mức hỗ trợ sinh hoạt phí của lưu học sinh Lào, Campuchia đang theo học tại Việt Nam.
Như vậy, so với quy định hiện hành sinh viên, học sinh sư phạm vẫn được hỗ trợ toàn bộ học phí chỉ thay thế phương thức cấp bù học phí sư phạm cho các cơ sở đào tạo thành kinh phí hỗ trợ học phí trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, đồng thời theo quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí để đảm bảo cho mức sống tối thiểu và sinh viên sư phạm yên tâm chuyên tu vào việc học.
Mức hỗ trợ sinh hoạt phí được áp dụng theo Thông tư số 24/2018/TT-BTC ngày 12/3/2018 hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia đã quy định về mức sinh hoạt phí để đảm bảo chi phí tối thiểu cho sinh viên cần thiết là 3,63 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Qua khảo sát thực tế, mức sinh hoạt phí này đã phù hợp với thời điểm hiện tại và hàng năm được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng để phù hợp với mức lạm phát giá cả hàng hóa. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mức hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm là 3,63 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên (bằng mức sinh hoạt phí của học sinh Lào, Campuchia diện hiệp định).
Không ít ý kiến cho rằng, để thu hút được sinh giỏi vào sư phạm, vấn đề không chỉ ở mức hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí mà căn bản nhất là đầu ra cho sư phạm. Sinh viên sư phạm ra trường có việc làm đúng ngành, sư phạm sẽ đủ sức hút. Dự thảo Nghị định có tính tới vấn đề này hay không?
Để đảm bảo việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, dự thảo Nghị định cũng quy định về đặt hàng giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định cụ thể tại Nghị định này nhằm mục đích gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ đặt hàng đào tạo đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp. Quy định này giúp hạn chế việc đào tạo tràn lan, đào tạo vượt nhu cầu sử dụng, khắc phục được tình trạng giáo viên thiếu, thừa cục bộ tại các địa phương. Đồng thời việc gắn trách nhiệm của địa phương sẽ giúp cho phương án thu hồi, hoàn trả kinh phí bồi hoàn thuận lợi và khả thi.
Từ những nội dung mới trong Nghị định nêu trên sẽ khắc phục cơ bản tình trạng thừa thiếu giáo viên, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách, gắn nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng, đảm bảo được nguồn kinh phí thực hiện chính sách đồng thời sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Các nước trên thế giới hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên sư phạm như thế nào? |
Mỹ: Để thu hút người giỏi trở thành giáo viên và duy trì đội ngũ giáo viên có năng lực ở những vùng thiếu hụt giáo viên, Mỹ đang duy trì một số chương trình hỗ trợ tài chính mà sinh viên sư phạm có thể thụ hưởng. Chương trình TEACH trợ cấp cho SV cam kết sẽ dạy học ở những vùng khó khăn trong vòng 4 năm. Chương trình Stafford xóa nợ cho sinh viên với mức tối đa là 17.500 USD nếu SV cam kết dạy một số một học theo yêu cầu ở những vùng khó khăn trong vòng 5 năm liên tục. Chương trình xóa nợ cho những người làm việc trong khu vực dịch vụ xã hội (Public Service Loan Forgiveness -PSLF) xóa bỏ toàn bộ các khoản tín dụng sinh viên cho những người đã làm việc trong khu vực dịch vụ xã hội từ 10 năm trở lên. Do vậy, giáo viên là người được hưởng lợi từ chương trình này. Ngoài ra, mỗi bang có chính sách hỗ trợ tài chính riêng cho sinh viên. Anh: Để thu hút SV vào học sư phạm, thông tin hướng dẫn trở thành giáo viên rất phổ biến. Tuy nhiên, chính sách tài chính đối với SV sư phạm không khác biệt so với sinh viên học các ngành khác. SV sư phạm phải đóng học phí và được tham gia các chương trình hỗ trợ tài chính. Có 4 dạng công cụ tài chính chủ yếu hỗ trợ sinh viên sư phạm: Học bổng tài năng được cấp cho người học có kết quả học tập từ khá (60-69%) trở lên và dạy một số môn học theo yêu cầu; Học bổng theo vị thế tài chính được cấp cho một số ngành và mức học bổng tùy thuộc vào nhu cầu tài chính của sinh viên; Tín dụng sinh viên được cấp cho mọi đối tượng; Đối với SV sư phạm có thể tham gia chương trình nhận lương trực tiếp từ trường mà họ thực tập dạy học. Pháp: Đào tạo giáo viên nối tiếp (4 năm đại học chuyên ngành + 2 năm sư phạm). Khi sinh viên học ngành sư phạm cũng đã được coi như là thực tập sinh. Họ theo sát trường phổ thông và được hỗ trợ kinh phí (lương cho người học việc). Để trở thành giáo viên chính thức, người học phải ở trình độ thạc sĩ và vượt qua kì thi sát hạch (chứng chỉ hành nghề). Cộng hòa Pháp có quy định mọi quyền lợi chính sách về đào tạo và điều kiện làm việc của giáo viên của trường công lập cũng như trường tư thục. Điều L.914.1, quy định Nhà nước cấp kinh phí đào tạo ban đầu và nâng cao trình độ của giáo viên trường tư cùng với mức như giáo viên trường công. Đức: Suốt quá trình học Đại học (tất cả các chuyên ngành ở Đức trong đó có ngành sư phạm), ở hầu hết các tiểu bang, sinh viên không phải trả tiền học phí. Sinh viên chỉ phải trả tiền lệ phí hành chính (lệ phí đăng ký) khoảng từ 100 đến 150 Euro/năm tùy theo từng trường. Singapore: Bộ Giáo dục Singapore rất thận trọng trong tuyển chọn những giáo viên tiềm năng từ số học sinh thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích học tập sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài thành tích học tập, người học được tuyển chọn phải có sự yêu thích, cam kết gắn bó với công việc giảng dạy. Các giáo viên tiềm năng này trong thời gian đào tạo sẽ được hưởng mức trợ cấp tương đương 60% lương của giáo viên chính thức. Tuy nhiên, vì được hưởng quyền lợi này nên họ cũng phải cam kết sẽ tham gia giảng dạy trong ít nhất 3 năm sau khi chính thức vào nghề. Hàn Quốc: Từng miễn học phí cho SV sư phạm. Hiện nay đã áp dụng thu học phí nhưng có rất nhiều học bổng để thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm. Khoảng 40% được nhận học bổng. Trung Quốc: Miễn học phí cho SV sư phạm dành cho những khu vực thiếu giáo viên. Nhà nước sẽ chi khoảng 10 nghìn NDT/năm (20 triệu đồng) cho mỗi SV. SV được yêu cầu phải giảng dạy trong một khu vực nông thôn được chỉ định từ 5-8 năm sau tốt nghiệp. Những ai vi phạm thỏa thuận sẽ phải hoàn trả toàn bộ học phí cùng một mức tiền phạt. Cu Ba: SV sư phạm được miễn học phí, sinh hoạt phí và bố trí công việc sau khi tốt nghiệp.
|
Hoàng Phương