Lợi thế lớn nhất: Tính nguyên sơ của thiên nhiên Bình Phước

Tại Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030 tổ chức hôm 15/4 vừa qua, ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Phước trình bày Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030.

Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển du lịch của Bình Phước theo từng giai đoạn cụ thể, chuyên sâu,... Cụ thể như việc quy hoạch phát triển du lịch phải thiết thực, không chung chung, đại trà, bê hết mọi tiềm năng vào quy hoạch. Du lịch là mũi nhọn, kéo theo sự phát triển của các ngành khác. Tất cả mọi sự đầu tư, phát triển xã hội đều phải gắn với du lịch. Sản phẩm du lịch phải gắn chặt với thị trường, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch là để bán. Bên cạnh đó, phải tăng cường sự có mặt của truyền thông báo chí, bởi đây là kênh thông tin hữu hiệu, nhanh chóng, hiệu quả cho hoạt động quảng bá du lịch.

Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, mang những nét đặc thù riêng thuận lợi trong việc định hình các sản phẩm du lịch tự nhiên

Theo quan sát thực tế, trong thời gian gần đây, các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã quan tâm hơn tới công tác quản lý và phát triển du lịch của tỉnh. Chính vì vậy, du lịch Bình Phước đã và đang từng bước định hình được một số sản phẩm du lịch chủ lực và tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, thực trạng khai thác tài nguyên du lịch, lượt khách du lịch đến Bình Phước và doanh thu từ dịch vụ du lịch trong những năm qua cho thấy du lịch Bình Phước chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng du lịch của tỉnh. Để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Bình Phước, đồng thời tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và khu vực, từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Binh Phước. Vì vậy, việc xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 rất cần thiết.

Bên cạnh đó, Bình Phước là nơi kết nối giữa Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã bắt đầu có những điều kiện và cơ hội phát triển rõ ràng hơn và được coi là điểm chiến lược phát triển quan trọng trong 10 đến 30 năm tới, có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

So với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, du lịch Bình Phước đang sở hữu những lợi thế về tài nguyên du lịch như: Có diện tích đất rộng (có dư địa cho việc kêu gọi những dự án có quy mô lớn), có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh tương đối dồi dào (phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, mang những nét đặc thù riêng thuận lợi trong việc định hình các sản phẩm du lịch tự nhiên). Bên cạnh đó, Bình Phước là thủ phủ cây điều và cao su của cả nước ( phù hợp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các hoạt động sản xuất). Lợi thế lớn nhất đối với các tài nguyên này chính là tính nguyên sơ  được duy trì trong bối cảnh nhiều tài nguyên du lịch ở các địa phương khác đang được khai thác quá mức, ô nhiễm, xuống cấp, phá vỡ tính nguyên sơ và hấp dẫn vẫn của nó.

Cây lớn trong vườn quốc gia Bù Gia Mập

Cùng với đó, Bình Phước có hệ thống di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, có hệ thống di chỉ khảo cổ thành đất dạng tròn là nơi sinh sống của người Việt cổ. Là nơi hội tụ sinh sống của 41 dân tộc, có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Đây chính là những nét văn hóa độc đáo của tỉnh Bình Phước góp phần hình thành các sản phẩm du lịch và trải nghiệm về văn hóa.

Từ những lợi thế này, thời gian vừa qua, Bình Phước đã chú trọng phát triển, xây mới nhiều cơ sở hạ tầng, các dự án du lịch thuộc công trình trọng điểm (Khu quần thể văn hóa-cứu sinh núi Bà Rá; Khu du lịch sinh thái Trảng Cỏ Bù Lạch; Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sok Bom Bo). Đồng thời, tổ chức lại hệ thống khách sạn, nhà nghỉ; xây mới và chỉnh trang các trạm dừng chân đạt chuẩn...Ngoài việc xây mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tỉnh còn có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, độc đáo mang dấu ấn của tỉnh. Cụ thể như sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh theo phương pháp Đông y, sản phẩm du lịch về nguồn; sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm qua các hoạt động tham quan và trải nghiệm...

Tỉnh Bình Phước cũng đã xây dựng phương án tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Phước với các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ và một số tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển sản phẩm du lịch, khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch nội địa, liên kế vùng và quốc tế... Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh ký kết cung ứng dịch vụ theo tour, tuyến du lịch hoặc theo các sự kiện du lịch hằng năm.

Cần có chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn "Sếu đầu đàn" 

Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, sự đầu tư để đưa lợi thế du lịch trở thành lợi thế phát triển trong thời gian qua của tỉnh vẫn dừng ở việc đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa, chưa có định hướng để đầu tư phát triển du lịch và chưa có các sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có sức cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, chưa có những chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn "Sếu đầu đàn" tạo sức hút và sự lan tỏa trong đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Một góc vườn quốc gia Bù Gia Mập

Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch yếu kém, các khu, điểm du lịch đang trong quá trình xây dựng, hoạt động kinh doanh du lịch chưa hiệu quả, cơ sở kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch yếu, thiếu, quy mô nhỏ, dịch vụ bổ trợ khác chưa hoàn thiện. Do vậy, lượng khách du lịch đến Bình Phước ít, thời gian lưu trú ngắn, doanh thu du lịch thấp so với khu vực và cả nước. Tổng thể về du lịch Bình Phước so với khu vực và cả nước đang ở vị trí rất thấp. 

Tới đây, những hạn chế này sẽ được từng bước khắc phục. Theo dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, trong khoảng thời gian này, Bình Phước sẽ tập trung các nguồn lực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm… Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, xã hội hóa phát triển 5 dự án trọng điểm về du lịch; 2 dự án đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng; 2 dự án sân golf và các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao. Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, hình thành tour, tuyến, khu, điểm du lịch.

Xem ra, mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách đến Bình Phước, doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng vào năm 2030, góp phần tăng thu ngân sách tỉnh và giải quyết việc làm cho khoảng 13.000 lao động là có cơ sở sớm trở thành hiện thực.

Phước Long