Tôi là con một trong gia đình, bố mẹ đều ở nhà làm nông, có trang trại chăn nuôi thêm con gà con vịt coi như cũng đủ trang trải cuộc sống ở quê. Năm 2009, sau khi tôi lập gia đình, bố mẹ tôi bán bớt mảnh vườn ở quê, cộng với khoản tiền tích cóp được của ông bà được gần 1 tỷ đồng đều dồn hết mua nhà cho vợ chồng tôi.

Thế nhưng, thay vì mua đất xây nhà ở vùng ven Hà Nội, hay mua chung cư như hầu hết các gia đình khác, bố mẹ tôi lại quyết chọn mua căn nhà tập thể cũ rộng 60 mét vuông ở ngay giữa  Hà Nội. Bởi, bố mẹ tôi nghĩ, an cư lạc nghiệp, nhà cửa có ổn định thì công việc mới thuận lợi, hanh thông.

Tuy là căn nhà tập thể cũ nhưng nó nằm ở trung tâm thành phố, sát mặt phố lớn, giao thông thuận tiện... lại chỉ cách cơ quan của vợ chồng tôi khoảng 10 phút đi xe máy. Khu nhà cũng xây khá kiên cố, chỉ có 3 tầng với hơn chục căn hộ sinh sống, có sân rộng rãi (gần giống chung cư nhưng xây theo kiểu cũ). Song, đổi lại, để sở hữu được căn nhà này, bố mẹ tôi phải bỏ ra tới 3,5 tỷ đồng.

Tiền chỉ có gần 1 tỷ đồng, số còn lại bố mẹ tôi vay ngân hàng, vay anh em họ hàng bằng tiền mặt, bằng vàng. Chỗ mất lãi chỗ không. Lúc được dọn về ở, vợ chồng tôi cũng nhận trách nhiệm trả luôn khoản nợ vay mua nhà là 2,5 tỷ đồng vì nghĩ mua nhà cho mình, bố mẹ cho được 1 tỷ cũng là quá tốt rồi.

{keywords}
Khu tập thể cũ ở Hà Nội (ảnh minh hoạ)

Mới đầu, cuộc sống chưa vướng bận con cái, lương của tôi được 12 triệu đều dùng để trả gốc và lãi ngân hàng dần. Vợ tôi lương 10 triệu đồng sau khi chi tiêu sinh hoạt cho gia đình cũng tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng/tháng góp vào trả nợ.

Thế nhưng, 3 năm sau, từ khi có con nhỏ, cuộc sống của chúng tôi bắt đầu lâm vào khủng hoảng. Thu nhập của vợ chồng tôi có tăng lên được chút ít, song tiền chi tiêu và nuôi con nhỏ ngày càng tốn kém, kéo theo đó khoản tiền để dành để trả nợ ngày một ít hơn.

Chắt bóp chi tiêu đủ đường rồi mà vợ chồng tôi cũng chỉ để ra được phần lương của tôi, phần lương của vợ tôi dành cho chi tiêu sinh hoạt vẫn thiếu trước hụt sau. Đó là vợ chồng tôi đã áp dụng chính sách không ăn nhà hàng, đem cơm trưa đi làm, hạn chế mua sắm, không đi du lịch, thậm chí cơ quan tổ chức du lịch cho cán bộ nhân viên, vợ chồng tôi cũng đều từ chối khéo để lấy khoản tiền vài triệu đó đem trả nợ.

Nợ ngân hàng trả chưa xong, hàng họ đòi nợ vàng, tiền,... vợ chồng tôi lại chạy đôn chạy đáo vay chỗ nọ đập vào chỗ kia. Đã thế, ở nhà tập thể thiết kế theo kiểu cũ phòng ngủ quá rộng, phòng bệp và nhà vệ sinh thì quá chật chội. Mùa hè thì có vẻ mát mẻ nhưng mùa đông ẩm thấp, muỗi nhiều vô cùng,... muốn sửa chữa mà phải đi xin phép trên phường, phải xin phép nhà hàng xóm không thì sẽ bị kiện tụng đủ đường.

Nhiều lúc tôi nghĩ, có nhà ở Hà Nội mà áp lực như thế này thì thà đi ở trọ còn thoải mái hơn. Hay bán quách cái nhà này đi mua căn chung cư vừa tiền để cuộc sống dễ thở, nhưng rồi lại thôi vì bố mẹ tôi không đồng ý.

Cuối cùng, sau 10 năm ôm khoản nợ mua nhà tập thể cũ, vợ chồng tôi quyết định bán căn nhà đang ở. Một phần vì vợ chồng tôi quá mệt mỏi với áp lực trả nợ, phần khác vì chúng tôi sắp chào đón đứa con thứ 2 cũng cần có không gian sống rộng rãi hơn, chưa kể có con chi phí sinh hoạt sẽ tốn kém hơn.

Sau mấy tháng rao bán, chúng tôi bán được với giá 3 tỷ đồng (lỗ so với lúc mua 500 triệu đồng). Với số tiền 3 tỷ này, chúng tôi dành một tỷ để trả hết số nợ cũ, còn khoảng 2 tỷ trong tay.

Gia đình tôi đang tạm thời thuê một căn chung cư rộng 70 mét vuông với giá thuê 6 triệu đồng, bởi còn chưa quyết định được mua nhà chung cư hay mua đất xây nhà.

Tôi thì thích mua căn chung cư diện tích khoảng 80 m2 ở cách chung tâm thành phố khoảng 6-8km, giá nhà khoảng tầm 25 triệu/mét vuông. Với số tiền 2 tỷ trong tay cũng coi như vừa đủ mua nhà, không phải vay nợ như trước. Cuộc sống ở chung cư lại nhiều tiện lợi, sạch sẽ, cách chỗ làm không quá xa.

Tuy nhiên, vợ tôi lại có hướng muốn mua đất xây nhà, kể cả mua đất ven thành phố cũng không sao. Bởi dạo này vợ tôi sợ chung cư nhanh xuống cấp, chưa kể những năm gần đây tình trạng cháy chung cư xảy ra liên tục.

Các bạn cho tôi lời khuyên, với số tiền 2 tỷ đồng trong tay, chúng tôi nên chọn phương án mua nhà đất hay mua chung cư thì hợp lý? Tôi thì quá sợ phải vay nợ tiếp nên dù quyết định chọn phương án nào cũng chỉ muốn gói gọn trong vòng dưới 2 tỷ đồng.

Phạm Minh Tuấn (Hà Nội)