Mỗi ngày, hàng trăm container mượn đường Việt Nam “xuất ngoại”
Cuối năm 2020, Hiệp hội Kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn có văn bản gửi Chính phủ, các bộ ngành liên quan đến hành vi xử phạt vi phạm hành chính của hải quan cửa khẩu, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo Hiệp hội này, kể từ tháng 7/2018, cơ quan hải quan kiểm tra tất cả lô hàng quá cảnh. Điều bất thường, theo hiệp hội này, là việc kiểm tra được tiến hành ngay sau khi doanh nghiệp quá cảnh vừa nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài chuyển qua; nằm trong khu vực giám sát của hải quan cửa khẩu, có sự chứng kiến, giám sát của cán bộ hải quan, được kẹp chì niêm phong.
Kiểm soát hàng lậu, hàng giả là không dễ bởi doanh nghiệp lơi dụng nhiều phương thức xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa |
Hiệp hội này cho rằng kiểm tra thực tế có container bị phát hiện vi phạm nhưng cũng có nhiều container không phát hiện vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là không khai tên hàng hóa, số lượng hàng hóa quá cảnh và quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Doanh nghiệp quá cảnh kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cho phép hàng hóa quá cảnh còn nguyên niêm phong hải quan được miễn kiểm tra thực tế, chỉ tiến hành kiểm tra trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.
Thế nhưng, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cách đây ít ngày về việc trả lời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra một thực trạng rất khác.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 129 doanh nghiệp hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc đi Lào, Campuchia với hàng chục nghìn container mỗi năm. Hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng điện tử, điện lạnh, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, hàng may mặc,...
Tại địa bàn Lạng Sơn và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày trung bình có khoảng 100-150 container hàng bách hóa mở tờ khai theo loại hình quá cảnh xuất sang Campuchia, Lào chủ yếu qua các cửa khẩu đường bộ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An.
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan nhận định hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua lãnh thổ Việt Nam. Từ đó, các mặt hàng vi phạm này thẩm lậu, quay đầu tiêu thụ trong nước.
Qua điều tra cơ bản của lực lượng hải quan, tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm đang được bày bán công khai, tràn lan trên thị trường hiện nay có một phần do thẩm lậu qua hoạt động quá cảnh.
Liên tục phát hiện các vụ tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ quy mô lớn. |
Hàng quá cảnh vi phạm chiếm 75,8%
Tháng 4/2020, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng kế hoạch kiểm soát hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ từ nước ngoài vào Việt Nam sang Lào, Campuchia và ngược lại.
Thực hiện kế hoạch đó, Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra 4/129 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Thương mại Sơn Hà, Công ty TNHH MTV Bách Việt Lạng Sơn, Công ty TNHH Kinh doanh và dịch vụ XNK, Công ty CP Vận tải xuyên quốc gia.
Kết quả điều tra của Cục Điều tra chống buôn lậu cho thấy, từ ngày 13/7/2020 đến ngày 21/7/2020, lực lượng hải quan đã kiểm tra thực tế hàng hóa 132 container trong tổng số 647 container (tỷ lệ 20%). Qua đó, phát hiện 91/132 container vi phạm (tỷ lệ 75,8%), trong đó có 35 container chứa hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng, 56 container hàng hóa không khai báo, sai khai báo.
“Tỷ lệ kiểm tra trọng điểm chỉ chiếm 20% mà tỷ lệ hàng hóa vi phạm chiếm 75,8%, trong đó tỷ lệ vi phạm về hàng giả chiếm 38,5%”, Tổng cục Hải quan lưu ý.
Đáng chú ý, 4 công ty mà cơ quan hải quan kiểm tra từ năm 2017 đến 2019 liên tục vi phạm hơn 10 lần và đã bị xử lý hành vi vi phạm pháp luật hải quan, hàng giả.
“Như vậy theo tỷ lệ kiểm tra nêu trên, việc kiểm tra của Tổng cục Hải quan là đúng quy định pháp luật, không phải kiểm tra tràn lan”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm lại không dễ. Đối với các lô hàng vi phạm, cơ quan hải quan đã tiến hành xử lý và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Nhưng đến nay, một số doanh nghiệp chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm và có đơn khiếu nại với lý do: Cơ quan hải quan xử lý vi phạm không đúng đối tượng. Đối tượng phải xử lý trong trường hợp này là chủ hàng hóa quá cảnh chứ không phải doanh nghiệp làm dịch vụ quá cảnh.
Mặt khác, tại một số địa bàn, việc kiểm tra thực tế hàng hóa lại khó khăn. Hàng hóa đều đóng trong container được gắn niêm phong của hãng vận tải, đa số quá cảnh nguyên container, một số ít sang tải tại bãi. Do vậy, việc xác định dấu hiệu vi phạm để chuyển luồng kiểm tra thực tế là rất khó.
Các trường hợp chuyển luồng thủ công kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh thời gian qua đều dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp và ách tắc tại cửa khẩu.
Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại, đánh giá rủi ro để hệ thống tự động phân luồng đỏ đối với các lô hàng, doanh nghiệp có độ rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tránh việc phải chuyển luồng thủ công như thời gian qua dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp.
Đồng thời, triển khai gắn seal định vị điện tử đối với tất cả các container hàng hóa quá cảnh từ cửa khẩu đầu tiên đến cửa khẩu cuối cùng. Đối với trường hợp container xếp chồng khít, nhiều tầng, nhiều lớp trên phương tiện để vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại bằng đường thủy nội địa thì gắn seal định vị lên phương tiện vận tải để phục vụ công tác giám sát.
“Tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam theo hướng quy định rõ trách nhiệm của người thực hiện dịch vụ quá cảnh và chủ hàng hóa quá cảnh để giải quyết các vướng mắc hiện nay”, Bộ Tài chính cho hay.
Lương Bằng
Cuộc đấu đằng sau kho nhôm 4,3 tỷ USD hàng Tàu đội lốt Việt đi Mỹ
Chưa bao giờ, việc chống gian lận xuất xứ lại được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm như hiện nay. Chủ động ngăn chặn các hành vi gian lận nên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường quan trọng vẫn được “chào đón”.