Đó là nguyên tắc làm việc và cũng là lý do để nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng vừa công bố Văn minh vật chất của người Việt - một tác phẩm gây được sự chú ý không chỉ của các học giả, người yêu thích nghiên cứu mà còn của đông đảo bạn đọc nói chung, trong đó có cả trẻ em.
Với hơn 660 trang, cùng với nội dung được sắp xếp mạch lạc còn có 959 ảnh, 505 hình minh họa đặc sắc do tác giả sưu tầm hoặc tự vẽ. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "Cả một thế giới Việt, có thể không thiếu bất cứ phương diện nào, và lại suốt trường kỳ lịch sử.
Tất nhiên là một lịch sử chậm chạp, chậm chạp lắm đến mức không thật chăm chú thì sẽ bỏ qua mất, song có lẽ chính vì thế mà nó càng đáng tin, nó được "viết ra", khác mọi thứ lịch sử khác, không bị, hay được thúc đẩy bởi bất cứ động cơ nào khác ngoài nhu cầu tồn tại, và phát triển tự nhiên, thiết yếu, không thể cưỡng lại của con người trên đất đai này và giữa thiên nhiên riêng biệt này".
Có lẽ, chính vì thế mà chỉ sau một thời gian ngắn phát hành, tác phẩm đang được chuẩn bị tái bản. Tất cả điều đó thực sự làm nên một hiện tượng hiếm hoi trong làng xuất bản cũng như đối với một tác giả không phải là nhà văn hiện nay.
Qua những bài phê bình mỹ thuật của anh, người ta ít thấy giọng điệu răn dạy hoặc thái độ nửa vời, khen một chút, chê một chút... mà phần lớn là những nhận xét chuyên môn xác đáng, đầy tính thuyết phục. Dường như những điều ngộ ra trong suốt cả quá trình hơn 20 năm nghiên cứu đời sống người Việt từ nhiều thế kỷ đã làm nên bản tính đó trong con người anh. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ lan man giữa những câu chuyện về đời và về nghề.
Văn minh vật chất của người Việt có phải là sự tổng kết những trải nghiệm, nghĩ suy về cuộc sống của anh?
Tôi có ý định viết cuốn sách ấy ngay từ cách đây hơn 20 năm và cũng là hơn 20 năm nghiên cứu, tìm tòi hẳn hoi. Sở dĩ phải mất nhiều thời gian như vậy vì không giống như các sách nghiên cứu khác ở chỗ nó chẳng có cơ sở nào để bắt đầu cả. Những nghiên cứu thông thường người ta phải dựa trên nhiều tài liệu có sẵn hoặc các nghiên cứu tiền đề. Ở nước ngoài thì có, nhưng ở mình chưa có ai làm.
Hơn nữa nó có quá nhiều đồ họa phải làm. Mà chẳng phải mẫu nào cũng có sẵn: Cày, bừa, cuốc, xẻng, thúng, mủng... Có tới hàng trăm vật dụng thông thường phải tìm hiểu. Tưởng rất đơn giản nhưng mất rất nhiều thời gian. Ví dụ cái cày chẳng hạn: Nó từ đâu ra, đất nào thì cày loại cày nào? Cái chum, cái vại khi nào được định hình như thế? Mà thế nào thì gọi là chum, là vại? Rồi đi tìm thời của mỗi đồ vật, trong ít nhất là 1.000 năm. Người Việt Nam trong 1.000 năm ấy, ăn uống như thế nào, sinh hoạt ra sao, ăn mặc như thế nào, rồi đồ gốm mỗi thời kỳ ra làm sao. Có những thứ mình phải tưởng tượng ra, ví dụ những ngôi chùa chỉ có nền thôi chứ không biết là trên cái nền ấy nó như thế nào. Nếu còn vì, kèo thì sẽ xác định được niên đại hoặc hình dáng nguyên gốc của nó.
Nghiên cứu phong tục sống của mỗi thời cũng là đòi hỏi phải có thời gian. Ẩm thực: Bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh khảo, bánh nếp, bánh tẻ... Rau cỏ, hoa quả... có những cây từ nước ngoài nhập về như thuốc lá, cà phê, hồ tiêu, bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua... là từ phương Tây du nhập vào. Vậy thì nhập vào từ khi nào? Rất nhiều chi tiết để suy nghĩ, nghiên cứu.
Cuốn sách phải được viết sao cho người đọc thấy được đời sống của người Việt thông qua những câu chuyện nho nhỏ như vậy. Và đời sống đó không hiển hiện ngay ra được mà nó là sự kết nối rất từ từ, theo suốt chiều dài phát triển hàng nghìn năm.
Là người nghiên cứu phê bình lịch sử mỹ thuật, sao anh lại quay sang nghiên cứu văn hóa dân gian?
Thực ra hai mảng ấy cũng là một mà thôi. Nghệ thuật chẳng qua là đỉnh cao của đời sống vật chất. Muốn lý giải nghệ thuật thì cũng phải hiểu đời sống. Chẳng hạn, đồ thủ công mỹ nghệ là đỉnh cao của đời sống làng nghề. "Cao" hơn người làm thủ công mỹ nghệ là người họa sĩ. Thế giới có ngành chung là Lịch sử nghệ thuật và Khảo cổ học. Có nghĩa anh nào đã học Lịch sử nghệ thuật là phải học cả Khảo cổ học. Phương Tây họ coi nghệ thuật là một ngành nghệ thuật cao cấp về con người.
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Tranh Hoàng Tường |
Anh từng nhận xét rằng, ở nước ta, thời kỳ nội chiến là thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật dân gian. Vậy đâu là sự hợp lý của điều tưởng như vô lý này, thưa anh?
Đó là giai đoạn nội chiến thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Thời kỳ này có hai cuộc nội chiến: Nam Bắc triều của nhà Mạc và nhà Lê - Trịnh; sau nữa là Trịnh - Nguyễn phân tranh. Cuộc nội chiến đó chỉ xảy ra ở một vài nơi, vì đó là phong kiến phân chia quyền lực chứ không phải là chiến tranh nhân dân. Do vậy, khi các thế lực đang mải giải quyết các vấn đề về chính trị như vậy thì nó không quan tâm đến làng xã nữa. Các làng xã muốn làm gì thì làm miễn là đóng thuế đầy đủ. Thời kỳ này, làng xã hưng thịnh, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dân gian đạt đến đỉnh cao. Đó cũng là thời kỳ phát triển nhất của đình, chùa, văn hóa làng xã.
Anh nghĩ sao về việc trùng tu các di tích đình, chùa bây giờ ở nước ta?
Nhìn chung là hỏng. Phần lớn là cứ đập ra và làm lại. Đó không phải là cách làm đúng đắn. Trùng tu có nghĩa là phải giữ nguyên, nó đang hỏng như thế nào cố giữ nguyên như thế, chống tiếp tục xuống cấp và hỏng tiếp. Đừng làm mới như hiện nay. Cái khó ở ta trong việc trùng tu là phần lớn các di tích đều đang được sử dụng, do vậy, nếu không làm lại thì không sử dụng được.
Ở các nước họ có những quy định về văn hóa di sản rất rõ. Di sản thế kỷ XX thì cho phép được làm đến đâu. Di sản từ thế kỷ XIX trở về trước thì cơ bản là giữ nguyên hiện trạng. Nếu như di tích ấy đang sử dụng mà muốn giữ nguyên hiện trạng thì người ta xây cái khác ở bên cạnh để người dân đến sinh hoạt. Còn cái cũ thì sẽ có đánh giá cẩn thận. Nếu trùng tu lại được thì trùng tu, còn nếu ở tình trạng không thể trùng tu thì sẽ làm lại, nhưng phải đúng như hiện trạng, cả về vật liệu, hoa văn, quy mô.
Chẳng hạn nó là di tích của thế kỷ XV thì hoa văn, bài trí, hình dáng... phải làm đúng như đời sống thế kỷ XV. Thợ không làm được công việc này mà phải là nghệ sĩ. Một việc tưởng chừng như đơn giản là tô lại một tượng Phật thì cũng phải là người họa sĩ làm thì mới ra được cái thần của tượng. Những người thợ đi làm đình chùa ở mình họ không phân biệt được hoa văn thuộc thế kỷ nào, khôi phục chi tiết này thì phải bắt đầu ra làm sao... Do vậy, hiện nay có thể nói không có di tích nào được trùng tu một cách chuẩn nếu không muốn nói là làm hỏng hết, sửa đến đâu, hỏng đến đấy.
Các nhà nghiên cứu, phê bình các anh không lên tiếng báo động hay sao?
Ối trời, không biết bao nhiêu lần, nhưng chẳng ăn thua gì. Mà bây giờ, lên tiếng cũng không phải là đơn giản. Nó là công việc, thậm chí là "miếng ăn" của người ta, đụng đến rất khó. Chỉ có cái, chỗ nào bảo vệ được thì cố mà bảo vệ.
Mỹ thuật Việt Nam bây giờ như thế nào? Tôi thấy có khá nhiều họa sĩ sống tốt với nghề, có tranh bán được năm bảy ngàn "đô", các phòng tranh mọc lên như nấm...
Nói chung là suy thoái, không ăn thua. Thị trường tranh không có. Những người sống được bằng vẽ tranh mà mọi người nhìn thấy chỉ là số ít. Đại bộ phận họa sĩ phải làm việc khác để sống. Mỹ thuật nằm trong tình cảnh văn hóa nói chung, không chuyên nghiệp hóa được. Trên thế giới hiện nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật phải chiếm được một thị phần nhất định trong sự phát triển của kinh tế thì mới là chuyên nghiệp. Thị phần văn hóa càng lớn thì quốc gia càng phát triển. Ngành phim ảnh, nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc; ngành văn hóa du lịch bảo tàng ở Pháp chiếm tỷ lệ lớn GDP của họ. Bộ trưởng văn hóa đôi khi quan trọng hơn cả bộ trưởng công nghiệp, kinh tế. Nước ta, văn hóa chưa được đánh giá là một bộ phận trong việc phát triển kinh tế.
Muốn chuyên nghiệp hóa trước tiên phải xây dựng được thị trường nội địa. Người dân phải có nhu cầu về văn hóa giống như nhu cầu xây nhà, sắm xe... nhưng phải theo hướng "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", lúc đó văn hóa mới có đất mà sống. Rồi mới xuất khẩu văn hóa. Hiện nay, một nhà văn mà in được một quyển sách khoảng 1.000 bản cũng đã chật vật. Gần 90 triệu dân mà chưa đầy 1.000 người đọc! Một bộ phim làm ra hàng tỉ bạc mà chẳng có người xem. Có lần tôi được cho vé đi xem bộ phim Long Thành cầm giả ca mà trong rạp chỉ có vài người... Đó là một thực tế đau lòng.
Nhìn lại tác phẩm của những người bán được tranh, anh có thấy nó được sáng tác theo một xu hướng nào đó của thị trường thế giới hay khu vực mà bỏ qua những dấu ấn văn hóa của người Việt?
Bán tranh không theo bất kỳ một quy luật nào, có thể anh vẽ theo thương mại, rất Tây, rất nghệ thuật... đều có thể bán được hoặc không. Có thể người này vẽ theo phong cách này thì bán được, nhưng người khác vẽ cùng phong cách ấy thì lại không bán được. Tất nhiên, giá trị nội tại thực tế của một bức tranh là điều quan trọng nhất để người ta mua nó. Ví dụ người ta trông một bức tranh, thấy thích rồi người ta hỏi tác giả, nếu tác giả nổi tiếng thì quyết định. Còn lại không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào khác. Người mua cũng rất đa dạng. Việt Nam không có thị trường. Còn người nước ngoài mua thì phần lớn là do có ý tìm hiểu văn hóa, làm lưu niệm, ít quan tâm đến giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Hiện nay phần lớn các bảo tàng lớn trên thế giới làm gì có chuyện sưu tập tranh của tác giả Việt Nam.
Thật vậy sao? Nghe đâu bảo tàng Louvre của Pháp cũng có tranh của một vài họa sĩ thuộc khóa đầu tiên của Mỹ thuật Đông Dương?
Không có. Các bảo tàng lớn trên thế giới chỉ có một vài đồ gốm của Việt Nam. Hội họa của mình không phải là đối tượng người ta quan tâm. Chỉ có bảo tàng Singapore có mấy tác giả. Gần đây có nghệ sĩ Đinh Q Lê có làm sắp đặt ở bảo tàng sắp đặt Modern Art New York (Mỹ); nữ nhiếp ảnh gia An My Lê có tác phẩm tại Modern Art và bảo tàng Metropolitan (cũng của Mỹ). Ở bảo tàng Boston (Mỹ) cũng có một tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhưng là do một người hiến tặng chứ không phải là hiện vật của bảo tàng sưu tập.
Đã lâu không thấy anh bày tranh. Liệu công việc nghiên cứu có chiếm hết thời gian sáng tác của anh?
Triển lãm rất tốn tiền nên tôi vẫn cứ vẽ và để đấy chơi thôi. Vẽ và nghiên cứu, chẳng cái nào làm phiền cái nào cả. Tôi vẫn vừa viết vừa vẽ.
Nhưng dường như anh có duyên hơn với việc viết lách bởi nghe nói cuốn Đồ họa cổ của anh cũng sắp được tái bản. Vậy sau Văn minh vật chất của người Việt sẽ là gì, thưa anh?
Tôi không dám "bịa" ra một tương lai mà mình không dám chắc được. Văn minh vật chất của người Việt đặt ra nhiều vấn đề để mình có thể tiếp tục. Để hiểu hơn và cho bạn đọc hiểu hơn về đời sống người Việt thì có lẽ cần phải vài ba quyển nữa. Đây chỉ là bước sơ khởi, chẳng hạn từng thời phải viết riêng (thời Lý, thời Trần...). Có hai phần tôi định viết là thế kỷ XIX, thế kỷ XX người ta sống thế nào.
Đầu thế kỷ XIX mới có bản đồ Việt Nam trọn vẹn như bây giờ. Người Pháp xâm lược, phong kiến sụp đổ như thế nào? Sự xuất hiện văn hóa phương Tây làm xã hội thay đổi như thế nào. Rồi chuyển sang thế kỷ XX, từ đầu thế kỷ cho đến tận năm 1979-1980 sau chiến tranh. Rồi thời kỳ chuyển từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường là một sự đảo lộn ghê gớm. Nghiên cứu được về đời sống theo từng thời kỳ ấy là một công việc tôi nghĩ nên làm và chưa ai làm.
Chưa ai làm vì chưa ai nghĩ ra hay vì lý do nào khác?
Tôi nghĩ phần lớn là người ta chán không muốn làm. Phần vì không đủ điều kiện: sức khỏe, tài chính, môi trường... Phần nữa, việc nghiên cứu đòi hỏi phải có những chuyến điền dã, lăn lộn ngoài đời. Nhiều nhà nghiên cứu rời khỏi phòng điều hòa, máy nước nóng thì không sống được, vậy thì điền dã làm sao được.
Và để tập trung vào nghiên cứu, anh đã chọn chùa Bút Tháp làm nơi "ở ẩn" hàng chục năm nay?
Không hẳn, việc sang ở bên Bút Tháp có nhiều lý do khác. Bắc Ninh là trung tâm của văn hóa Bắc bộ. Tôi ở đó biết nhiều, viết nhiều và sẽ ở đến khi nào khám phá hết những di sản văn hóa thì có khi lại chuyển qua nơi khác nữa.
"Khi tôi viết những trang cuối cùng của cuốn sách này cũng là lúc người Việt đang sôi lên vì kiếm tiền, kiếm việc làm và mua sắm bất tận... Tôi tự hỏi vì sao người ta ra đến nông nỗi này, vì sao vật chất mà ta sử dụng không còn có ý nghĩa văn minh nữa mà chỉ là một đồ vật hữu dụng thuần túy..." - Đọc đoạn đó trong tác phẩm của anh có vẻ bi quan quá...
Thực ra những điều đó tôi viết là viết cho mình để đừng quá thất vọng hoặc bi quan quá. Chúng tôi là nghệ sĩ thì những may rủi trong cuộc đời đều có thể chấp nhận được. Nếu may thì tốt, nếu rủi thì sẽ nhìn thấy nhân tình thế thái rõ hơn và đó cũng là chất liệu để sáng tác. Cho nên, cá nhân tôi thấy không có vấn đề gì lớn, cuộc đời tôi coi như... xong rồi. Nhưng cảm giác bao trùm là lo cho giới trẻ, cảm giác môi trường sống, môi trường nhân văn kém. Và rồi cái gọi là "văn minh vật chất của người Việt" có còn nữa hay không!?
Anh có nghĩ là thế hệ mình hay cả nghĩ và lo xa quá không, vì bản thân giới trẻ chưa chắc đã nghĩ sâu xa đến thế. Và rất có thể, họ lại nghĩ ngược lại là họ may mắn được sống trong một thế giới tiện nghi, hiện đại?
Không lo xa tí nào. Tại sao ta dễ dàng cho con đi học ba, bốn năm ở nước ngoài mà ít thấy lo. Nhưng ở nhà nếu đi chơi về muộn một chút là lo. Giàu, nghèo, hạnh phúc, đau khổ, tai họa ở đâu cũng có, cũng có thể xảy ra. Nhưng mà nó phải được kiểm soát để có thể tránh được hoặc giảm đến mức tối đa hậu quả. Ở ta là không được kiểm soát, không biết lúc nào xảy ra. Điều này chứng tỏ trình độ phát triển của ta còn thấp, không kiểm soát được bước đi của xã hội. Do vậy, cái cảm giác "may mắn" của giới trẻ không kéo dài được bao lâu và họ cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng quá nhiều sự bất an trong cuộc sống. Môi trường nhân văn kém thể hiện rõ nhất trong giáo dục. Chúng ta, ai có con bắt đầu đến tuổi đến trường là lo từ đó trở đi đến hết cuộc đời.
Anh có thể nói rõ hơn ý này?
Thì đấy, đầu óc của mỗi người đều có giới hạn. Chương trình giáo dục hiện nay nhồi nhét đủ thứ vào đầu thì chỉ có mà biến người ta thành người... ngu đi. Không có hệ thống giáo dục nào được coi là hiệu quả mà lại giống như nền giáo dục ở Việt Nam.
Mục tiêu của giáo dục là trở thành người tốt hoặc là người làm việc được. Nhưng xem chừng cả hai mục tiêu này đều không đến đầu đến đũa. Mỗi người chỉ làm một việc thôi, không ai làm nhiều việc mà làm tốt cả. Do vậy, học ít thôi để làm tốt một việc mà mình thích, còn những việc khác muốn biết thì tự học. Ai học toán, muốn biết thêm văn thì tự học... Nếu học văn muốn học thêm nghệ thuật thì cũng tự đi học. Cả đời học toán thì mới trở thành nhà toán học, cả đời học xã hội mới trở thành nhà xã hội nhân văn được chứ. Bây giờ cái gì cũng biết một ít, cuối cùng thì chả biết cái gì cả.
Tiêu chí của ngành giáo dục hiện đại, theo tôi là giỏi một môn, các môn khác trung bình, như thế mới là học sinh giỏi. Còn việc có trở thành người tốt hay không thì đừng đổ lỗi hết cho nhà trường, xã hội. Gia đình phải tạo cơ sở đầu tiên cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Tôi quan sát thế này, thường thì những người có chuyên môn giỏi là người tốt. Một anh thợ giỏi bao giờ cũng là người tốt tính.
Một câu hỏi cuối cùng, hơi "lạc đề" một chút: Ta đang nô nức bầu chọn Quốc hoa, với tư cách là nghệ sĩ, anh có tham gia?
Đó là một sự phù phiếm. Quốc hoa, quốc tửu, quốc phục... phải do đời sống tự định hình, hay nói cách khác là sự chọn lọc tự nhiên của đời sống. Ta không thể quy định được, cho dù là có lấy ý kiến chọn lựa từ số đông. Việc bầu hoa sen làm biểu tượng (như xu hướng hiện nay) chẳng hạn thì thực ra là ta đã đi bầu chọn cái điều mà hàng nghìn năm nay đã được công nhận rồi. Tín ngưỡng Việt Nam chủ yếu là đạo Phật, mà biểu tượng của đạo Phật là hoa sen thì đương nhiên hoa sen đã được chọn rồi. Giống như con rồng là biểu tượng của xã hội nông nghiệp phong kiến, bây giờ anh muốn thay đổi cũng chả được.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
- Kim Anh (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)