Cách đây 9, 10 năm, cuộc tranh cãi về khái niệm “thương mại hóa” giáo dục xoay quanh hệ thống các trường đại học ngoài công lập, xem thử sự ra đời và phát triển của hệ thống này có liên quan gì đến “hành vi thương mại hóa giáo dục” mà điều 17 Luật Giáo dục đã cấm. Nay nhìn lại, hầu như mọi lập luận thời đó không còn ý nghĩa gì nữa, thậm chí nhiều trường ngoài công lập đang vất vả để tồn tại, chứ nói gì đến “thương mại hóa”.
Tuy nhiên, biến tướng của hiện tượng “thương mại hóa” giáo dục lại nở rộ hơn bao giờ hết, tập trung vào hệ thống trường công lập, từ cấp tiểu học đến đại học.
Chẳng hạn, Hà Nội đang thí điểm 15 trường công lập “chất lượng cao” và mục tiêu là đến năm 2015 sẽ có khoảng 30-35 trường như thế. Khi thu mỗi học sinh đến 3-4 triệu đồng/tháng tiền học phí, các trường này đã loại trừ học sinh nhà nghèo, lấy cơ sở vật chất được xây dựng từ tiền đóng thuế chung của người dân để phục vụ cho một số ít người đủ khả năng tài chính.
Ở TPHCM, rộ lên chuyện kêu gọi phụ huynh trang bị các thiết bị hỗ trợ giảng dạy đắt tiền ở các lớp. Chưa kể liệu các thiết bị này có thật sự hữu ích, việc các công ty bán thiết bị sử dụng hoa hồng để nhà trường o ép phụ huynh đóng góp tiền bạc cũng là một biểu hiện “thương mại hóa”. Ngoài ra, các trường đang dựa vào phụ huynh để trang bị cho lớp, tạo ra cảnh tượng, chẳng hạn, lớp thì có máy lạnh, lớp không.
Một số nhà giáo dục và chuyên gia kinh tế tham gia vào một bàn tròn được tổ chức qua mạng về đề tài này, gồm GS. Trần Hữu Dũng (nhà giáo nghỉ hưu), TS. Vũ Quang Việt (nguyên chuyên viên cao cấp của Liên hiệp quốc), GS. Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago), TS. Giáp Văn Dương (người sáng lập cổng giáo dụctrực tuyến mở đại trà GiapSchool).
Từ trái qua: GS. Trần Hữu Dũng, TS. Giáp Văn Dương, GS. Ngô Bảo Châu, TS. Vũ Quang Việt. |
Có thể nào trong hệ thống công lập lại có trường công “chất lượng cao”?
- GS. Ngô Bảo Châu: Tôi cho rằng một nền giáo dục tốt phải là một nền giáo dục đa dạng, về triết lý giáo dục, về phương pháp giảng dạy và cả về mô hình kinh tế. Con người sinh ra có những khả năng khác nhau và có những thiên hướng khác nhau, một nền giáo dục tốt phải đáp ứng được những nhu cầu đa dạng này. Vì thế trên nguyên tắc, tôi không cảm thấy dị ứng với những mô hình giáo dục mới, cả trên bình diện sư phạm lẫn kinh tế.
- TS. Giáp Văn Dương: Theo tôi, việc thiết kế hệ thống giáo dục, và tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với hệ thống đó, là sự phản chiếu của những giá trị cốt lõi mà chính quyền, hoặc ít nhất cũng là những người làm chính sách giáo dục, theo đuổi. Nếu lý tưởng bình đẳng về cơ hội được nêu ra cho một xã hội, thì rõ ràng, việc cho phép các trường “chất lượng cao” trong hệ thống trường công, là vi phạm nguyên tắc này. Vấn đề đặt ra là, khi xảy ra sự vi phạm này thì ai được lợi? Rõ ràng không phải là những người nghèo.
Vì vậy, tôi cho rằng, lớp chất lượng cao trong trường công, hay trường công chất lượng cao, là một thiết kế không chính đáng vì vừa vi phạm nguyên tắc bình đẳng về cơ hội, vừa là mảnh đất để các tiêu cực giáo dục phát triển. Việc phát triển các trường lớp như vậy nên để cho hệ thống giáo dục ngoài công lập đảm nhiệm.
- TS. Vũ Quang Việt: Trước năm 1975 cũng có khoảng 10 trường công lập đặc biệt ở vùng Sài Gòn - Gia Định và ở các tỉnh thường có một trường. Học sinh muốn vào phải thi đỗ kỳ thi tuyển chọn. Học sinh thời đó nếu nghèo còn được chính phủ cấp học bổng, ít nhất là đủ để mua sách vở và may quần áo đồng phục.
Ở Mỹ, tại thành phố New York tôi đang sống, cũng có năm trường tuyển phổ thông như thế, không kể những trường đặc biệt chuyên về nghệ thuật. Trong số này, Bronx Science là trường đã đào tạo ra tám người đoạt giải Nobel về khoa học và hàng loạt học sinh đoạt những giải cao quý khác ở nước Mỹ. Mọi trẻ em ở thành phố đều có cơ hội ngang nhau khi thi vào các trường tuyển này. Các trường công lập tuyển này cũng chỉ nhận được ngân sách thường xuyên giống các trường công lập khác và giáo viên cũng được trả lương bằng nhau theo cùng bậc lương.
Nhưng khái niệm công lập “chất lượng cao” ở Việt Nam gắn liền với học phí cao, mang tính loại trừ?
- TS. Vũ Quang Việt: Cái khác biệt là ở chỗ đó. Tôi chắc họ sẽ chọn các trường ở địa điểm đẹp nhất, rộng rãi nhất, trường sở khang trang nhất để làm chuyện này. Với học phí như vậy họ sẽ có thể trả lương để tuyển được các thầy cô giáo giỏi, cơ sở vật chất tốt. Cơ bản là nhằm phục vụ những con em của người giàu có, và tước đoạt cơ hội của những trẻ em nghèo.
- GS. Ngô Bảo Châu: Ở trên là tôi nói về hệ thống giáo dục nói chung. Còn trong hệ thống công lập, vai trò chính của Nhà nước vẫn là dựa trên tiền thuế của dân để đảm bảo cho tất cả trẻ em Việt Nam có được cơ hội học hành tương đương nhau, đặc biệt là ở phân đoạn giáo dục phổ thông cơ sở mà theo Hiến pháp hiện hành là bắt buộc. Ở đây Nhà nước thực ra không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện đúng những gì được quy định trong Hiến pháp. Nếu lấy tiêu chuẩn thu nhập cao của cha mẹ để làm ra trường “chất lượng cao” nhận mức đầu tư đặc biệt của Nhà nước là đi ngược lại nhiệm vụ cơ bản đã được nêu ở trên.
- TS. Giáp Văn Dương: Hãy tưởng tượng con của bạn, nhà ở gần các trường công này, có thể học rất giỏi, nhưng bạn không có đủ học phí để đóng cho các lớp “chất lượng cao” này. Cảm nhận của bạn và con của bạn là gì? Là một sự bất công rõ ràng, nhưng được hợp pháp hóa. Như vậy là các yếu tố mang tính phản giáo dục đã manh nha ngay trong các hoạt động này. Đó là chưa kể việc có thể có một sự lãng phí rất lớn trong việc xây dựng các lớp “chất lượng cao” này.
Việc trang bị máy móc mà dựa vào phụ huynh cũng vậy. Phụ huynh phải đóng thêm tiền để trang bị thêm máy chiếu, máy điều hòa nhiệt độ… cho các lớp học. Vậy về nguyên tắc phụ huynh sẽ sở hữu các thiết bị này. Đến khi con em họ tốt nghiệp thì các thiết bị này cũng bị thanh lý, dù vẫn còn sử dụng tốt. Vì sao? Vì khi lứa học sinh mới bắt đầu thì bắt buộc phải mua sắm mới, trên danh nghĩa là để đảm bảo công bằng cho các lứa học sinh khác nhau, nhưng trên thực tế là do việc này gắn liền với lợi ích của cán bộ quản lý và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị trường học.
- GS. Trần Hữu Dũng: Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của các trường dân lập, công khai thu học phí cao nhưng bên cạnh đó cần có những trường-hoàn-toàn-miễn-phí cho người dân. Không một quốc gia văn minh nào có thể chối bỏ nguyên tắc căn bản này. Những trường-hoàn-toàn-miễn-phí này thường được gọi là... trường công. Mọi việc sẽ là dễ dàng nếu chúng ta tôn trọng phép chính danh: không thể gọi trường công mà lại tùy tiện thu mọi loại phí, bất kể mức độ, như hiện nay. Cụm từ “xã hội hóa giáo dục” chỉ là một cách nói hoa mỹ mà huỵch toẹt là dân chúng phải đóng thêm tiền cho giáo dục!
Nếu lý tưởng bình đẳng về cơ hội được nêu ra cho một xã hội, thì rõ ràng, việc cho phép các trường "chất lượng cao" trong hệ thống trường công, là vi phạm nguyên tắc này. Ảnh: Minh Đức |
Nhưng ngân sách nhà nước thì hữu hạn trong khi nhu cầu cải cách giáo dục lại lớn, nguồn lực lại thiếu thốn. Lẽ nào hệ thống giáo dục công lập phải chấp nhận “xã hội hóa” một phần theo kiểu đó?
- GS. Trần Hữu Dũng: Phải cẩn thận kẻo chính sách “xã hội hóa giáo dục” sẽ là mầm mống cho những sự bất công xã hội sau này. Những gia đình giàu sẽ sẵn sàng đóng góp nhiều cho trường của con họ, trong lúc dân nghèo thì chỉ tùy vào sự ban ơn nhỏ giọt của Nhà nước. Khi Nhà nước dựa nhiều hơn vào sự đóng góp của phụ huynh thì những bất quân bình thu nhập hiện tại trong xã hội sẽ len vào nhà trường, gây phản ứng dây chuyền đến nhiều thế hệ tương lai.
- TS. Giáp Văn Dương: “Xã hội hóa giáo dục” là một cụm từ thời thượng. Nhưng khi hỏi chi tiết hơn là xã hội hóa cái gì, thì tất cả đều lúng túng. Vì thế mà khi thực hiện, xã hội hóa giáo dục được tiến hành theo cách dễ nhất và thô lậu nhất là nhà trường bắt phụ huynh đóng thêm tiền dưới nhiều dạng khác nhau, hoặc tệ hơn là nhà trường đứng ra bán bằng cấp chứng chỉ, hay làm đại lý dịch vụ cho doanh nghiệp liên quan. Tất cả các việc này đều không giúp cải thiện chất lượng giáo dục, nếu không muốn nói là gây hại cho giáo dục trong dài hạn.
- GS. Ngô Bảo Châu: Nếu muốn tạo ra chính sách mới, khuyến khích cha mẹ học sinh đóng góp tiền vào trường công lập, tôi thấy chỉ có cách điều chỉnh chính sách thuế cho hợp lý, chẳng hạn như thuế thu nhập không đánh vào những khoản tiền đóng góp vào giáo dục.
"Nếu lấy tiêu chuẩn thu nhập cao của cha mẹ để làm ra trường "chất lượng cao" nhận mức đầu tư đặc biệt của Nhà nước là đi ngược lại nhiệm vụ cơ bản" (GS Ngô Bảo Châu) "Nếu lý tưởng bình đẳng về cơ hội được nêu ra cho một xã hội, thì rõ ràng, việc cho phép các trường "chất lượng cao" trong hệ thống trường công, là vi phạm nguyên tắc này" (TS Giáp Văn Dương) "Những người đã từng và đang kêu gào về lý tưởng công bằng xã hội (công bằng về cơ hội chứ không phải cào bằng thu nhập) lại không nhận thấy hành động trên là bất công xã hội" (TS Vũ Quang Việt) "Cụm từ "xã hội hóa giáo dục" chỉ là một cách nói hoa mỹ mà huỵch toẹt là dân chúng phải đóng thêm tiền cho giáo dục" (GS Trần Hữu Dũng) |
- TS. Vũ Quang Việt: Không hiểu sao những người đã từng và đang kêu gào về lý tưởng công bằng xã hội (công bằng cơ hội chứ không phải cào bằng thu nhập) lại không nhận thấy hành động trên là bất công xã hội. Ngay ở Trung Quốc họ cũng không dám làm thế. Họ có một số trường đại học ưu tú (tuyển chọn kỹ và bảo đảm học sinh ưu tú ở mọi tỉnh ở Trung Quốc có cơ hội tham gia (thậm chí có chỉ tiêu tối thiểu cho từng tỉnh) và các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc thường được tuyển từ những sinh viên ưu tú này sau khi ra trường và sau khi đã qua thử nghiệm thực tế từ thấp lên. Việt Nam không có cả trường đại học ưu tú công lập (mà sinh viên không phải đóng học phí cao), ngày càng bỏ qua tính ưu tú, chỉ nhằm tuyển chọn từ giai cấp có tiền thì không hiểu sau này đất nước sẽ được lãnh đạo bởi loại người nào?
Vậy có giải pháp nào vừa để mọi người chung tay xây dựng nền giáo dục vừa đảm bảo được sự công bằng?
- TS. Giáp Văn Dương: Giải pháp nói khó thì cũng thật là khó, mà dễ thì cũng thật là dễ. Nếu nguyên tắc bình đẳng về cơ hội được tôn trọng, nếu các giá trị mà giáo dục vẫn rao giảng, như: trung thực, nhân văn, phát triển toàn diện… được tôn trọng, thì giải pháp sẽ xuất hiện tức thì. Khi đó việc “xã hội hóa giáo dục” sẽ không chỉ là việc thu thêm tiền của phụ huynh mà xã hội sẽ thực sự được tham gia vào tất cả các khâu của giáo dục, từ việc biên soạn sách giáo khoa, chương trình, cách thức giảng dạy, cách thức quản trị nhà trường, tạo lập các giá trị mà nhà trường cần hướng tới… Đó mới là ý nghĩa đích thực của “xã hội hóa giáo dục”. Nếu không làm được điều này, thì “xã hội hóa giáo dục” chỉ là một sự đùn đẩy gánh nặng chi phí giáo dục lên vai người dân, vốn đã quá nặng rồi, và một sự cấu kết lợi ích giữa những người làm công tác quản lý giáo dục và các doanh nghiệp liên quan.
- TS. Vũ Quang Việt: Trường tuyển mang tính ưu tú, nên không phải là phương cách nâng cấp giáo dục nói chung. Chính vì thế ở những khu vực người giàu, cha mẹ học sinh đã nghĩ đến việc đóng góp thêm vào ngân sách cho trường (để mở các lớp đặc biệt) nhằm nâng cao chất lượng, bởi vì theo nguyên tắc, ngân sách cấp cho mỗi một học sinh là giống nhau. Cha mẹ chỉ có cách thành lập các tổ chức phi lợi nhuận để quyên góp thêm tiền cho trường. Ngay hoạt động tự nguyện như thế đã bị nhiều người đặt vấn đề về tính công bằng và đề nghị chính phủ không coi các tổ chức gây quỹ như thế là vô vị lợi, để được trừ thuế lợi tức vì chúng thực sự là “tư lợi”.
- GS. Trần Hữu Dũng: Trước hết, phải khẳng định rằng tiền bạc không phải là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục (kỷ luật học đường, tác phong ban giảng huấn, chẳng hạn, không thể mua bằng tiền). Song, trên thực tế, lý do chính mà Nhà nước viện dẫn (cho “xã hội hóa giáo dục”, lẫn y tế, giao thông) là sự eo hẹp của ngân sách quốc gia. Đúng là ngân sách quốc gia có eo hẹp thật (nước nào chẳng thế?). Nhưng không phải giải pháp cho bất cứ sự eo hẹp ngân sách nào cũng là bắt buộc người tiêu dùng đóng tiền. Thử cường điệu: Có ai dám đề nghị rằng vì ngân sách quốc phòng là không bao giờ đủ, quân đội phải “xã hội hóa”: mỗi chiến sĩ phải tự mua vũ khí, đạn dược cho mình?
Trước khi kêu gọi người dân đóng góp thêm (ngoài những đóng góp qua thuế của họ) vào giáo dục, Nhà nước phải tự trả lời hai câu hỏi:
(a) Đã không còn lãng phí nào trong ngân sách hiện tại chưa? Nên nhớ là lãng phí không phải chỉ ở khâu trường ốc, phương tiện vật chất, sự phân phối nhân lực mà còn, nên nói thẳng, lãng phí ở chương trình giảng dạy nữa.
(b) Nguồn lực cả nước có được phân bố hợp lý chưa? Nếu chưa thì vì sao? Ai cũng biết là Việt Nam đang đương đầu với nhiều khủng hoảng: từ giáo dục, y tế, đến kinh tế, ngân hàng... Thế thì tại sao lại hàng ngày cứ nghe những đề nghị Nhà nước bỏ vài ngàn tỉ để “giải băng” bất động sản, để cứu các tập đoàn quốc doanh, để mua các nợ xấu của ngân hàng... mà không nghe một tiếng nói mạnh mẽ nào đề nghị vài trăm ngàn tỉ để “giải cứu giáo dục” công lập (tất nhiên với điều kiện là phải chấm dứt những lãng phí, như đã nói ở trên)? Có phải là sự phân bố hiện nay là phản ảnh “sức mạnh”của các nhóm lợi ích không?
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)