Đưa chủ trương phát triển du lịch vào Nghị quyết 

Xã Ngọc Chiến được biết đến là nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Không những thế, đây còn là nơi có nguồn nước nóng tự nhiên dồi dào để phục vụ việc phát triển du lịch. 

Nắm bắt được điều đó, Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã đưa chủ trương phát triển du lịch vào Nghị quyết và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để giúp người dân có cuộc sống ấm no, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.

{keywords}
Mường La ngày càng phát triển nhờ nghị quyết sát thực tế, hợp với lòng dân. Ảnh Hồng Nhì

Trước đây, khi đến xã Ngọc Chiến tham quan du lịch, du khách muốn tìm một nơi để nghỉ ngơi, ăn uống là điều rất khó khăn, do người dân ở đây vốn chỉ quen với việc khách du lịch đến tắm suối nước nóng rồi về luôn trong ngày. Nhưng hiện nay, với định hướng của chính quyền địa phương, tại đây đã xuất hiện những cơ sở lưu trú tổ chức theo hình thức du lịch xanh, sinh sống cùng với người dân (homestay) để phục vụ du khách.

Trong quá trình phát triển du lịch, nhằm tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến đã ban hành chủ trương khôi phục, dựng lại những cọn nước (guồng nước) dọc các bờ suối. Bởi cọn nước từ bao đời nay đã gắn bó với đồng bào người Thái ở xã Ngọc Chiến trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ cuối năm 2020 đến nay, người dân ở xã Ngọc Chiến đã làm được gần 40 cọn nước. Những cọn nước này đều được bố trí nằm dọc con suối Chiến. Vì vậy, khi du khách đến đây sẽ được “mục sở thị” một khung cảnh rất ấn tượng, độc đáo.

Ông Lò Văn Khụt, bản Mường Chiến 2 cho biết, mới đây khi có nghị quyết của Đảng ủy xã về việc khôi phục các cọn nước, ông đã cùng một số bà con đi học hỏi, tham quan cách làm ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái để về thực hiện. Đến nay, bước đầu đã thu hút khách du lịch và mang lại kinh tế cho gia đình. Trong thời gian tới, gia đình ông và các hộ dân khác sẽ tiếp tục mở rộng quy mô các cọn nước lên khoảng 200 cái.

Nghị quyết sát với cuộc sống

Xã Ngọc Chiến từ xưa còn nổi tiếng với những cánh đồng trồng giống lúa nếp tan thơm, dẻo. Vì vậy, Nghị quyết của Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã đề ra chủ trương giao cho các tổ chức mặt trận, đoàn thể vận động, tuyên truyền nhân dân quy hoạch và phát triển 300ha nếp tan. Bởi loại nếp này có giá trị kinh tế cao hơn các loại lúa khác nhiều lần.

Ông Lò Văn Pháng, bản Đông Xuông cho hay, lúa nếp tan có thể làm cốm, đồ xôi, hoặc để gói bánh chưng. Khi phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tết mũi nhọn của xã thì giống nếp này lại càng có giá trị hơn vì nhu cầu của du khách rất lớn. Hiện nay, giá trung bình của giống nếp này khoảng 60.000/kg, gấp 4 lần so với giống nếp khác. Vì vậy, việc khôi phục giống nếp tan sẽ giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định.

Với những nghị quyết sát với cuộc sống, đi vào lòng dân, những tiềm năng, lợi thế của vùng đất Ngọc Chiến đã từng bước được phát huy. Nhờ đó, xã Ngọc Chiến ngày càng phát triển, vươn lên, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, ổn định hơn.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến thông tin, đến nay lương thực bình quân của người dân trong xã đạt hơn 660kg/người/năm; tổng đàn vật nuôi hơn 60.000 con. Đặc biệt, Ngọc Chiến đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, trong 5 năm (2015-2020) thu nhập từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm giảm được 8,87% hộ nghèo. Hiện xã còn 16% hộ nghèo; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Không thể phủ nhận, nhờ những chủ trương sát thực tế, hợp lòng dân đã tạo ra sự hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân.

Hồng Hạnh