Mướp đắng rừng, hay còn gọi là khổ qua rừng, là thực vật thuộc họ bầu bí mọc hoang dại ở các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Caribbean,... Ngoài được biết tới như một loại quả dùng chế biến món ăn của người vùng cao, không phải ai cũng biết về công dụng tuyệt vời của mướp đắng rừng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh về huyết áp, tiểu đường, chữa gout, tốt cho hệ tiêu hóa.
Cũng theo nghiên cứu khoa học, mướp đắng rừng còn chứa hàm lượng kháng chất cao hơn nhiều so với mướp đắng được lai giống trồng đại trà, giúp cơ thể người tăng cường sức để kháng, chữa rôm sảy, mụn nhọt ở trẻ nhỏ.
Do có nhiều công dụng vượt trội nên thời gian gần đây, mướp đắng rừng trở thành mặt hàng hot trên chợ mạng, được nhiều người lùng mua với giá cao hơn giá mướp đắng thường từ 5-6 lần.
Chị Tràm, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp đặc sản miền Tây Bắc ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ: “Thời gian gần đây, có rất nhiều khách hỏi mua mướp đắng rừng nên mình nhờ người thân trên miền núi tới chợ phiên của bà con dân tộc thu mua giúp, chuyển xuống dưới xuôi để bán.
Mướp đắng rừng mọc hoang dưới chân núi đá hoặc leo trên thân những loài cây khác trong rừng. Mướp đắng rừng chỉ nhỏ bằng nửa mướp đắng thường, quả ngắn, nhìn hơi tròn, thân sần sùi, màu đậm hơn mướp đắng trồng. Trên miền cao, bà con dân tộc thường vào rừng hái mướp đắng về làm thức ăn hoặc thái lát mỏng phơi khô hãm nước uống”.
Chị Tràm cho biết, vì mướp đắng rừng mọc hoang dại, sản lượng rất thấp, không phải lúc nào cũng có nên giá của mướp đắng rừng khá cao. Tại cửa hàng chị, khi nào hàng về đều, liên tục thì mướp đắng có giá 70.000 đồng/kg.
Thời điểm hàng khan hiếm, chị thu mua từ bà con miền ngược giá cao thì về dưới xuôi, giá chị bán cho khách cũng nhích lên khoảng 80.000 đồng/kg.
Quả mướp đắng rừng chỉ nhỏ bằng 1/2 mướp đắng thường, quả ngắn, nhìn hơi tròn, thân sần sùi, màu đậm hơn mướp đắng trồng |
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, vận chuyển hàng xuống xuôi khó, giá mướp còn nhỉnh hơn. Khi khách hỏi, chị cũng giải thích cặn kẽ cho khách. Nhiều khi khách phải đợi cả tuần tới chục ngày mới có mướp.
“Khách tìm mua mướp đắng rừng với nhiều mục đích khác nhau. Có người mua về để thưởng thức, xem mướp đắng rừng hương vị khác biệt so với mướp đắng trồng như thế nào. Họ chỉ mua số lượng ít, khoảng 1kg. Còn khách mua mướp đắng rừng về chữa bệnh, họ thường mua số lượng lớn, đôi khi có bao nhiêu lấy hết bấy nhiêu. Bởi thực ra, một chuyến hàng của mình chuyển xuống có khi chỉ được vài cân mướp, có chuyến chẳng có quả nào”.
Cũng thu gom, bán hàng đặc sản miền núi, chị Thu Cúc ở Kim Ngưu (Hà Nội) kể: “Nhà mình mới bán mướp đắng rừng 2 năm nay, nhưng thi thoảng mới có hàng bán. Hầu như cứ có hàng rao trên trang là khách đặt mua ời ời rồi. Chẳng bao giờ có hàng tồn cả”.
Chị Hòa ở Cầu Giấy, Hà Nội có chồng bị bệnh tiểu đường, men gan, huyết áp đều cao. Nghe mọi người chia sẻ thông tin về công dụng của mướp đắng rừng có thể giúp hạ đường huyết, ổn định huyết áp, hơn năm nay, chị liên tục lùng mua mướp đắng rừng về thái lát mỏng, phơi khô để hãm nước cho chồng uống.
Mướp đắng rừng xào cùng trứng, thịt bò, lòng mề gà, món ăn thơm ngon, bổ dưỡng |
“Mình nhờ người quen trên Sơn La mua mướp đắng rừng gửi về để thái mỏng, phơi khô sắc nước để anh xã uống hàng ngày. Kiên trì uống liên tục trong hơn 1 năm, men gan, huyết áp của chồng mình đã về bình thường, còn bệnh tiểu đường cũng được kiểm soát, ổn định hơn”.
Chị Ngọc ở Hoàng Mai, Hà Nội thì lại lùng mua mướp đắng rừng để về chữa bệnh ngứa cho con. Lên mạng thấy các mẹ bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm chữa rôm sảy, mụn nhọt cho con bằng mướp đắng rừng, chị mua 3kg về xay ra tắm cho em bé. Kết hợp vừa tắm mướp đắng vừa bôi thuốc bác sỹ kê, trong vòng 1 tuần thì khỏi, không biết có phải nhờ tác dụng của mướp đắng không.
Còn với người sinh ra lớn lên ở miền cao, gắn bó với mướp đắng rừng từ nhỏ như chị Hạnh ở dốc Đội Cấn (Hà Nội), thì từ nhỏ chị đã được bố mẹ cho ăn mướp đắng rừng xào trứng, xào thịt. Mướp có vị đắng nhưng nhai lâu sẽ ngọt bùi, đậm vị hơn mướp đắng thường.
Không chỉ quả, mà lá mướp đắng rừng cũng có mùi rất thơm, tác dụng mát gan. Ngày bé, mấy chị em bị ngứa là mẹ lại vào rừng hái lá mướp đắng hãm nước cho các con uống hoặc đun nước tắm. Giờ xuống thành phố, thi thoảng nhớ vị mướp đắng rừng mà mẹ không gửi xuống được thì chị tìm mua trên chợ mạng, chị Hạnh kể.
Thu Giang
Rùng mình với mướp dài 2m loằng ngoằng như rắn ở Lý Sơn
Tận dụng đất ở bờ ruộng hành, ông Thống ở xã An Hải (Quảng Ngãi) trồng 50 cây mướp rắn, kiếm thêm thu nhập. Có quả mướp rắn dài tới 2m, treo loằng ngoằng trong giàn khiến nhiều khách đi qua phải đứng lại ngắm...