- Lời tòa soạn: Ngày nay, cái sự học, nói rõ hơn, là “đến trường” của nhiều trẻ em Việt có nghĩa là 7 ngày/tuần, gồm cả học “ngoài luồng” (học “thêm” - thực chất là học bán hợp pháp). Điều này, ít nhất, là các xe ôm “bao cấp” của trẻ - những bậc phụ huynh - cũng chẳng có ngày nghỉ.

Lại nghe, ở bên Mỹ ,ngày càng có nhiều phụ huynh, ở các mức độ, không cần đến divu của trường học. Vậy nhìn chung, tính không áp đặt về giáo dục chính ngạch ở Mỹ thể hiện đến mức nào?

Theo Washington profile, điều tra xã hội cho biết có tới 54% phụ huynh Mỹ cho rằng am hiểu thực tiễn và kỹ năng thực hành quan trọng hơn kiến thức do nhà trường dạy.


Các môn không bắt buộc trong trường

Sự bất cần trường có thể thể hiện cục bộ.

Ở bậc chuyển tiếp giữa tiểu và trung học (middle schools hoặc junior high school), khác với bậc tiểu học, ở cấp học này mỗi môn do một thày/cô giáo dạy. Các môn bắt buộc thường là toán, vật lý, tiếng Anh, lịch sử thế giới, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Với các môn còn lại, học sinh có quyền tự chọn. Tập hợp của những lựa chọn như thế là rất đa dạng về chất lượng và số lượng, và còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của trường, và vào thiên hướng của học sinh. Các môn tự chọn (electives) thường rơi vào ngoại ngữ, mỹ thuật (art), và công nghệ. Cụ thể

  • Ngoại ngữ (thường là Tây Ban Nha, Pháp, Đức … hiếm hơn là tiếng Nhật, Trung, Hy Lạp, tiếng latinh).
  • Nghệ thuật tạo hình (hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, quay phim).
  • Nghệ thuật biểu diến (kịch, ca, hoà nhạc, múa)
  • Kỹ thuật máy tính (sử dụng máy tính, lập trình, thiết kế đồ hoạ).
  • Công tác xuất bản (báo chí, kỷ yếu)
  • Kỹ nghệ (chế biến gỗ, gia công kim loại, sửa xe hơi, người máy học).
  • Các môn bổ trợ (thống kê, tin học, môi trường).

Vậy là có những trường hợp học sinh hoàn toàn không lên lớp một môn học nào đó.

Kiến thức … nhà trồng được?

Khoảng 5% phụ huynh, theo nhiều nguyên cớ, quyết định đào tạo con mình tại nhà. Một số tín đồ của các giáo phái bảo thủ không muốn con mình đến trường để khỏi “bị” dạy bảo về những luận thuyết về chính trị hoặc tôn giáo mà họ không nhất trí, chẳng hạn như thuyết tiến hoá; hoặc muốn tránh sự áp đặt của nhà cầm quyền … Cũng có những phụ huynh muốn thử nghiệm một tiếp cận phi tiêu chuẩn về giáo dục,.

Những người khác cho rằng con cái họ, hoặc do bệnh lý không thể học lớp đông người, hoặc ngược lại, con mình quá thiên tài (!) nên trường phổ thông chưa thể dạy nổi. Cũng có gia đình chê thày cô, hoặc ngại tốn kém. Một số bậc cha mẹ không muốn con mình bị bắt nạt, hoặc ngại tệ nạn nghiện thuốc phiện và tình trạng phạm tội vị thành niên, hiện vẫn tồn tại ở không ít trường.

Ở một số nơi có những phụ huynh tụ họp thành nhóm, người này dạy môn toán, người khác dạy môn văn … cho học sinh là con cái mình. Họ cũng tìm cách bổ sung cho giờ học của mình bằng các chương trình đào tạo từ xa, hoặc cho con cái lên nghe một số giờ tại các trường sở tại.

Bị bắt nạt là nguyên do khiến nhiều trẻ không muốn đến trường

Khen…

Có những nguồn khẳng định rằng nhiểu trẻ em được dạy tại nhà trở thành vô địch các cuộc Olympic. Từ khá sớm, năm 1988, một phúc trình của đại học bang Maryland cho rằng các em học tại nhà thường giỏi hơn các bạn cùng trang lứa nhưng học ở trường1. (Có phải vì thế mà từ 1999 số học sinh học tại nhà, hay đúng hơn, số phụ huynh quyết định “tự biên tự diễn” chương trình đào tạo con cái, ngày một tăng?)
Ví dụ không thiếu. Nhiều người nhấn mạnh rằng những người tự học tại nhà thậm chí đã làm tổng thống Hoa Kỳ, tuy hơi… xưa một tí. Đó là Washington và Abraham Lincoln. Người ta cũng giải thích rằng cái sự học tại nhà sau đời các bậc lập quốc trên đã không phát huy được mấy, vì việc tự dạy cho con đã bị cấm cho tới đầu những năm 1980, chỉ có ngoại lệ dành cho các em bị bệnh tật.

Hiện thời, các bậc cha mẹ nào định dạy con ở nhà, theo quy định của pháp luật, vẫn phải trải qua những đợt sát hạch theo quy chế, để tránh lợi bất cập hại.

Cũng không nên định kiến rằng chỉ có cha mẹ nghèo, không kham nổi học phí mới dạy con ở nhà. Các thống kê cho thấy 28% phụ huynh Mỹ chọn cách tự dạy con mình có thu nhập khá.

Khi Nhà là lớp, Mẹ là cô giáo

Chê…

Khuynh hướng tự dạy tự học này bị phê phán là thiếu quy chuẩn, và trẻ em được nuôi dạy theo cách này thường khó hoà nhập với xã hội. Những quan ngại được biểu lộ gay gắt hơn là “rơi” trình độ kiến thức phổ cập, tức là chất lượng học thuật của toàn cộng đồng (academic quality), thâm hụt thu nhập của các trường học, các “lò” đào tạo các phần tử cực đoan tôn giáo hoặc xã hội, phần tử khủng bố…

Số liệu chính thức của nhà nước cho biết năm 2007 có 1,5 milions (bằng 2,9%) trẻ Mỹ ở tuổi tựu trường đang học tại nhà2. Số liệu của năm 2005 là 1,7 % học sinh Mỹ học theo cách này3. So với năm đầu tiên ban hành số liệu thống kê về trẻ em học tại nhà, năm 1999, số học sinh học “cây nhà lá vườn” đã tăng tới 74%4. Dù Hiệp hội giáo dục (National Education Ass.) đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng học tại nhà ngày càng tăng và những hậu hoạn của nó, có nguồn cho rằng chính quyền ở hơn một nửa số bang của Mỹ hiện vẫn mũ ni che tai về hiện trạng này5.

Bất cần hay bất tín?

Có số liệu thống kê mạnh dạn hơn cho rằng số học sinh Mỹ tự học ở nhà tăng tới 12 – 15% năm6. Xu thế ngày càng tăng của việc cha mẹ bất cần (kỹ năng) sư phạm trong đào tạo con cái, theo thống kê, chủ yếu do “sự bất tín” đối với trường sở.

Số liệu về động cơ dạy con tại nhà ở Mỹ năm 2007

Số liệu về động cơ dạy con tại nhà ở Mỹ năm 2007

Nguyên cớ

Phần trăm  
phụ huynh

Quan ngại về (suy đồi) không gian trường học

85%

Nguyện vọng riêng dạy con về tôn giáo, đạo đức

72%

Ngán ngẩm với cách dạy dỗ ở trường

68%

Chiều theo yêu cầu riêng của con cái

21%

Trẻ có vấn đề về thể  lực, tâm thần

16%

Nguyên nhân khác

20%

 

  • Lê Đỗ Huy (tổng hợp)