Doanh thu Mỹ thu về từ bán vũ khí cho nước ngoài đã lên tới trên 50 tỉ USD. Năm nay có thể lại là năm phá kỷ lục doanh thu cho nước Mỹ khi mà Ả Rập Xê Út chiếm tới gần 3/5 tổng đơn hàng.

Máy bay F-16 của Mỹ được nhiều 'khách hàng' đặt mua
"Chúng tôi đã vượt doanh thu 50 tỉ USD trong năm tài chính 2012" - Andrew Shapiro, trợ lý bộ trưởng về các vấn đề quân sự - chính trị cho biết hôm thứ Năm vừa qua.

Mặc dù vẫn còn ba tháng nữa mới kết thúc năm tài chính, nhưng các dữ liệu cho thấy các hợp đồng quân sự giữa các chính phủ đã tăng lên 70% trong năm 2011. Năm ngoái cũng là năm kỷ lục cho Mỹ với lượng vũ khí bán được lên tới 30 tỉ USD.

"Việc kinh doanh với Ả Rập Xê Út rất quan trọng" - ông Shapiro nói. Thỏa thuận được chốt vào tháng 12 năm ngoái trị giá lên tới 29,4 tỉ USD, bao gồm 84 máy bay chiến đấu mới và việc hiện đại hóa 70 máy bay chiến đấu khác.

Cựu quan chức ngoại giao Canada Peter Dale Scott cho biết việc Ả Rập Xê Út đóng góp một phần rất lớn vào thu nhập của Washington có thể được giải thích từ mối quan hệ 'vũ khí đổi lấy dầu' từ lâu giữa hai quốc gia.

"Trong suốt thời kỳ giá dầu tăng đột xuất vào năm 1971-1973, Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận trả giá cao cho dầu thô của Ả Rập Xê Út, với điều kiện Ả Rập Xê Út sẽ phải quay vòng đồng đô-la dầu mỏ, và rất nhiều trong số đó là thông qua các thỏa thuận mua bán vũ khí" - giáo sư Scott nói. "Do đó gần đây, số vũ khí Mỹ nhập khẩu vào Ả Rập Xê Út đã tăng lên đáng kể'.

Doanh thu kỷ lục trên của Mỹ cũng bao gồm cả việc bán chiếc siêu cơ F-35 cho Nhật Bản với trị giá lên tới gần 10 tỉ USD. Năm 2011, các nhà thầu của Mỹ còn kiếm thêm 44 tỉ USD với các khách hàng tầm cỡ như Jordan, Nhật, Israel, Afghanistan và Pakistan.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hiện 'còn quá sớm để dự báo' về doanh thu kinh doanh vũ khí của Mỹ trong năm 2013 tới.

Mỹ có thể sẽ tiếp tục mở rộng tại các thị trường then chốt, bao gồm Ấn Độ. Ấn Độ đang cân nhắc mua 22 chiếc máy bay trực thăng Apache tổng trị giá 1,4 tỉ USD. Theo trang ArabianBusiness.com, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cũng đang để mắt tới thương vụ trị giá hơn 1,1 tỉ USD với Qatar và Oman. Qatar đang xem xét mua các máy bay trực thăng Diều hâu đen và các hệ thống cảnh báo tên lửa, trong khi Oman có thể mua các tên lửa và trang thiết bị huấn luyện quân sự.

Shapiro chỉ ra rằng số vũ khí được kinh doanh này được cấp phép "nhằm phục vụ lợi ích chính sách đối ngoại" và tạo ra xu hướng gắn chặt các hợp đồng quốc phòng vào ngoại giao. Các quốc gia sẵn lòng mua vũ khí từ Mỹ có thể chắc chắn "về bản chất quan hệ" với Washington.

"Khi một quốc gia mua hệ thống quốc phòng tối tân của Mỹ thông qua các hình thức mua bán quân sự nước ngoài, mua bán thương mại trực tiếp hoặc qua các chương trình cung cấp tài chính quân sự nước ngoài, họ không đơn giản chỉ là mua một sản phẩm. Họ còn tìm kiếm quan hệ đối tác với Mỹ. Các chương trình này còn củng cố quan hệ ngoại giao và thiết lập quan hệ an ninh lâu dài" - ông Scott phân tích.

Tuy nhiên, việc đó không có nghĩa là quốc gia mua vũ khí của Mỹ sẽ tránh được thất bại dưới ảnh hưởng của Mỹ.

"Chẳng hạn như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak là người nhận viện trợ đứng thư ba của Mỹ chủ yếu dưới hình thức tài chính và vũ khí. Đổi lại, Cairo đảm bảo an ninh trong khu vực, mà điều đó đồng nghĩa với việc công nhận Israel" - ông Scott nói.

  • Lê Thu (theo RT)