- Theo Luật mới của một số tiểu bang của Mỹ, các công ty xuất khẩu sản phẩm vào những thị trường này bắt buộc phải sử dụng phần mềm hợp pháp.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu sử dụng phần mềm lậu, các doanh nghiệp XK sẽ không thể kinh doanh tại Mỹ và đánh mất thị trường vào tay những đối thủ khác tôn trọng sở hữu trí tuệ hơn.
Từ trái sang phải: Ông Michael Mudd (cà vạt đỏ), ông Lê Gia Phong - Đại diện công ty kiểm toán KPMG, ông Trần Mạnh Hùng - Baker&Mckenzie, bà Phạm Thị Thu Hằng và ông Đoàn Tử Tích Phước. Ảnh: M.Vỹ |
“Bộ Luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA) mới của Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu phải sử dụng sản phẩm CNTT (phần cứng lẫn phần mềm) hợp pháp trong mọi hoạt động thương mại và sản xuất, từ văn phòng cho đến nhà máy”, bà Hằng cho biết. Điều này có nghĩa là không chỉ những phần mềm lớn, quan trọng như Quản trị doanh nghiệp ERP, tài chính kế toán phải dùng hàng “xịn” mà ngay cả những phần mềm đơn giản như Office, từ điển... cũng không được phép “lậu”.
Dù luật UCA chỉ vừa mới ban hành và vẫn cần thêm thời gian, thực tiễn để biết được hết tác động của nó, song các diễn giả tham dự Hội thảo đều nhất trí rằng, không nhiều thì ít, nó sẽ tác động đến Việt Nam, bởi Mỹ là một thị trường nhập khẩu hàng hóa châu Á nói chung và hàng hóa Việt Nam rất lớn.
Bỏ con tép để bắt con tôm
Ông Michael Mudd, đại diện Liên minh Máy tính Quốc tế khẳng định, DN vừa cần bảo vệ sở hữu trí tuệ của chính mình, vừa nên tôn trọng sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác. Ảnh: M.Vỹ |
Ông Đoàn Tử Tích Phước, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam trong những năm qua đã giảm song vẫn còn ở mức cao (80-85%).
Đi tìm lời giải cho việc phần mềm lậu “lộng hành”, các chuyên gia cho rằng, giá thành của phần mềm lậu chỉ bằng một phần nhỏ so với phần mềm chính hãng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng họ có thể tiết kiệm chi phí và tạo ra lợi thế về giá so với đối thủ nếu sử dụng phần mềm không bản quyền.
Mặc dù vậy, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, việc cắt giảm chi phí bằng mọi giá, kể cả thuê lao động không có tay nghề hay sử dụng phần cứng, phần mềm lậu đều không phải là phương án tăng trưởng lâu dài, bền vững và đảm bảo. Các sản phẩm giá thành thấp, chất lượng thấp sẽ không thể giúp doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường cao cấp, khắt khe, khó tính như Bắc Mỹ hay châu Âu, vốn luôn đề cao các tiêu chuẩn và quy ước quốc tế.
Đại diện công ty tư vấn luật Baker & McKenzie thì cho rằng, việc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho phần mềm hợp pháp cũng giống như việc “thả con tép để bắt con tôm”. Khi doanh nghiệp sử dụng phần mềm hợp pháp và vượt qua được các kỳ kiểm tra của đối tác nhập khẩu, họ sẽ có được một yếu tố rất quan trọng là lòng tin và uy tín thương hiệu.
Hơn nữa, nếu chẳng may bị doanh nghiệp Mỹ phát hiện mình vẫn đang sử dụng phần mềm lậu trong hoạt động kinh doanh – sản xuất và đâm đơn kiện, doanh nghiệp Việt có thể bị phạt rất nặng và tệ nhất là bị đưa vào “sổ đen”.
Được lợi nếu tôn trọng bản quyền
Về phần mình, ông Phước tin rằng, “Bộ luật UCA sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của những doanh nghiệp sử dụng CNTT hợp pháp” và trên thực tế, các doanh nghiệp VN tuân thủ đúng luật bản quyền “sẽ không những không bị ảnh hưởng mà còn được hưởng lợi từ bộ luật này”.
Hệ thống luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng được chú trọng nhiều hơn. Và với việc Mỹ ban hành Bộ luật UCA, các doanh nghiệp VN lại càng có động lực để chấp hành tốt hơn.
Còn theo ông Michael Mudd, đại diện Liên minh Máy tính (OCA), Vương quốc Anh, việc sử dụng công nghệ hợp pháp là cách để DN chứng tỏ rằng họ đang hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội. “Các kỹ sư phần mềm sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để phát triển và cho ra đời những ý tưởng tuyệt vời, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng”, ông cho biết. “Việc tôn trọng luật Sở hữu Trí tuệ cũng giúp Chính phủ Việt Nam đạt được tiến bộ cao hơn trong tầm nhìn CNTT-TT 2020 và đạt mục tiêu trở thành cường quốc về CNTT toàn cầu.”
Hơn nữa, việc tôn trọng sở hữu trí tuệ còn là một hoạt động mang tính 2 chiều. Nó không chỉ được thể hiện ở việc sử dụng phần mềm hợp pháp mà bản thân doanh nghiệp còn phải ý thức và bảo vệ những sở hữu trí tuệ của chính mình. Việc nhiều thương hiệu Việt có tiếng như cà phê Buôn Mê Thuột... bị mất quyền sở hữu thương hiệu trên thị trường quốc tế đã cho thấy, việc lơ là và thiếu nhận thức về sở hữu trí tuệ có thể gây ra tổn thất đến mức nào.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc bộ phận Sở hữu Trí tuệ, công ty tư vấn luật Baker & McKenzie Việt Nam cho biết, Các giám đốc quản lý dây chuyền phân phối của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ thắt chặt kiểm soát để đảm bảo rằng các đối tác nước ngoài của mình tuân thủ qui định về cấp phép phần mềm trong các hợp đồng sản xuất. Các đối tác ở đây chính là những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và những nhà cung cấp nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm khác. “Bộ luật này chính là công cụ để nâng cao sự cạnh tranh của các công ty chấp hành theo luật và cũng chính là sự răn đe đối với các công ty vi phạm luật”, ông Hùng khẳng định.
Trọng Cầm