- Những dự án xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân thứ 3 và thứ 4 của VN chính là điều mà các nhà công nghệ hạt nhân Hoa Kỳ đang hướng tới.
Các lò phản ứng số 2 và 3 của Nhà máy điện hạt nhân ở IndianPoint, Hoa Kỳ. (Nguồn: Entergy)
|
Một phái đoàn chính sách thương mại hạt nhân Hoa Kỳ trong tuần qua đã tới Hà Nội. Thành phần của đoàn này khá đông, gồm Thứ trưởng chuyên trách Thương mại quốc tế Francisco Sanchez, Tiến sỹ Pete Lyons; trợ lý bộ trưởng chuyên trách năng lượng hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, ông Joyce Connery; vụ trưởng của Nhà Trắng chuyên trách chính sách năng lượng hạt nhân và các đại diện của 18 công ty, hãng luật và hiệp hội ngành nghề của Hoa Kỳ.
Ngày Thứ Sáu, 17/5/2013, Đại sứ quán Hoa kỳ ở Hà Nội đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ VN tổ chức cuộc hội thảo để phái đoàn này có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với đại diện của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các chuyên gia Việt Nam về những vấn đề liên quan kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển điện hạt nhân dân sự và các chính sách hiện nay của Hoa Kỳ nói chung; và đối với chương trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam hiện nay.
Mỹ quan tâm thị trường ĐHN của VN
Sự quan tâm đó diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục con đường điện hạt nhân ngay cả sau khi sự cố Fukushima xảy ra.
TS Peter Lyon, Phụ trách Năng lượng Hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, trong bài thuyết trình ngày 17/5/2013, đã nhấn mạnh: Thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật) có tác động lên chính sách điện hạt nhân của nước Mỹ.
Nhưng ông cũng dẫn lời của Tổng thống Obama phát biểu ở Hàn Quốc ngày 26/3/2012. Tại Seoul, TT. Obama vẫn khẳng định vai trò quan trọng của điện hạt nhân: “Khi giá xăng dầu tăng lên và khí hậu ấm nóng lên, năng lượng hạt nhân sẽ chỉ quan trọng hơn mà thôi. Đó là nguyên nhân tại sao ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng tôi đã tái khởi động nền công nghiệp điện hạt nhân như một phần trong chiến lược toàn diện phát triển mọi nguồn năng lượng”.
Chính phủ Obama còn đưa ra chính sách mở rộng xuất khẩu; gọi là “Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia (viết tắt NEI)” với mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Hoa Kỳ vào cuối năm 2014, giúp cho tăng trưởng kinh tế và việc làm. Và Phái đoàn đến Hà Nội (tiếp theo là Bắc Kinh) có nhiệm vụ thúc đẩy một khía cạnh của sáng kiến NEI này, đó là chủ trương “Thương mại Hạt nhân Dân sự” của Bộ Thương mại bằng cách giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc thâm nhập hoặc mở rộng kinh doanh ở các thị trường quốc tế, và tăng cường xuất khẩu của Hoa Kỳ, cụ thể ở Việt Nam và Trung Quốc.
Họ nắm rõ, với mục tiêu xây dựng và đưa vào hoạt động trong những năm 2020-2030 khoảng 14 lò phản ứng, chiếm 10% tổng sản lượng điện; thị trường điện hạt nhân Việt Nam trong thời gian hiện nay ước tính đầu tư khoảng 10 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 50 tỷ USD vào năm 2030. Đối tác Mỹ cho biết sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam về trang thiết bị, vốn, đào tạo để phát triển công nghệ hạt nhân. Ngoài VN, thị trường ngành điện hạt nhân của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên mức 300 tỷ đôla vào năm 2020 cũng là nơi các doanh nghiệp Hoa Kỳ hướng đến.
Quảng bá ĐHN và lò AP 1000
Sau sự cố Fukushima, các viện nghiên cứu và các trường đại học ở Hoa Kỳ được đầu tư và trao nhiệm vụ triển khai các công trình nghiên cứu và triển khai (gọi tắt RD) nhằm mục tiêu cao nhất nâng cao tính an toàn các nhà máy ĐHN.
Chính Tổng thống Obama cũng đề cập cụ thể hơn đến định hướng công nghệ, ngày 2/3/2012, trong bài nói chuyện ở Đại học Ohio: ”Chúng ta có thể xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, nhỏ hơn, an toàn hơn, sạch hơn và rẻ hơn”.
Và TS. Peter Lyon, trong bài phát biểu ở cuộc hội thảo Việt-Mỹ chiều 17/5/2013 ở Hà Nội, đã trình bày chi tiết hơn về định hướng nâng cao tính an toàn của nhà máy ĐHN.
Trước hết, là nâng cao độ an toàn thụ động của bản thân lò phản ứng. Điều này có nghĩa là giảm yêu cầu đối với các thao tác của người vận hành lò phản ứng khi gặp sự cố nhằm tránh những sai sót mới do con người gây ra. Yêu cầu này đã được chú trọng trong những cải tiến đối với các lò phản ứng tiên tiến như AP 1000, ESBWR, SMRs, HTGRs.
Hoặc tiến hành sự đánh giá lại các hiện tượng tự nhiên tiềm tàng, như đánh giá lại tiêu chuẩn đánh giá cảnh báo địa chấn của Hoa Kỳ. Ngoài ra, sử dụng các mô hình tính toán mô phỏng nhằm mô hình hóa tốt hơn các lò phản ứng đang hoạt động để đề phòng, cải tiến và nâng cao độ an toàn của lò.
Lò phản ứng năng lượng AP 1000, một sản phẩm của Tập đoàn Westinghouse (Mỹ) được phái đoàn Thương mại Hoa Kỳ chú ý quảng bá trong chuyến công cán Việt Nam lần này.
Lò AP 1000 không chỉ được giới thiệu trong buối hội thảo ngày 17/5/2013, chính ông Sandy Rupprecht, Phó Chủ tịch Tập đoàn Westinghouse (Hoa Kỳ) trước đó cũng đã trình bày với Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân về công nghệ lò này, được giới thiệu như là lò phản ứng điện hạt nhân thế hệ 3 + với độ an toàn rất cao, đã được áp dụng ở các nước như: Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Lò AP 1000 cũng là một trong 4 loại lò đang được đối tác Nhật giới thiệu với phía Việt Nam cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Các tính năng thiết kế nổi trội của loại lò này được giới thiệu cụ thể. Đó là: Hệ thống an toàn thụ động (Passive Safety System) có khả năng ứng phó sự cố nặng và vận hành một thời gian dài sau khi sự cố đã xảy ra trong lúc chờ được khắc phục. Hệ thống an toàn thụ động của lò gồm các thiết bị làm mát lò bằng nước tản nhiệt theo nguyên tắc đối lưu tự nhiên với sự bố trí các bể chứa nước trên đỉnh nhà lò. Trường hợp khẩn cấp có thể sử dụng đến nước biển để làm mát. Hoặc, các công nghệ sử dụng cho thiết kế AP-1000 đều có tính kiểm chứng cao và hiện nay lò AP 1000 là thiết kế thế hệ III+ duy nhất được cấp phép tại Mỹ.
Một điều tinh tế có thể nhận ra, trong trường hợp lò AP 1000 được chọn cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ với Tập đoàn Westinghouse đã thực sự sớm đặt chân vào thị trường điện hạt nhân của Việt Nam.
Không dừng ở đó, các dự án tiếp theo, xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân thứ 3 và thứ 4 của VN chính là điều mà các nhà công nghệ hạt nhân và Chính phủ Hoa Kỳ đang hướng tới.
Và, dĩ nhiên, các cường quốc hạt nhân khác như Pháp cũng đủ khả năng và sẵn sàng vào cuộc.
- Minh Trần