Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã hoan nghênh một nghị quyết được đệ trình lên quốc hội Mỹ về việc cho phép Washington được giúp nước này trong thời điểm bị nước ngoài gây hấn.


Nghị quyết số 352 kêu gọi “giải pháp hòa bình và hợp tác cho tranh chấp lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông và vùng xung quanh cũng như các khu vực hàng hải khác gần kề lục địa Đông Á”. Ảnh: global-military

Đồng thời với việc kêu gọi sự giải quyết hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, ông Del Rosario cũng thừa nhận rằng, nghị quyết số 352 của Hạ viện Mỹ sẽ phải đi một con đường dài phía trước trong nỗ lực duy trì hòa bình ở một khu vực diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lần giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

31 thành viên Hạ viện Mỹ dẫn đầu là chủ tịch ủy ban đối ngoại và tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương, đã thông qua nghị quyết ủng hộ kêu gọi của Philippines trong cách tiếp cận đa phương, dựa trên nguyên tắc để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Nghị quyết số 352 kêu gọi “giải pháp hòa bình và hợp tác cho tranh chấp lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông và vùng xung quanh cũng như các khu vực hàng hải khác gần kề lục địa Đông Á”.

Nghị quyết còn lên án việc sử dụng vũ lực hay hành động đe dọa để giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong văn bản này có nêu bật một số điểm cụ thể. Ví dụ, một điều khoản nhấn mạnh rằng “vào ngày 23/6/2011, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đã nói sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Del Rosario rằng, chúng tôi kiên quyết và tận tâm ủng hộ việc phòng thủ của Philippines”.

Nghị quyết còn nói tới tuyên bố của ông Del Rosario rằng, Philippines là một nước nhỏ nhưng “đã sẵn sàng làm mọi thứ cần thiết để đứng lên chống bất kỳ hành động gây hấn nào”. Nghị quyết nhắc lại tuyên bố của Mỹ nói sẵn sàng cung cấp khí tài để hiện đại hóa quân đội Philippines.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết do Thượng nghị sĩ Jim Webb giới thiệu phàn nàn về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương cho tranh chấp lãnh thổ hàng hải trong vùng biển này.

Philippines đã cáo buộc Trung Quốc - nước có tranh chấp chủ quyền với bốn quốc gia Đông Á ở Biển Đông - về những động thái gây hấn gần đây để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền với các quần đảo giàu tài nguyên dầu khí trong vùng biển. Trong tháng 3, hai tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí của Bộ Năng lượng Philippines ở Reed Bank. Hai tháng sau đó, hai máy bay của không quân Philippines cũng bị các máy bay chiến đấu lạ quấy nhiễu ở khu vực quần đảo Trường Sa (báo chí Philippines từng đưa tin cho là các máy bay này đến từ Trung Quốc).

Lãnh đạo Philippines, Tổng thống Aquino III vẫn kiên định trong quan điểm của ông rằng, nước ông sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia bao gồm cả những lợi ích hàng hải, sử dụng “hệ thống dựa trên nguyên tắc cho đối thoại hòa bình, bình đẳng và có lợi, hướng tới một giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả”.

Ông khẳng định: “Không ai muốn một cuộc xung đột, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ cho phép một nước lớn hơn lấn lướt chúng ta. Nếu chúng ta để cho mình bị bắt nạt thì có thể thế hệ người Philippines tiếp theo sẽ chen chúc trên một hòn đảo. Nếu chúng ta cho phép mình bị gạt sang bên, thì có thể ngày mai, 7.100 hòn đảo của chúng ta sẽ chỉ còn hai con số”.

Ông Aquino khá kiên quyết khi trao đổi với các nước tuyên bố chủ quyền khác về việc thực hiện một mặt trận thống nhất về vấn đề này, ông nói Philippines sẽ tiếp tục tuân thủ những cam kết quốc tế của mình. Tuy nhiên, ông nói rõ rằng, chính sách đối ngoại của Philippines – kể cả có sự trợ giúp từ hiệp ước đồng minh với Mỹ - vẫn là hướng tới những gì có lợi cho Philippines.

  • Thái An (Theo Inquirer, gulfnews)