Không quân Mỹ vừa hoàn tất một chương trình thử nghiệm kéo dài gần nửa thập kỷ với vụ phóng thành công một máy bay không người lái bay tới tốc độ siêu thanh - nhanh gấp năm lần tốc độ âm thanh.
Đoạn video cho thấy chiếc máy bay của Boeing lao lên trời trước khi phóng đi chiếc X-51A WaveRider có động cơ phản lực tĩnh siêu âm với tốc độ siêu thanh. Clip: Youtube
Thứ Sáu tuần qua, các quan chức Không quân Mỹ thông báo rằng chiếc X-51A WaveRider đã bay suốt hơn 3 phút vào thứ Tư với tốc độ đạt được là Mach 5,1 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh)
Chuyến bay thành công đã đánh dấu một bước ngoặt cho X-51A với công nghệ động cơ phản lực tĩnh siêu âm có khả năng không kích trên khắp thế giới chỉ trong vài phút.
Chiếc máy bay này được thiết kế để đạt tốc độ là Mach 6 (nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh), nhưng Không lực Mỹ vẫn coi chuyến bay hôm tứ Tư tuần qua là thành công, vì ba lần bay thử trước đó đều thất bại hoặc không thể đạt được vận tốc như mong muốn.
Trong một tuyên bố, Darryl Davis - chủ nhiệm của chương trình Boeing Phantom Works đơn vị thiết kế nên WaveRider - cho biết: "Thử nghiệm lần này đã cho thấy công nghệ này đã hoàn thiện đến mức mở ra cánh cửa cho các ứng dụng thực tế".
Chiếc Boeing của Mỹ mang theo thiết bị không người lái X-51A WaveRider và phóng thiết bị này với tốc độ siêu thanh. |
Ông Davis cho biết thêm trong chuyến bay này, chiếc WaveRider bay hơn 230 dặm (370km) chỉ trong 6 phút, đây là một 'thành tựu lịch sử đang phát triển trong suốt nhiều năm".
Trong tương lai gần, động cơ phản lực tĩnh siêu âm sẽ giúp cho các tên lửa hạt nhân tầm thấp bay nhanh hơn và hiệu quả hơn. Về lâu dài, các nhà khoa học cho rằng công nghệ này sẽ giúp cho chuyến bay chở khách từ London đi New York có thể chưa đến một giờ.
"Tôi tin rằng tất cả những gì mà chúng tôi học được từ chiếc X-51A WaveRider sẽ đóng vai trò như là nền tảng cho các nghiên cứu về siêu thanh trong tương lai và sau cùng là ứng dụng thực tế của các chuyến bay nhanh hơn tốc độ âm thanh" - Charlie Brink, quản lý chương trình Nghiên cứu Thí nghiệm Hệ thống Không gian của Không quân Mỹ, cho biết.
Năm ngoái, khi được hỏi tại sao lại cần tới một công nghệ như vậy, các quan chức Không quân Mỹ đã dẫn ra vụ tấn công vào trùm khủng bố Osama bin Laden thất bại hồi năm 1998.
Khi phát hiện ra địa điểm của trùm khủng bố này, tình báo quân sự đã có thể ra lệnh cho các tàu Hải quân bắn tên lửa hạt nhân tầm thấp vào mục tiêu trong vòng 80 phút.
Không quân Mỹ cho biết trên tờ Los Angeles Times hồi năm 2012 rằng với công nghệ này, thời gian đáp trả sẽ rút xuống còn 12 phút.
Lê Thu (theo RT)