Tổng thống Mỹ ra tuyên bố như vậy hôm 13/6 để đáp lại các bước tiến chớp nhoáng của chiến binh Sunni ở Iraq, vốn đang đe dọa chính quyền của Thủ tướng phái Shiite Nuri al-Maliki.

Trong một tuyên bố được phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói, Mỹ "sẽ không phái binh sĩ tái tham chiến ở Iraq" song ông sẽ xem xét các khả năng khác trong những ngày tới, Reuters đưa tin.

{keywords}

Lực lượng an ninh Iraq trong cuộc đụng độ với nhóm ISIS có liên quan tới Al Qaeda (Ảnh: Reuters)

 

"Việc đó sẽ không thể quyết định chỉ sau một đêm", Tổng thống Mỹ cho hay và nói thêm, trừ khi Irq có thể giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ, thì sự giúp đỡ ngắn hạn của Mỹ mới có tác dụng.

Hiện, Mỹ đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc phải hỗ trợ quân sự cho Iraq. Đảng Cộng hòa hiện đổ lỗi cho Tổng thống tạo nên khoảng trống an ninh khi rút quân Mỹ khỏi nước này vào năm 2011.

Theo RT, Quan chức nhân quyền hàng đầu của LHQ đã lên tiếng báo động về những vụ xử tử, cưỡng hiếp, giết người trả đũa và bạo lực nhằm vào dân thường khi lực lượng nổi dậy Iraq đang tiến về Baghdad.

Các thành viên của ISIS "gồm cả các tù nhân được họ thả từ các nhà tù ở Mosul được cung cấp súng, đã rất tích cực tìm kiếm và trong vài trường hợp đã giết những binh sĩ, cảnh sát và những người khác, gồm cả dân thường, những người mà họ cho là có liên quan với chính phủ", Navi Pillay, Cao ủy LHQ về nhân quyền cho hay.

Hiện, có nhiều lo ngại rằng xung đột phe phái và bộ lạc có thể lại phân chia Iraq thành các khu vực của người Shiite, Sunni và Kurd. Bầu không khí tại Baghdad hôm 13/6 vô cùng căng thẳng, đường phố vắng tanh, cư dân bắt đầu tích trữ lương thực và tự vũ trang cho mình

Hoài Linh