- Phó đại diện thương mại Mỹ Demetrios Marantis cho hay Mỹ muốn Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo hướng đáp ứng những "tiêu chuẩn quốc tế", trong sân chơi thương mại khu vực rộng lớn của TPP - Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Có mặt tại Hà Nội từ 21 đến 25/2, phó đại diện thương mại Mỹ đã có các cuộc trao đổi, làm việc mang tính kỹ thuật về đàm phán TPP giữa Mỹ với Việt Nam, đề cập cải cách doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi luật lao động, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các dịch vụ thương mại...
Thương mại công bằng
Cải cách doanh nghiệp nhà nước luôn là một trong những vấn đề trung tâm của đàm phán giữa hai bên mà theo ông Demetrios Marantis, Mỹ muốn có những quy định, tiêu chuẩn mang tính quốc tế đối với thành phần kinh tế quốc doanh này trong khuôn khổ TPP. Trong khi, xuất phát điểm đàm phán, Việt Nam muốn bảo lưu luật chơi của WTO, tức doanh nghiệp nhà nước tuân theo những luật lệ, quy định chung của tổ chức thương mại quốc tế toàn cầu này mà không cần đặt ra thêm những quy định mới trong TPP.
Phó đại diện thương mại Mỹ Demetrios Marantis. Ảnh: VA |
"Điều chúng tôi muốn đạt trong TPP, đó là tạo sân chơi công bằng. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cạnh tranh trên sân chơi công bằng, không thể doanh nghiệp nhà nước được lợi hơn chỉ vì họ là doanh nghiệp nhà nước. Và điều này liên quan đến các cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam" - ông Demetrios Marantis nói với báo giới tại Hà Nội sáng 24/2. Ông khẳng định TPP bao gồm các cam kết giúp Việt Nam cải cách nói chung, đạt tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực khiến cho Việt Nam "trở nên hấp dẫn hơn".
Việt Nam và Mỹ cùng các thành viên đàm phán TPP là Australia, New Zealand, Chile, Peru, Singapore, Brunei, Malaysia đang trong giai đoạn đàm phán nước rút để tiến tới việc ký kết chính thức Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP trong năm nay như ý chí của nguyên thủ cấp cao 9 nước đồng thuận tại hội nghị ở Hololunu - Mỹ năm ngoái.
Xét tổng thể về đàm phán TPP, phó đại diện thương mại Mỹ nói ông lạc quan về lộ trình đàm phán và hy vọng vòng đàm phán tiếp theo tại Melbourne sắp tới sẽ có bước đột phá quan trọng, bất chấp một số khó khăn mới nảy sinh liên quan đến những vấn đề lợi ích thực chất, cốt lõi giữa các bên liên quan.
Ông Demetrios Marantis cũng khẳng định, giữa 9 nước thành viên đàm phán TPP, những vấn đề lợi ích đặt lên bàn đối thoại không phải là "gây ngạc nhiên" lẫn nhau. Với Việt Nam, ông hy vọng Mỹ sẽ dàn xếp ổn thỏa trong đàm phán về những vấn đề lợi ích cốt lõi để đạt được thỏa thuận chấp nhận được cho cả hai bên.
Nếu như Hiệp định Thương mại song phương (BTA) đi vào lịch sử bởi tạo ra kỳ tích thương mại khởi sự từ 400 triệu USD kim ngạch vào năm 1994 lên 21,8 tỷ USD vào năm 2011, thì TPP sẽ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. Ông Demetrios Marantis khẳng định chắc nịch điều này khi cho hay đàm phán TPP đang tiến triển rất nhanh, chuẩn bị kết thúc để đi đến ký kết chính thức.
Song song với đàm phán, 9 nước cũng đang tiến hành tham vấn nội bộ riêng ý tưởng ba nước Nhật Bản, Canada, Mexico ngỏ ý muốn gia nhập TPP. Sau khi TPP chính thức ký kết, việc tiếp nạp 3 nước mới gia nhập đàm phán sẽ khiến TPP trở nên mạnh mẽ với việc thiết lập một vành đai kinh tế, thương mại xuyên vùng Thái Bình Dương.
25 đại diện doanh nghiệp
Hoa Kỳ với những tên tuổi lớn như Omnicom, Medtronic Asia Pacific, Food
Industry Asia... đã có chuyến thăm
và làm việc tại TP.HCM và Hà Nội từ 21-24/2 để tìm hiểu cơ hội hợp tác,
đầu tư trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, truyền thông,
công nghệ thông tin, thực phẩm...
Chuyến đi do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Singapore tổ chức. Đoàn do Đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore David Adelman dẫn đầu đã gặp phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Tài chính, Y tế và Kế hoạch - Đầu tư. Đại sứ Adelman đánh giá các cuộc gặp này hữu ích, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho hai bên. Giám đốc điều hành AmCham Singapore Josie Tulipano cho biết đây chỉ là 25 đại diện cho một số lượng lớn hơn nhiều các doanh nghiệp Mỹ đăng ký tham gia chuyến đi, "minh chứng cho sức hấp dẫn của Việt Nam, một điểm đến cho đầu tư và kinh doanh". Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nhận định: "Khi Việt Nam tiếp tục phát triển, ngày càng có nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ". Ông hy vọng các công ty này sẽ tạo ra nhiều việc làm và thịnh vượng cho cả hai nước. Đại sứ Shear cũng mong kết thúc thành công các cuộc đàm phán TPP để Việt Nam, Mỹ, Singapore cùng sáu quốc gia khác gia nhập một thoả thuận thương mại tự do tiêu chuẩn cao.
|