Hôm nay (3/12), các lực lượng Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận chung, nhằm gia tăng áp lực với Triều Tiên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, Triều Tiên đặt ra “mối đe dọa trực tiếp” với khu vực và mối đe dọa lâu dài với cả thế giới.
Tàu sân bay hạt nhân USS George Washington tiếp tục tập trận với Nhật. Ảnh: Nytimes
Trong tuần này, Hàn Quốc và Mỹ đã có cuộc tập trận hải quân chung kéo dài bốn ngày. Hàn Quốc lần đầu tiên sẽ tham gia cuộc tập trận hôm nay với tư cách quan sát viên khi cả Mỹ, Hàn, Nhật đều nỗ lực kiềm chế Bình Nhưỡng.
Thứ ba tuần trước, Triều Tiên đã bất ngờ nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, làm hai lính thủy đánh bộ và hai dân thường thiệt mạng, khiến quân đội Seoul sau đó đã đáp trả. Căng thẳng hai miền Triều Tiên tăng cao trong khi về lý thuyết, hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn, chứ không phải là hiệp ước hòa bình.
Cuộc diễn tập hôm nay có sự hiện diện của 44.500 quân Mỹ và Nhật ở vùng biển phía đông của đảo Okinawa - nơi có căn cứ quân sự Mỹ.
Khoảng 60 tàu, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS George Washington và 400 máy bay tham gia diễn tập trong 8 ngày.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, Ngoại trưởng Hillary khẳng định: "Triều Tiên đặt ra mối đe dọa trực tiếp với khu vực xung quanh chúng ta, đặc biệt là với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời còn là mối đe dọa trung hạn với Trung Quốc nếu nước này sụp đổ, vì người tị nạn và những sự bất ổn khác. Triều Tiên cũng đặt ra mối đe dọa dài hạn với toàn thế giới, vì chương trình hạt nhân, và vì việc xuất khẩu vũ khí”.
Trong lúc này, Mỹ vẫn tiếp tục thúc giục Trung Quốc gia tăng kiềm chế Triều Tiên. Bắc Kinh đã từ chối lên án Bình Nhưỡng vì vụ tấn công pháo tuần trước, cũng như vụ việc chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc (mà Seoul đổ lỗi cho ngư lôi Triều Tiên).
Hôm thứ tư, người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc cho hay, rất có khả năng Triều Tiên sẽ tấn công Hàn Quốc một lần nữa.
Trung Quốc đã đề xuất cuộc họp khẩn cấp giữa sáu nước - hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Nhưng đề xuất này không nhận được sự tán thành từ Seoul. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Khương Dư, Moscow bày tỏ sự ủng hộ về việc tham vấn khẩn cấp, và Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói trên một cuộc phỏng vấn của CNN rằng, tiếp tục hội đàm là “nằm trong lợi ích của Nga”.
Còn Hàn Quốc một lần nữa trong hôm qua nói rằng, đây không phải là lúc hội đàm.
Các Ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại Washington vào thứ hai tới để thảo luận về Triều Tiên. Trung Quốc không tham gia.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng, cuộc họp sẽ tập trung vào vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong cũng như các tiến bộ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
-
-
Thái An (Theo AP, Reuters)