Loại băng đạn mang tên “Người sắt” sẽ cho phép một tay súng máy xả tới 500 phát đạn cùng lúc mà không cần phải dừng lại để nạp đạn.
"Người sắt" sẽ cho phép binh sĩ Mỹ bắn liên tiếp 500 phát đạn mà không phải dừng lại để nạp đạn. |
Theo LiveScience, ý tưởng về “Người sắt” được các nhà khoa học quân sự Mỹ lấy cảm hứng từ bộ phim “Predator” năm 1987 và đã được thử nghiệm tại một vài đơn vị trong cuộc chiến ở Afghanistan. Ban đầu, Quân đội Mỹ dự định mỗi tốp 2-3 lính sẽ phối hợp bắn và nạp đạn cho súng máy M240. Tuy nhiên, thực tế trên chiến trường Afghanistan đã buộc một số binh sĩ phải tự xoay xở mọi việc một mình. Họ phải nạp lại đạn sau mỗi 50-100 phát bắn, làm tăng nguy cơ kẹt đạn và giảm khả năng bắn yểm trợ cho đồng đội.
“Nhưng với băng đạn Người sắt, một khẩu súng máy duy nhất sẽ có thể bắn tới 500 phát đạn liên tiếp”, Sam Newland, trưởng nhóm Phản ứng nhanh tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Quân sự Mỹ cho biết. “Các tay súng độc lập sẽ có thể tác chiến và thực hiện sứ mệnh của mình hiệu quả hơn rất nhiều”.
Ít ai biết là ý tưởng này xuất phát đầu tiên từ một đơn vị Bảo vệ Quốc gia ở bang Iowa. Một binh sĩ có tên Vincent Winkowski đã quyết định ráp nối hai băng đạn tự chế dựa trên mô hình băng đạn đeo trên người của nam diễn viên Jesse Ventura trong bộ phim “”Predator”. Thiết bị này được đưa vào bắn thử lần đầu vào ngày 26/2/2011.
“Ban đầu nó chỉ là một thiết bị tự chế, bởi binh sĩ trên chiến trường cần phải linh động thay đổi vũ khí khi cần”, ông Newland giải thích.
Tuy nhiên, khi ý tưởng đến tay Trung tâm nghiên cứu, chúng đã được hoàn thiện và chuyển hóa thành vũ khí chính thức của quân đội. Các chuyên gia đã thay thế hộp sắt đựng đạn trong thiết kế tự chế bằng chất liệu nhựa polycarbonate nhẹ hơn, ít tốn kém hơn. Họ cũng đã tiến hành hai kỳ sát hạch bắn thử trước khi phát đi 21 băng đạn “Người sắt” tại Afghanistan.
Tuy nhiên, phía quân đội Mỹ vẫn chưa tiết lộ khi nào thì thiết bị này sẽ chính thức được phê chuẩn. Mặc dù vậy, tin tức vẫn lan truyền đi rất nhanh trong các binh đoàn và binh sĩ Mỹ đã bầu chọn đây là một trong những phát minh xuất sắc nhất của Quân đội trong năm 2011.
Y Lam