Các dự án nhà máy hạt nhân đã được cấp phép và đang chờ cấp phép ở Hoa Kỳ báo hiệu sự phục hưng của năng lượng hạt nhân tại quốc gia này. Ảnh: Constructiondigital. |
Mặc dù quyết định này báo hiệu bình minh mới của năng lượng hạt nhân của quốc gia này tuy nhiên sự phục hưng mạnh mẽ nhất của ngành này dường như sẽ thuộc về các quốc gia đang phát triển, tờ Newscientist bình luận.
Ngành công nghiệp hạt nhân đang trên đà phục hưng vài năm trở lại đây, trước khi có thoái trào lớn gây ra bởi thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật năm vừa qua. Hậu quả là, Nhật Bản đã đóng cửa gần hết nhà máy hạt nhân để kiểm tra an toàn, Đức công bố từ bỏ chương trình điện hạt nhân và những nước khác đã đánh giá lại các dự án của mình.
Tuy nhiên, hiện tình hình có vẻ đang thay đổi khi ngày 9/2 vừa qua, Ủy Ban Quản lý hạt nhân Hoa Kỳ đã cấp phép cho công ty Southern Company, một công ty năng lượng có trụ sở ở Atlanta, bang Georgia, xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới ở nhà máy Vogtle của họ.
Đã ba mươi năm trôi qua trong khi Mỹ không xây thêm bất cứ nhà máy hạt nhân nào kể từ vụ tai nạn hạt nhân Three Mile Island ở bang Pennylvania năm 1979.
Tiếp nối dự án nhà máy hạt nhân Georgia này là dự án xây dựng hai lò hạt nhân khác do một công ty khác sẽ xây dựng ở Jenkinsville, đang chờ cấp phép. Một công ty nữa của Mỹ có tên The Florida Power and Light Company cũng tỏ ý muốn xây dựng hai lò hạt nhân mới.
Để tránh sự cố như ở Fukushima, các lò phản ứng hạt nhân Georgia và những lò đang chờ xây khác sẽ sử dụng một mẫu lò mới có tên AP1000, do tập đoàn năng lượng Westinghouse, Hoa Kỳ xây dựng. Cụ thể, thảm họa 2011 ở Fukushima là do sóng thần đã tràn vào làm hỏng các động cơ chạy các ống làm mát, khiến các lò phản ứng trở nên quá nóng. Ngược lại, các lò AP1000 được lắp các hệ thống an toàn thụ động mà không cần chạy điện – ví dụ, một thùng nước trên mái có thể giữ mát lò trong vòng 72 tiếng.
Theo Giáo sư ngành Công nghệ Nhiên liệu Hạt nhân, Tim Abram thuộc Đại học Manchester, Anh, quyết định mới này của Hoa Kỳ báo hiệu năng lượng hạt nhân đã phục hưng trở lại, mặc dù ở nhịp độ chậm hơn so với mong đợi.
Ông khẳng định sự phục hưng năng lượng hạt nhân đích thực sẽ thuộc về các nền kinh tế đang lên chứ không phải Hoa Kỳ hay châu Âu. “Họ sẽ xây hàng loạt các nhà máy mới át chế hẳn mọi nhà máy hiện có ở Anh Quốc”. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đặt hàng các lò phản ứng hạt nhân loại AP1000, số lượng 2 cặp. Ấn độ nổi lên dẫn đầu, với 6 lò đang được xây dựng theo một mẫu lò được thiết kế dựa trên mẫu lò AP1000.
Ông Abram cũng tỏ ý nghi ngờ Nhật Bản cuối cùng sẽ xây lò hạt nhân mới, dù chính phủ Nhật đã công bố sẽ không xây hồi năm ngoái. Bởi quốc gia này hầu như không có tài nguyên năng lượng riêng mình, và đã buộc phải tăng đáng kể nhập khẩu dầu và ga trong vòng vài tháng qua trong khi các lò hạt nhân của họ bị bỏ không.
Đinh Đồng