Hãng tin Nhật Bản Kyodo dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6/5 cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa khả năng quân sự của mình và tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước "có thể sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối thập niên này".
Tàu sân bay Liêu Ninh |
Trong báo cáo thường niên trình quốc hội mang tựa đề "Các diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2013", Lầu Năm Góc nêu rõ:
"Trung Quốc có thể chế tạo nhiều tàu sân bay trong thập niên tới.... Tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, sẽ tiếp tục kết hợp thử nghiệm và huấn luyện với máy bay trong vài năm nữa, song dự kiến tàu này sẽ không bắt đầu vận hành phi đội của hàng không mẫu hạm cho đến năm 2015 hoặc muộn hơn".
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng dù Trung Quốc đã đưa vào phiên chế tàu Liêu Ninh từ tháng 9/2012 và tiến hành thao tác cất hạ cánh thành công máy bay chiến đấu J-15 trên tàu này, nhưng đây chỉ là "tàu tân trang từ chiếc tàu sân bay cũ mua của Ukraine năm 1988".
Tháng 3, Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng ở mức gần 11%, đạt khoảng 114 tỉ USD trong năm nay.
Báo cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra trong bối cảnh Washington thúc đẩy chiến lược trục xoay hướng về châu Á - Thái Bình Dương, gia tăng các tài sản quân sự Mỹ về khu vực này.
Trong số các tiến triển đáng kể của quân đội Trung Quốc được chỉ ra, Lầu Năm Góc nhấn mạnh, Trung Quốc có "một số lượng giới hạn nhưng ngày càng gia tăng các tên lửa đạng đạo tầm trung". Theo báo cáo, hệ thống tên lửa hiện đại mà Trung Quốc đang phát triển có DF-21D - tên lửa chống hạm có tầm bắn khoảng 1.500km, tấn công mục tiêu là "các tàu lớn, kể cả tàu sân bay ở tây Thái Bình Dương".
Ngoài ra, báo cáo còn chỉ ra sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh liên quan đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Trong đánh giá tổng thể, báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh công tác hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc ngày càng tập trung vào các đầu tư vào khả năng quân sự để tiến hành nhiều nhiệm vụ hơn, mặc dù việc chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan dường như vẫn là tiêu điểm và động lực chính cho sự đầu tư vào quân đội của Trung Quốc Đại lục.
Thái An - Theo Vietnam+