Gần đây, khi cuộc chiến tiền tệ với những cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng NDT từ phía Mỹ lắng xuống thì hàng loạt các vấn đề khác như gián điệp thương mại, vấn đề kinh tế ảnh hưởng tới an ninh quốc gia lại nổi lên. Ngoài vấn đề thương mại, liệu những vụ việc này còn mang một tín hiệu nào khác khi bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định.



Gián điệp thương mại nổi lên

Một loạt các vụ việc căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới liên tục bùng phát trong tháng 10 mà một động thái mới nhất là ngày 10/10/2012, Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin mặt trời của Trung Quốc.

Theo đó, Mỹ có thể đánh thuế từ 30-250% đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, trước mắt là nhắm vào hai người khổng lồ của Trung Quốc là Suntech Power và Trina Solar. Trung Quốc đang sở hữu khoảng 60 công ty sản xuất pin mặt trời lớn, trong đó có Suntech Power là tập đoàn lớn thứ hai thế giới trong lĩnh vực này, chỉ sau First Solar của Mỹ. Tuy nhiên, đây chưa phải là quyết định cuối cùng. Dẫu vậy, nó cũng làm dấy lên nguy cơ về cuộc chiến thương mại mới giữa hai cường quốc kinh tế.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối và cho rằng Mỹ cố tình gây cọ xát thương mại, đi ngược với xu thế của thế giới về ứng phó với biến đổi khí hậu và thách thức về an ninh năng lượng.

Trước đó 10 ngày, một công ty tư nhân của Trung Quốc là Ralls Corp đã khởi kiện Tổng thống Obama vì đã “hành động một cách vô luật pháp và không có thẩm quyền” sau khi ông quyết định phong tỏa một dự án điện gió của công ty này do lo ngại về vấn đề an ninh.

Đây là vụ đầu tư nước ngoài đầu tiên bị ngăn cản ở Mỹ trong vòng 22 năm trở lại đây. Quyết định này được đưa ra sau đề xuất hồi tháng 9 của một ủy ban của Mỹ chuyên theo dõi các hậu quả về an ninh quốc gia của các dự án đầu tư nước ngoài.


Quyết định này của Tổng thống Obama đã buộc Ralls Corp phải từ bỏ phần hùn trong các dự án nằm gần khu vực bị hạn chế tiếp cận thuộc quyền sử dụng của cơ sở huấn luyện hệ thống vũ khí hải quân Mỹ ở bang Oregon. Phía Mỹ nói rằng “có bằng chứng đáng tin cậy để tin rằng Ralls Corp có thể có những hành vi làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ”, rằng Ralls Corp chỉ là bình phong của Sany Group, một công ty có quan hệ rộng rãi với giới quân sự tại Bắc Kinh.

Cũng trong ngày 1/10, theo các nguồn tin tình báo và quân sự Mỹ, hacker có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống của Văn phòng Quân sự Nhà Trắng phụ trách kiểm soát vũ khí hạt nhân. Các vụ tấn công được cho là đã được tiến hành từ hồi tháng 9, đây được xem là một trong những vụ tấn công mạng liều lĩnh nhất nhằm vào nước Mỹ, đồng thời làm bật lên sự thất bại của chính quyền Obama trong cuộc chiến chống lại các vụ tấn công mạng liên tiếp từ phía Trung Quốc.

Tiếp đó, ngày 7/10, dự thảo báo cáo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ tiết lộ hai công ty Hoa Vi (Huawei) và Trung Hưng Thông tấn (ZTE) hoạt động “hoạt động không độc lập với chính phủ Trung Quốc và rất có thể sẽ thi hành lệnh làm gián điệp kinh tế lẫn quân sự cho Bắc Kinh”. Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc thông qua việc tấn công mạng chính phủ và công ty Mỹ nhằm đánh cắp thông tin tình báo và bản quyền thương mại. Hai công ty kể trên có mối liên hệ mật thiết với giới quân sự và được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và hỗ trợ về nhiều mặt.

Phía Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối và cho rằng, báo cáo của Ủy ban Tình báo Mỹ thiếu căn cứ và không đưa ra được bằng chứng nào chứng tỏ các sản phẩm của Hoa Vi và ZTE mang mục đích gián điệp. Người phát ngôn của Hoa Vi, William Plummer cũng lên tiếng đe dọa các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài có thể sẽ bị đối phương trả đũa bằng biện pháp tương tự.

Hoa Vi hiện là tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, có sản phẩm được sử dụng trên 150 quốc gia và tới 2/3 trong 32.4 tỷ USD doanh thu hàng năm của tập đoàn đến từ các hoạt động kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Sự việc đã đẩy quan hệ thương mại Mỹ-Trung trước những cơn sóng gió mới. Còn nhớ, trước đây chưa đầy 1 tháng, Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ USTR đã có đơn khiếu nại lên WTO cáo buộc Trung Quốc trợ giá cho ngành ô tô và phụ tùng thay thế trong nước, gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.

Điều gì xảy ra nếu M.Romney đắc cử?

Các vụ việc được tung ra vào lúc TTh Obama đang phải chịu sức ép ngày càng tăng từ đối thủ Mitt Romney, ứng cử viên của Đảng Công hòa, người từ đầu chiến dịch tranh cử luôn cáo buộc Nhà Trắng đã quá nhu nhược đối với các tập tục thương mại của Bắc Kinh. Ông Romney tuyên bố nếu được bầu làm Tổng thống, ông sẽ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.

Trong một tuyên bố mới nhất trong chiến dịch tranh cử trước vòng tranh luận về các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại, ông Romney hứa sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc nhằm giúp những người lao động Mỹ, đánh thuế vào hàng hóa giá rẻ của nước này đang làm thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ. Như vậy nếu ông Romney đắc cử, quan hệ thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió, thậm chí là kích nổ cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc.

Trong khi đó, theo báo chí Trung Quốc, Mỹ đang trong giai đoạn bầu cử, do đó, nước này đang lợi dụng vấn đề Trung Quốc làm công cụ để hai đảng cạnh tranh với nhau và cho rằng các cáo buộc gần đây của chính phủ Mỹ đã gây trở ngại cho hợp tác thương mại giữa hai nước. Chuyên gia về WTO của Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế Bắc Kinh Tu Xinquan cho rằng đây là những vấn đề mang màu sắc chính trị hơn là thương mại. Cả hai chính phủ đang phải chịu những áp lực từ trong nước, khi cả Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn nước rút của cho chiến dịch tranh cử tổng thống và chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

A Vũ (Tổng hợp)