Học sinh làm salad từ rau được trồng trong vườn trường. |
Tuy nhiên, những công cụ giảng dạy của ngôi trường này lại không hề có bất cứ thứ gì liên quan đến công nghệ cao: bút và giấy, kim đan và đôi khi là bùn. Máy vi tính, màn hình – những thứ này hoàn toàn không được tìm thấy ở đây. Chúng không được phép có mặt trong các phòng học. Thậm chí, trường này còn không đồng tình với việc sử dụng công nghệ cao ở nhà.
Các trường học trên khắp nước Mỹ đều đua nhau trang bị máy vi tính cho phòng học, và các nhà hoạch định chính sách thì cho rằng thật ngu ngốc nếu làm khác. Tuy vậy, quan điểm trái ngược này lại được tìm thấy ở trung tâm của nền kinh tế công nghệ cao – nơi mà một số phụ huynh và các nhà giáo dục đều có một thông điệp: Máy vi tính và trường học không liên quan gì đến nhau.
Đó là thông điệp khác thường của Trường Tiểu học Waldorf ở Los Altos thuộc bán đảo San Francisco – một trong 16 trường Waldorf trên khắp nước Mỹ với triết lý giảng dạy tập trung vào các hoạt động thể chất và học tập thông qua những bài tập sáng tạo và phải làm bằng tay. Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng máy vi tính làm hạn chế tư duy sáng tạo, sự chuyển động, tương tác.
Phương pháp Waldorf đã được gần 100 tuổi, nhưng chỗ đứng của nó trong giới công nghệ đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nóng về vai trò của máy vi tính trong giáo dục.
“Về cơ bản, tôi bác bỏ khái niệm bạn cần sự hỗ trợ của công nghệ trong các trường tiểu học” – ông Alan Eagle, 50 tuổi, có con gái Andie hiện đang là một trong 196 học sinh của trường tiểu học Waldorf cho hay. Cậu con trai William của ông 13 tuổi và hiện đang học một trường trung học gần đó. “Cái ý tưởng có một ứng dụng trên iPad có thể dạy bọn trẻ đọc tốt hơn hay làm tính tốt hơn thật là vô lý”.
Ông Eagle có biết chút ít về công nghệ. Ông có bằng khoa học máy tính của trường Dartmouth và hiện đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông điều hành tại Google – nơi ông viết các bài phát biểu cho chủ tịch Eric E.Schimidt. Ông đang sử dụng một chiếc iPad và một chiếc điện thoại thông minh. Nhưng ông cho biết cô con gái, hiện đang học lớp 5 “không biết cách sử dụng Google”, còn cậu con trai mới chỉ đang học.
Ba phần tư học sinh trong trường này có bố mẹ hiện đang làm những công việc liên quan tới công nghệ cao. Ông Eagle cũng giống như các bậc phụ huynh khác không thấy có sự mâu thuẫn gì ở đây. Ông cho rằng công nghệ có thời gian và địa điểm của nó: “Nếu tôi làm việc ở Miramax và làm ra những bộ phim hay, nghệ thuật và được phân loại R (không dành cho người dưới 17 tuổi) thì tôi sẽ không muốn cho con cái tôi xem chúng cho tới khi chúng đủ tuổi”.
Trường Waldorf ở Los Altos, California. Bryn Perry đọc sách trên bàn |
Trong khi các trường học khác trong khu vực khoe khoang về những phòng học công nghệ cao của mình thì trường Waldorf lại vô cùng đơn giản với bảng đen, phấn màu, giá sách đầy những bách khoa toàn thư, bàn gỗ đầy những cuốn bài tập và bút chì loại 2.
Vào hôm thứ Ba gần đây, Andie Eagle và các bạn cùng lớp cô bé đã làm mới kĩ năng đan len của mình bằng cách đan chéo những cây kim gỗ xung quanh cuộn len. Đó là một hoạt động mà trường này cho rằng sẽ giúp phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng toán học và cách phối hợp. Mục tiêu lâu dài là đan được một đôi tất.
Ở phòng học lớp 2, học sinh đứng trong một vòng tròn để học kĩ năng ngôn ngữ bằng cách nhắc lại những câu thơ theo cô giáo, vừa đọc thơ vừa chơi bắt túi đậu. Đây là một bài tập nhằm mục đích đồng bộ hóa cơ thể và não.
Giáo viên của Andie, cô Cathy Waheed từng là một cựu kĩ sư máy vi tính. Năm ngoái, cô đã dạy phân số bằng cách cho học sinh cắt những đồ ăn như táo, bánh quesadillas, bánh ngọt thành 4 phần, 2 phần và 16 phần.
“Trong 3 tuần, chúng tôi ăn dụng cụ của mình thông qua các phân số. Khi tôi cắt đủ bánh cho tất cả mọi người, bạn có nghĩ rằng tôi đã thu hút được sự chú ý của bọn trẻ không?” – cô Cathy chia sẻ.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng việc đẩy mạnh trang bị máy vi tính cho các phòng học là không có cơ sở vì rõ ràng là nó không mang lại điểm số cao hơn hay bất kì thành tích nào khác.
Học thông qua chia bánh và đan len có tốt hơn chút nào không? Thật khó để so sánh, một phần là vì họ là trường tư thục, họ không quản lý các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa ở bậc tiểu học. Và họ sẽ là những người đầu tiên thừa nhận rằng những học sinh của họ sẽ không đạt điểm cao trong những bài kiểm tra như vậy vì họ không rèn cho chúng theo một chương trình tiêu chuẩn hóa.
Khi được hỏi về những bằng chứng cho thấy hiệu quả của loạt trường Waldorf, Hiệp hội Các trường Waldorf của Bắc Mỹ đưa ra nghiên cứu của một nhóm liên quan cho thấy 94% học sinh tốt nghiệp từ các trường phổ thông Waldorf ở Mỹ từ năm 1994 tới 2004 có học lên đại học, trong đó có nhiều người theo học những trường danh tiếng như Oberlin, Berkeley và Vassar.
Tất nhiên, con số này có thể không gây ngạc nhiên vì đây là những học sinh tới từ các gia đình có nền tảng giáo dục cao, đủ để tìm được một trường học tư nhân có chọn lọc và thường đủ khả năng để chi trả cho việc học đại học. Thật khó khăn để tách ảnh hưởng của các phương pháp giảng dạy công nghệ thấp với các yếu tố khác. Ví dụ như cha mẹ của những học sinh ở trường Waldorf thuộc Los Altos nói rằng trường này đã thu hút được các giáo viên giỏi – những người phải trải qua đào tạo mở rộng trong phương pháp Waldorf.
Học sinh Waldorf còn được học cách đan len |
Không có bằng chứng rõ ràng, cuộc tranh luận lại dẫn tới những ý kiến chủ quan, sự lựa chọn của cha mẹ và sự khác biệt quan điểm trong một thế giới đơn độc: sự gắn bó. Những người ủng hộ việc cung cấp công nghệ cho trường học nói rằng máy vi tính có thể thu hút sự chú ý của học sinh và thực tế là những người trẻ bị tách biệt khỏi các thiết bị điện tử sẽ không thích nghi được mà không có chúng.
Bà Ann Flynn, giám đốc công nghệ giáo dục của Hiệp hội Hội đồng Trường học quốc gia – cơ quan đại diện cho các hội đồng nhà trường trên cả nước – cho rằng máy vi tính là cần thiết. “Nếu những trường học có quyền sử dụng và đủ khả năng kinh tế trang bị các công cụ này mà lại không sử dụng chúng nghĩa là họ đang lừa những đứa trẻ của chúng ta” – bà Flynn cho hay.
Ông Paul Thomas - một cựu giáo viên, trợ lý giáo sư về giáo dục của ĐH Furman, người đã viết 12 cuốn sách về phương pháp giáo dục công cộng –không đồng tình với ý kiến trên. Ông cho rằng rằng “một phương pháp công nghệ dự phòng trong phòng học sẽ luôn luôn mang lại lợi ích trong học tập”.
“Giảng dạy là một kinh nghiệm mang tính con người. Công nghệ là cái làm xao nhãng sự tập trung khi chúng ta cần biết đọc, biết viết, làm toán và tư duy phản biện” – ông nói.
Và các bậc phụ huynh Waldorf cho rằng sự gắn bó thực sự phụ thuộc vào những giáo viên giỏi với những giáo án thú vị.
“Gắn bó là liên hệ mang tính con người, gắn bó với giáo viên, gắn bó với bạn bè cùng lứa” – ông Pierre Laurent, 50 tuổi, người từng làm việc tại Intel và Microsoft cho hay. Ông có 3 con học tại các trường Waldorf.
Và ở nơi mà những người ủng hộ việc trang bị công nghệ trong phòng học cho rằng trẻ cần sử dụng máy vi tính để cạnh tranh trong thế giới hiện đại, thì các bậc phụ huynh Waldorf lại cho rằng học cách sử dụng công nghệ rất dễ.
“Nó cực dễ. Nó giống như học cách sử dụng kem đánh răng” – ông Eagle nói. “Tại Google và tất cả những nơi khác, chúng tôi làm cho công nghệ dễ sử dụng nhất có thể. Không có lý do gì bọn trẻ lại không thể hiểu được khi chúng lớn hơn”.
California có 40 trường Waldorf, có thể là vì phong trào này đang phát triển ở đây – bà Lucy Wurtz cho hay. Bà đã cùng với chồng là ông Brad giúp thành lập trường phổ thông Waldorf ở Los Altos vào năm 2007. Ông Wurtz hiện là giám đốc điều hành của Power Assure – nơi đã giúp các trung tâm dữ liệu máy vi tính giảm tải năng lượng.
Để có được những trải nghiệm Waldorf không hề rẻ. Học phí hàng năm ở các trường Silicon Valley này là 17.750 USD cho trẻ mẫu giáo tới học sinh lớp 8 và 24.400 USD cho học sinh phổ thông, mặc dù bà Wurtz cho biết có sự hỗ trợ tài chính. Bà nói rằng vợ chồng bà – những bậc phụ huynh Waldorf điển hình - có xu hướng tự do và được giáo dục cao với những quan điểm mạnh mẽ về giáo dục. Họ cũng biết rằng khi nào thì họ sẵn sàng dạy con cái về công nghệ.
Trong khi đó, các học sinh nói rằng chúng không hoàn toàn khát khao được sử dụng công nghệ, cũng không hoàn toàn dửng dưng với chúng. Bé Andie Eagle và các bạn học lớp 5 của cô bé cho biết thỉnh thoảng chúng có xem phim. Một bé gái có bố là kĩ sư của Apple nói rằng đôi khi ông nhờ cô bé kiểm tra các trò chơi mà ông đang gỡ lỗi. Một cậu bé khác thì chơi với những chương trình mô phỏng chuyến bay vào cuối tuần.
Những đứa trẻ này nói rằng chúng sẽ rất thất vọng khi bố mẹ và người thân chỉ quanh quẩn với chiếc điện thoại và các thiết bị khác. Aurad Kamkar, 11 tuổi cho biết mới đây cậu tới thăm các anh em họ và thấy mình ngồi giữa 5 người đang mải mê với những thiết bị của họ và không hề quan tâm tới cậu hay quan tâm tới nhau. Sau đó, cậu đã vẫy tay về phía họ và nói: “Xin chào mọi người! Em ở đây cơ mà!”
Finn Heilig, 10 tuổi, có bố đang làm việc cho Google thì nói rằng cậu thích học tập với bút và giấy hơn là với một chiếc máy vi tính vì cậu có thể theo dõi được sự tiến bộ của mình trong một năm.
“Bạn có thể xem lại và thấy hồi lớp 1 chữ bạn cẩu thả đến mức nào. Bạn không thể làm điều đó với những chiếc máy vi tính vì tất cả các con chữ đều giống nhau. Ngoài ra, nếu bạn học viết trên giấy, bạn vẫn có thể viết được khi máy vi tính bị dính nước hay khi mất điện”.
- Nguyễn Thảo (Theo New York Times)