- Kể từ 0h ngày 1/1/2013, các trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ theo quy định của Bộ Tài chính. Người dân sẽ phải nộp phí bảo trì đường theo Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ của Chính phủ và thông tư 197 của Bộ Tài chính.
Liên quan đến việc xử lý sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ, để thực hiện Nghị định của Chính phủ về phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đề xuất xoá bỏ các trạm thu phí đang thu nộp ngân sách nhà nước, tiếp tục thu một số trạm để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn điều lệ cho Cửu Long CIPM; các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, trạm chuyển giao quyền thu phí và trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn đến hết thời hạn hợp đồng sẽ xoá.
Được biết, Bộ GTVT đã lên danh sách các trạm thu phí đường bộ sẽ phải xóa bỏ sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động.
"Nếu đến thời điểm thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực mà danh sách vẫn chưa được thông qua thì Bộ GTVT sẽ yêu cầu ngừng thu phí tại các trạm thu phí Nhà nước, quyết không để xảy ra tình trạng phí chồng phí”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Ô tô, xe máy sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/1/2013. |
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện công tác quản ý, bảo trì hệ thống quốc lộ” với mục tiêu chuyển đổi phương thức thực hiện công tác duy tu, quản lý, bảo trì đường theo định hướng xã hội hoá, thông qua đấu thầu cạnh tranh minh bạch và đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích.
Đây được xem là những bước đột phá đối với công
tác quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống
đường bộ quốc gia trong thời gian tới.
Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu
được, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý
và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Bộ GTVT khẳng định, tiến độ xây dựng và ban hành
Thông tư này không ảnh hưởng tới việc thu phí phục vụ Quỹ Bảo trì đường bộ từ
ngày 01/01/2013.
Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ
moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn
máy; người nộp phí là chủ sở hữu hoặc người sử dụng phương tiện.
Đối với xe ô tô đăng ký trong nước, giao các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đối với xe ô tô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam, giao các Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở Giao thông vận tải thu khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh.
Đối với xe mô tô, giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể để Ủy ban nhân dân cấp xã, phường thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe máy.
Các trường hợp mô tô, xe máy phát sinh trước ngày 01-01-2013 thì tháng 01/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng…
Đối với các chủ xe ô tô đang lưu hành thì thì chậm nhất đến ngày 30/6/2013 phải đến Trạm Đăng kiểm nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.
Hiện nay trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc có tổng số 57 trạm thu phí. Theo phân loại của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại thời điểm này có 12 trạm nộp ngân sách, 5 trạm trả nợ vay (theo Văn bản 3170/KTN ngày 25/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ), 5 trạm đang bán quyền thu phí, 29 trạm thu hoàn vốn dự án BOT, 4 trạm thu hỗ trợ vốn dự án BOT, 1 trạm thu để hình thành vốn điều lệ cho CIPM Cửu Long, 1 trạm thu hoàn vốn đường cao tốc. |