Chiều 29/11, Thanh tra tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo, năm 2024, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành 78 cuộc thanh tra hành chính tại 153 đơn vị và 557 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 5.320 tổ chức, cá nhân.
Đánh giá về kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thanh tra các cấp, ngành đã chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc thanh tra theo kế hoạch và các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Nội dung các cuộc thanh tra triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; phát hiện, kiến nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật.
Trên cơ sở kế hoạch đã được UBND các cấp ban hành và phê duyệt, thanh tra các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được đẩy mạnh và kết quả đạt được có nhiều chuyển biến tích cực, trong kỳ đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 39,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có chuyển biến tích cực, số kỳ tiếp công dân của người đứng đầu tăng so với năm 2023. Thanh tra tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, với định hướng là địa phương phát triển năng động về kinh tế, nhiều vấn đề lớn phát sinh đã và đang đặt ra những trọng trách cho ngành thanh tra.
Do đó, yêu cầu hoạt động của các cơ quan thanh tra trong năm 2025 cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; đạt trên 90% việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Đặc biệt, ngành thanh tra cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với trọng tâm là triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa; hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát; phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương; các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, phương pháp làm việc cho cán bộ, công chức ngành thanh tra.
UBND tỉnh cũng yêu cầu, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin theo đúng quy định, đảm bảo chính xác, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm định kỳ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn để kịp thời chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngô Huyền