Nỗ lực tiên phong trong công tác quản trị rủi ro
Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro uy tín được áp dụng rộng rãi trên quốc tế và đang được hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng tới, thông qua việc nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản theo yêu cầu của chuẩn mực, giúp ngân hàng trang bị khả năng chống đỡ tốt hơn trước những căng thẳng thanh khoản đồng thời tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng bền vững có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.
Theo đó, đối với cấu phần vốn, chuẩn mực Basel III đòi hỏi các ngân hàng phải đáp ứng đồng thời cả tỷ lệ an toàn vốn và các cấu phần vốn lõi cùng các cấu phần vốn đệm dự phòng nhằm đảm bảo dự phòng vốn an toàn hoạt động. Ngoài ra, Basel III còn đưa ra bộ các chỉ số quản lý rủi ro thanh khoản bao gồm: tỷ lệ dự trữ thanh khoản - LCR, tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng – NSFR và tỷ lệ đòn bẩy - LR để tăng sức chịu đựng thanh khoản của ngân hàng trước những kịch bản căng thẳng.
Chuẩn mực yêu cầu cao về vốn và chú trọng quản trị rủi ro thanh khoản như trên nhằm đảm bảo ngân hàng có đủ tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, duy trì một cấu trúc vốn bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn vốn tài trợ bán buôn ngắn hạn đối với tất cả các khoản mục tài sản nội và ngoại bảng và hạn chế rủi ro của việc tỷ lệ đòn bẩy cao. Nhờ vậy, các nguồn tài trợ vốn thường xuyên của ngân hàng sẽ được duy trì ổn định hơn, giảm nguy cơ vị thế thanh khoản bị xói mòn và ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động ngân hàng.
Sau gần 8 tháng triển khai, Nam A Bank chính thức hoàn thành đưa vào triển khai các phương pháp luận, công cụ tính toán và quy trình vận hành đối với các cấu phần về vốn và các chỉ số quản lý an toàn thanh khoản theo chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III.
Trước đó vào cuối năm 2019, Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt cho phép áp dụng trước hạn theo chuẩn mực Basel II (trụ cột I và III) theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, hoàn thành đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN (trụ cột II của Basel III) trong năm 2020.
Hướng tới chuẩn mực tài chính quốc tế toàn diện
Bên cạnh việc triển khai và áp dụng Basel III, Nam A Bank còn triển khai chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) nhằm tăng cường tính minh bạch về tài chính và nâng cao hiệu quả, an toàn trong hoạt động tiến tới các chuẩn mực tài chính quốc tế toàn diện.
Đại diện Nam A Bank cho biết: “Hoàn thành các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel III là một trong những nỗ lực lớn của tập thể cán bộ nhân viên Nam A Bank nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng. Với Nam A Bank, triển khai và tuân thủ chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế là trách nhiệm và vinh dự của toàn hệ thống ngân hàng khi luôn tiên phong triển khai, áp dụng các chuẩn mực tiên tiến nhằm duy trì và bảo đảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và cổ đông”.
Nam A Bank cam kết xây dựng hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững nhằm mang lại sự tin cậy cho khách hàng và góp phần vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tiếp sau hoạt động này, Nam A Bank sẽ tiếp tục triển khai các chuẩn mực quản trị tiên tiến theo thông lệ quốc tế, nhằm hội nhập sâu rộng vào thị trường vốn quốc tế.
Theo đại diện ngân hàng, sau những nỗ lực trong hoạt động quản trị rủi ro, Nam A Bank liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng quản trị rủi ro xuất sắc Việt Nam” (năm 2021, 2022); Ngân hàng kiến tạo số tốt nhất Việt Nam 2022; Ngân hàng đẹp - Dịch vụ tốt nhất Việt Nam 2022; Ngân hàng có trách nhiệm xã hội tốt nhất Việt Nam 2022 do Tạp chí International Business Magazine (IBM) bình chọn; “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” do HR Asia - Tạp chí Nhân sự cấp cao hàng đầu châu Á vinh danh và là Ngân hàng đầu tiên nhận chứng chỉ ISO 31000:2018 từ TQCSI Việt Nam về quản trị rủi ro đối với các sản phẩm tín dụng xanh. |
Vĩnh Phú