Trái ngọt sau 12 năm xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích tự nhiên 1.668km2, dân số gần 2 triệu người với 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn. 

Nam Định cũng là một trong những tỉnh được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề với nhiều làng nghề truyền thống, có sản phẩm đa dạng và tinh xảo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đó là nền tảng, là điều kiện thuận lợi để Nam Định đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà nghị quyết đại hội đảng đã đề ra qua các nhiệm kỳ.

Đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 209/209 xã, thị trấn (đạt 100%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo đó, tỉnh Nam Định đã hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trước 1,5 năm với 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM; là một trong hai tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Trong 2 năm (2021-2022), xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 182 xã, thị trấn (bằng 89% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí của tỉnh (vượt chỉ tiêu xã NTM nâng cao theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh); xã Giao Phong (Giao Thuỷ) là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 22 xã đang tập trung hoàn thành tiêu chí và hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào đầu năm 2023; có trên 570 thôn, xóm (sau sắp xếp, sáp nhập) được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đi đầu trong phong trào của tỉnh là huyện Hải Hậu, địa phương đã thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững”.

Toàn tỉnh có 329 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đang trình Hội đồng Trung ương xét công nhận đạt 5 sao. Nam Định tiếp tục được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao và “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

W-namdinh.png

Sau hơn 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn Nam Định được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ và từng bước hiện đại theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Hệ thống thông tin, truyền thông gắn với chuyển đổi số phát triển nhanh, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Toàn tỉnh xây dựng 36 chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và phát triển thị trường cho các sản phẩm, từng bước hình thành thị trường nông sản an toàn để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp.

Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2020 tăng 4,1 lần so với năm 2010; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần; đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,69%, số hộ khá và giàu tăng. Cơ cấu thu nhập của người dân cũng có sự thay đổi đáng kể, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%...

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm và phát triển. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; một số hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ; các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp; ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và phát huy. 

Chuyển đổi số để hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025

Quán triệt quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Nam Định luôn xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, các tiêu chí NTM phải không ngừng được củng cố, nâng cao về chất và bảo đảm tính bền vững. 

Với tinh thần “nhìn thẳng, đánh giá đúng và làm thực chất hơn nữa” để hướng đến những mục tiêu mới, cao hơn, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 35% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 09 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 2,0-2,5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân 10%/năm.

Thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025”, với quan điểm chuyển đổi số là “chìa khóa” để phát triển nông nghiệp, cùng với các địa phương trong cả nước, Nam Định đang nỗ lực nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, xây dựng NTM thông minh, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số. Trong tiêu chí xây dựng xã, huyện NTM kiểu mẫu, tỉnh đã đặt tiêu chí về xây dựng mô hình xã, thôn/xóm thông minh, với nhiều tiêu chí cụ thể bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả.

5 quan điểm chỉ đạo, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động, quyết liệt đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả; nông thôn phát triển toàn diện, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc; đời sống vật chất tinh thần người dân ngày càng nâng cao.

Trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu phát triển bền vững gắn với đô thị hoá. Hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; phát triển làng nghề, du lịch nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM; nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng NTM thông minh. Quan tâm bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với tư cách là chủ thể của quá trình xây dựng NTM; triển khai thực hiện tốt phong trào “Nam Định chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…

Văn Thường, và nhóm PV, BTV