Chuyển đổi số - bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Ngày 15/10/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết đặt mục tiêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số gắn với các dịch vụ đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.

Với nền tảng là tỉnh nông nghiệp, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả khá toàn diện. 

Cơ sở nuôi ốc hương trong nhà màng ở Hải Hậu đã lắp đặt thiết bị camera an ninh kết nối Internet.

Diện mạo nông thôn Nam Định đã có những đổi thay rõ nét, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả và thiếu các chuỗi liên kết giá trị, do đó thu nhập của người sản xuất vẫn bấp bênh và chưa cao. 

Vì vậy, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh xác định là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường. Qua đó, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giảm tổn thất trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác.

Ngành nông nghiệp Nam Định đã nỗ lực xây dựng, tổ chức thực hiện lộ trình chuyển đổi số bằng việc tổ chức các hoạt động truyền thông hỗ trợ nông dân như tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tự doanh, tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản qua các kênh trực tuyến. 

Trong phát triển sản xuất nông sản, ngành nông nghiệp quan tâm thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã xây dựng phần mềm định danh điện tử, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử, hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) phục vụ việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mai cho các sản phẩm nông sản của các địa phương. Hàng trăm trang trại, gia trại đã sử dụng phầm mềm nhật ký điện tử để giám sát quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tỉnh Nam Định có 2 vùng nuôi ngao đủ điều kiện cung cấp cho chế biến xuất khẩu, trong đó vùng nuôi ngao rộng 500ha tại huyện Nghĩa Hưng được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

Về phía Hội Nông dân tỉnh, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số; tập huấn trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cấp Hội còn duy trì, nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với Internet”; tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet”.

Hội viên, nông dân được hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet; hướng dẫn cách tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản; khai thác hiệu quả những thông tin hữu ích trên mạng để phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh những mặt tích cực, lộ trình chuyển đổi số của Nam Định cũng đối mặt với không ít khó khăn. Nguồn nhân lực có kỹ năng về sử dụng, vận hành thiết bị tự động, thiết bị số còn thiếu và yếu. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số còn hạn chế, số hóa dữ liệu còn khó khăn, trình độ công nghệ công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp như cơ khí, chế biến sâu… chưa tương xứng với công nghệ số. 

Để chuyển đổi số thực sự phát huy thế mạnh cần có sự kết hợp đồng bộ giữa việc triển khai các cơ chế, chính sách gắn với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, gắn chuyển đổi tư duy với đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được xem là bước đột phá, thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh Nam Định phát triển, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu.

Tại nhiều xã, người dân đã sử dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương trên Internet, góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển.

Điển hình như sản phẩm trà củ sen, bột củ sen của một doanh nghiệp ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh là sản phẩm OCOP 3 sao. Anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc công ty đã triển khai đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các trang Zalo, Facebook, quảng bá giới thiệu sản phẩm qua livestream. Mỗi lượt livestream của doanh nghiệp đã thu hút được hàng nghìn lượt xem, chia sẻ. Số lượng hàng bán ra qua các buổi giới thiệu như vậy khá lớn. 

Một buổi livestream sản phẩm bột củ sen OCOP 3 sao.

Hiện nay, ngoài các mô hình sản xuất rau, hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, nhiều vùng nuôi thủy sản của Nam Định đã mạnh dạn chuyển đổi theo hướng dẫn của ngành chức năng, của các chuyên gia và áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số.

Ví dụ như tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Giao Long, huyện Giao Thủy với quy mô gần 100ha, đã có hơn 20 hộ nuôi áp dụng hệ thống điều hành, giám sát tự động để thực hiện quy trình sản xuất và quản lý ao nuôi. 

Hệ thống camera cảm biến được lắp đặt hợp lý để vừa bảo đảm an ninh, vừa theo dõi, giám sát tình hình các ao nuôi và cảnh báo sự cố đột xuất như: mất điện, thiết bị không hoạt động; lắp đặt các thiết bị tự động cho tôm, cá ăn, tạo khí ô xy, tạo màu, sóng cho ao nuôi. 

Mọi công đoạn từ thời gian, định lượng thức ăn, thời điểm bật quạt sục ô xy, đo độ pH đều được lập trình sẵn cho thiết bị tự động vận hành. Cách làm này giúp giảm công lao động, kiểm soát tốt lượng thức ăn, môi trường ao nuôi, tránh tối đa việc chăm sóc tôm, cá một cách cảm tính, thiếu khoa học.

Các hộ dân tích hợp kiểm tra môi trường, nhiệt độ trên điện thoại di động thông minh để giám sát ao nuôi và điều khiển từ xa trong nuôi tôm; áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, hướng tới nông thôn mới thông minh. Thời gian tới, Nam Định sẽ tập trung phát triển chính quyền số, kinh tế số trong toàn ngành, đảm bảo phù hợp và đạt hiệu quả theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo động lực để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số. 

Ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xây dựng nông thôn mới thông minh. Phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Từ đó mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn đời sống, nhất là trong quá trình sản xuất, tiếp cận, bán sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập.