Năm 2023, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều biện pháp giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025.

Theo đó, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Nam định đã phân bổ kinh phí thực hiện nhiều giải pháp trong đó có nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác thông tin, truyền thông về giảm nghèo cho cán bộ văn hóa – xã hội, thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường các thông tin tuyên truyền cho các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin thiết yếu về đời sống xã hội cho người dân nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Qua đó, nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội, người nghèo về công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.
 

chia se thong tin.png
Chia sẻ thông tin cơ sở cho cơ sở giáo dục. 

Hệ thống truyền thanh thông tin cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tổ chức sản xuất và phát sóng các chương trình liên quan tới các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo về thông tin. 

Đến nay, hệ thống thông tin cơ sở của Nam Định đã truyền thông được nhiều kiến thức, kỹ năng, mô hình, dự án giảm nghèo, giới thiệu một số mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh..., nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. 

Từ đó, công tác tuyên truyền hướng dẫn người nghèo có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Nhờ có thông tin cơ sở kịp thời, nhiều sáng kiến, mô hình giảm nghèo đã được lan tỏa trong xã hội. Người trong độ tuổi lao động tiếp cận được các dịch vụ việc làm như xuất khẩu lao động, kết nối với các nhà máy, khu công nghiệp tiếp nhận lao động nhàn rỗi, đào tạo nghề lao động nông thôn.

Ngoài công tác đa dạng các loại hình thông tin cơ sở, công tác đào tạo cán bộ làm thông tin cũng được tỉnh Nam Định quan tâm, nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở như phổ biến, tập huấn các quy định liên quan tới đăng tải thông tin, lan truyền tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.

Cách cứng xử với tin giả như thế nào. Các cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao các huyện, cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở đã được tham gia lớp tập huấn nâng cao kiến thức thông tin tới người dân về các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo và hướng dẫn hệ thống thông tin cơ sở phát sóng các chương trình phát thanh trên với tần suất hằng ngày nhằm cung cấp thông tin thiết yếu đến mọi người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, trong công tác giảm nghèo về thông tin, cơ quan này cũng thường xuyên có văn bản hướng dẫn Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số trên hệ thống đài phát thanh cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đều được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trên nền tảng số và các nền tảng mạng xã hội với hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của các doanh nghiệp, Nam Định phấn đấu để mỗi hộ gia đình có một đường truyền cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản thanh toán trực tuyến, một tài khoản đảm bảo an toàn thông tin mạng. 

Xuân Quý và nhóm PV, BTV