Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Nam Định đã thực hiện một loạt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình, nhất là dự án hạ tầng giao thông, để tăng cường giao thương và liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I/2023 ước đạt 10.118 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn Nhà nước 1.976 tỷ đồng, chiếm 19,5% và tăng 16,8%; vốn ngoài Nhà nước 7.500 tỷ đồng, chiếm 74,1% và tăng 15%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 642 tỷ đồng, chiếm 6,4% và giảm 11,7%.

Ở khu vực Nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I ước thực hiện 1.434 tỷ đồng, đạt 16,7% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 1.330 tỷ đồng, đạt 17,0% và tăng 15,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 55 tỷ đồng, đạt 11,5% và tăng 131,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 49 tỷ đồng, đạt 17,4% và tăng 25,7%. 

Nam Định đang đảm bảo thực hiện đúng tiến độ thi công các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 488B, 485B; Bệnh viện Đa khoa tỉnh…

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thi công các dự án mới khởi công: Dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II; Dự án Xây dựng cầu qua sông Đào; Dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. 

Tỉnh cũng linh hoạt tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các dịch vụ cung ứng, hỗ trợ các dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. 

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 3/2023, toàn tỉnh Nam Định có 277 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.438 tỷ đồng và 3.911 lao động đăng ký, tăng 3,7% về số doanh nghiệp, tăng 15,8% về vốn đăng ký và bằng 50,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2022. 

Hoạt động xây dựng trong quý I/2023 trên địa bàn tỉnh diễn ra đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Cùng với đó quá trình xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được quan tâm thực hiện giúp ngành xây dựng đạt kết quả khá. 

Quý I/2023, giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh năm 2010 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án của Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng. Các công trình phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được huy động tối đa nguồn lực như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh mở rộng, Yên Bằng, Thanh Côi đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật (về điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông...), đồng thời xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Cùng với các dự án đang triển khai, tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành tập trung tham mưu hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới như: cầu Ninh Cường có tổng mức đầu tư dự kiến 582,5 tỷ đồng, hiện đang chờ Quốc hội thông qua; cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

Một trong những giải pháp tỉnh quyết liệt chỉ đạo là đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đã đấu thầu xây lắp và tiếp tục tập trung hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. 

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện dự án trọng điểm, nâng cao chất lượng các công trình và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư. 

Thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023. 

Tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn đầu tư công…

Thu Yến