Chỉ số tiếp cận đất đai được xem là có ý nghĩa bậc nhất về năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của các địa phương trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thực tế, tiếp cận đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm, chính sách pháp luật về lĩnh vực này phức tạp, có tính lịch sử và thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, để đạt được kết quả này là cả quá trình nỗ lực rất lớn của tỉnh Nam Định và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Trong những năm gần đây, Nam Định đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, nhất là các lĩnh vực tài chính, thuế, kế hoạch và đầu tư; xây dựng khung giá đất của tỉnh phù hợp với giá thị trường; nỗ lực tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ “nút thắt” gây phức tạp và khó cải thiện nhất trong lĩnh vực đất đai là tính liên ngành, liên cấp trong quản lý, giải quyết thủ tục đất đai. Từ đó chỉ đạo các ngành, các địa phương phải tăng cường chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư nghiên cứu, lựa chọn. Minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp; giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê, mua đất; nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hỗ trợ tích cực giải phóng mặt bằng; tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong các thủ tục liên quan khác để doanh nghiệp có thể nhanh chóng thiết lập hoạt động trên mặt bằng kinh doanh đã có. 

Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến, thu hút đầu tư.

Bên cạnh những nội dung được doanh nghiệp đánh giá tích cực, so với năm 2021, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Nam Định vẫn giảm 0,28 điểm; kết quả một vài chỉ số thành phần vẫn còn dư địa để cải thiện. Đặc biệt cũng còn những chỉ số cần lưu ý như là: 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa đăng ký do thủ tục hành chính rườm rà/lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; 25% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian; 25% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trì hoãn, bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. 

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, để nâng cao Chỉ số PCI cho những năm tiếp theo, thời gian tới Nam Định quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số. 

Thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Đổi mới phương thức xúc tiến, thu hút đầu tư.

Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hướng tới các nhà đầu tư lớn nhằm thu hút các dự án FDI có vốn lớn và công nghệ cao.

Thanh Minh