Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định đã phát động phong trào thi đua “Hợp tác xã chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025”.

Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định tham quan mô hình trồng lan trong nhà lạnh ở Nam Trực. 

Theo ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định, Nam Định là một trong 2 tỉnh về đích chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh sớm nhất cả nước vào năm 2019, vượt trước 1,5 năm so với kế hoạch đề ra. 

Hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã đã góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 xây dựng nông thôn mới của tỉnh được thể hiện rõ nét ở công tác thực hiện sản xuất theo quy hoạch, với các cánh đồng lớn tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực đủ lớn để tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là gạo chất lượng cao hữu cơ Nam Định. 

Hiện đã có 1 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất gắn với chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ với 68 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đang mang lại hiệu quả thiết thực. 

“Để nâng cao vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả”, ông Phiệt cho hay. 

Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Hàng năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Một số hợp tác xã hoạt động chuyên trong lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, giúp cho ngày càng nhiều người dân được sử dụng nước sạch. Điển hình như: Hợp tác xã Nước sạch và môi trường Sông Đào (Nam Trực); Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường Bạch Long, Hợp tác xã Môi trường Giao Long, Hợp tác xã Nước sạch và vệ sinh môi trường Ngô Đồng, Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường Vạn Xuân (Giao Thủy)...

Với những giải pháp quyết liệt nên thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Đóng góp của các hợp tác xã đã làm thay đổi diện mạo, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đổi mới từng ngày, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, phát triển theo hướng hiện đại, văn minh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 480 hợp tác xã đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có 377 hợp tác xã nông nghiệp, thu hút 376.813 thành viên là cá nhân, hộ gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 7.525 lao động. 

Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

 

Các hợp tác xã đã đóng góp vai trò lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. 

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể, hợp tác xã bước vào giai đoạn phục hồi và có bước phát triển, tiếp tục xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã mới. Số hợp tác xã có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu đáp ứng nhu cầu của thành viên và của thị trường ngày càng tăng. 

Các hợp tác xã đã tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 43 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh đến nay có 78 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết với các đối tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; 1.136 tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 997 hộ nông dân, 78 hợp tác xã và 33 doanh nghiệp. 

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đã có 51 hợp tác xã với 86 sản phẩm của các hợp tác xã được đánh giá sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4 sao (chiếm 24,5% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh). 

Đến nay, tỉnh Nam Định có 68 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên (tăng 3 hợp tác xã so cùng kỳ); trong đó mô hình hợp tác xã kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị có 31 chuỗi (tăng 4 chuỗi so với năm 2020). Các tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay có 1.029 các tác nhân, trong đó gồm 935 hộ nông dân, 69 hợp tác xã và 25 doanh nghiệp.

Ước đến hết năm 2022, tổng số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao có 20 hợp tác xã. Cụ thể số hợp tác xã áp dụng công nghệ trong canh tác 08 hợp tác xã; nuôi trồng, bảo quản 06 hợp tác xã; công nghệ tự động hóa 03 hợp tác xã; công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp 03 hợp tác xã.

Hợp tác xã Hoa và cây cảnh Nam Phong là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật  vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và đem lại thu nhập cao cho người dân. Đơn vị này đã lắp đặt nhà màng hiện đại với hệ thống tưới nhỏ giọt, kho lạnh bảo quản và hệ thống làm lạnh xử lý ra hoa cho lan hồ điệp. 

Chị Phạm Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết: “Việc đưa nhà màng vào sản xuất cùng với hệ thống điều khiển điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tự động và bán tự động có thể trồng hoa ở mọi thời vụ trong năm, chủ động điều tiết sinh trưởng, phát triển, ra hoa theo ý muốn và cho hoa nở một cách đồng đều. Người trồng giảm được công lao động, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, nước tưới; tiện lợi cho thu hái, đóng gói, bảo quản hoa nên hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với trồng ngoài tự nhiên”.

Các hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh. 

Bên cạnh những thuận lợi, nỗ lực, ông Trần Văn Phiệt chia sẻ thêm, các hợp tác xã hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là về vấn đề đất đai.

"Đất đai đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, nhất là hợp tác xã lĩnh vưc nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ mục đích xây dựng trụ sở, nhà xưởng và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Chính sách đất đai với hợp tác xã theo luật hiện hành đã có nhưng tồn tại những vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là sự thiếu đồng bộ, thống nhất về văn bản giữa chính sách, Luật Hợp tác xã với các luật khác, cụ thể ở đây là Luật Đất đai.

Lần này Quốc hội sẽ thông qua Luật Hợp tác xã và tiếp tục cho ý kiến để sửa đổi, thông qua Luật Đất đai. Tôi mong muốn, trước khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, phải được tham chiếu với các luật, chính sách trong Luật Hợp tác xã... Từ đó, tạo thuận lợi cho hợp tác xã trong việc mở rộng diện tích sản xuất", ông Phiệt nói. 

Thời gian tới, các hợp tác xã trong tỉnh Nam Định tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển thêm sản phẩm OCOP. Chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó phát huy vai trò của các hợp tác xã tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Văn Quý, và nhóm PV, BTV