Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh theo định hướng của Chính phủ, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được một số kết quả.

Tỉnh chủ động định hướng, lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, đồng thời khuyến khích triển khai các dự án đầu tư mới có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon. 

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển ở huyện Hải Hậu.

Khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; thay thế, loại bỏ dần các trang thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên, vật liệu; liên kết hoặc sáp nhập vào các doanh nghiệp lớn để tranh thủ tiềm lực, công nghệ, có kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường.

Các Sở Công Thương, Khoa học và Công nghệ nỗ lực vận động các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tham gia chương trình hành động sản xuất sạch hơn thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ nguồn khuyến công.

Tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, khu vực nông thôn. Công tác lập hồ sơ pháp lý về môi trường đã được các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề thực hiện theo quy định. 

Đến nay có 47 làng nghề trên địa bàn các huyện đã được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp đang được cải thiện. Việc chấp hành các quy định về xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn được nhóm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện tốt hơn. 

Thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp và “xanh hoá” nguồn sản xuất, phân phối điện năng.

Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án năng lượng tái tạo; năm 2022 đạt 13 triệu 787,883 nghìn kWh với 423 cơ sở, hộ gia đình đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà. 

Trong định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục định hướng phát triển công nghiệp theo hướng xanh và bền vững với mục tiêu cụ thể:

Tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công đơn công đoạn sang hướng sản xuất tuần hoàn. Thu hút đầu tư các lĩnh vực sản phẩm có lợi thế, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng. 

Chọn lọc những dự án sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, không gây hại môi trường; từ đó, nâng chất lượng sản xuất công nghiệp nội tỉnh ngang bằng thế giới. Đây là hướng đi bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn cho doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do mới. 

Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đầu tư phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, thúc đẩy kinh tế thương mại; năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế...

Quỳnh Nga