Chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý, động lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Việc ứng dụng công nghệ mở ra nhiều phương thức dạy học mới thông minh, hiệu quả, xóa bỏ rào cản về không gian, thời gian cho hoạt động dạy và học.
Tại TP Nam Định quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo được thực hiện mạnh mẽ. Các trường học ở đây đã mạnh dạn đưa công nghệ cùng hệ sinh thái giáo dục thông minh vào áp dụng và đã đạt những kết quả rõ rệt.
Quản lý sĩ số nhờ máy điểm danh thông minh
Mỗi sáng trước khi bắt đầu lên lớp, các em học sinh Trường tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định đều điểm danh bằng vân tay hoặc thẻ học sinh tại 1 trong 8 máy điểm danh thông minh được lắp đặt trong trường. Thông tin về sĩ số của từng lớp sẽ được cập nhật ngay lập tức giúp Ban giám hiệu có thể quản lý, giám sát học sinh một cách hiệu quả.
Cô Hoàng Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhân Tông cho hay, dữ liệu điểm danh còn đồng bộ với sổ điểm danh, nhà trường có thể đánh giá chính xác quá trình học tập của các em qua từng tháng, từng quý. Hệ thống này kết nối đồng bộ với phụ huynh để nắm được thông tin điểm danh hàng ngày của con, bố mẹ có thể yên tâm khi nắm bắt kịp thời các thông tin của con trong thời gian tại trường.
Cũng như vậy, trước đây mỗi lần lên lớp, các cô giáo phải mang rất nhiều tài liệu, giáo án, số sách. Giờ đây, giáo viên chủ yếu thao tác trên phần mềm VnEdu của VNPT. Không chỉ tiết kiệm giấy mực in, thời gian, phần mềm này có nhiều tính năng nổi trội đã giúp việc dạy, quản lý học sinh của giáo viên dễ dàng và hiệu quả hơn. Việc quản lý đào tạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên đến quản lý thu phí, với các giải pháp mức độ cơ bản và nâng cao đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Là ngôi trường mới được xây dựng và đi vào hoạt động năm đầu tiên, Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành được thành phố đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là hệ thống bảng tương tác lắp đặt tại tất cả các phòng học, phòng chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và giảng dạy. 100% giáo viên thực hiện thành thạo việc thiết kế bài giảng điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tiếp cũng như sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến khi có dịch bệnh, thiên tai…
Để nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, các nhà trường đã tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên môn để bồi dưỡng sử dụng thành thạo các phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; hướng dẫn các kỹ năng cắt ghép ảnh, video, chỉnh sửa ảnh, thiết kế bài giảng điện tử nhằm mang đến cho trẻ những bài học với nội dung hấp dẫn, sinh động.
Tiên phong chuyển đổi số trường học
Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số đối với việc nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã rất chú trọng đến công tác đào tạo, hàng năm đều có hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy và học tập.
Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục và đào tạo. Tăng cường bồi dưỡng tập huấn nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và quản lý giáo dục. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá. Triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục. Triển khai hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin và các điều kiện đảm bảo khác.
Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Nam Định và Kế hoạch số 41 ngày 31/05/2022 của UBND tỉnh Nam Định về chuyển đổi số, thành phố Nam Định đã chọn Trường tiểu học Trần Nhân Tông để triển khai thí điểm chuyển đổi số trong trường học.
Tháng 8/2022, VNPT đã triển khai thí điểm chuyển đổi số toàn diện tại Trường tiểu học Trần Nhân Tông thông qua Hệ sinh thái giáo dục VnEdu 4.0 với 13 hạng mục giải pháp thuộc 03 nhóm.
Trong đó, nhóm nền tảng/ứng dụng tương tác gồm: ứng dụng mobile cho giáo viên; ứng dụng mobile cho phụ huynh; điểm danh thông tin bằng thẻ và vân tay. Nhóm nền tảng/ứng dụng hỗ trợ giảng dạy và quản lý gồm: Số hóa hồ sơ giáo dục; ứng dụng quản lý giáo án; ứng dụng quản lý dinh dưỡng; ứng dụng kiểm định chất lượng giáo dục; chữ ký số giáo viên. Nhóm hạ tầng kết nối bao gồm: mạng nội bộ; hệ thống wifi; camera giám sát nhằm hiện đại hóa hạ tầng kết nối băng thông rộng, bảo mật cao.
Cơ sở dữ liệu của trường đã được chuẩn hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với cơ quan quản lý và với các trường học khác cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai các dịch vụ mới. Các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa của trường được chia sẻ, tương tác, liên thông trên môi trường điện tử.
Qua quá trình triển khai thí điểm chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh, Ban giám hiệu, giáo viên và phụ huynh Trường tiểu học Trần Nhân Tông đánh giá mang lại hiệu quả cao, tạo đột phá trong đổi mới một số hoạt động quản lý nhà trường, hoạt động dạy và học cũng như sự tương tác giữa phụ huynh và nhà trường.
Sau thành công của mô hình thí điểm, Nam Định đã lên kế hoạch áp dụng thực hiện chuyển đổi số vào 100% trường học trên địa bàn.
Cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Nam Định đã chọn 8 nội dung cơ bản, xác định là tiêu chí tối thiểu để triển khai chuyển đổi số tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Nam Định ngay trong học kỳ 2 năm học 2022 – 2023. Đó là triển khai phần mềm quản lý nhà trường; triển khai sổ liên lạc điện tử thông qua ứng dụng di động; triển khai điểm danh thông minh; triển khai học bạ điện tử; triển khai hồ sơ giáo dục điện tử; triển khai phần mềm quản lý giáo án điện tử; triển khai phần mềm quản lý thư viện; triển khai phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục vnEdu-QoE.
Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định Vũ Trọng Quế cho hay, đến thời điểm hiện tại, có 89 trường trên địa bàn thành phố đã cài đặt nền tảng công nghệ hệ sinh thái giáo dục. Đến hết tháng 9/2023, tất cả các trường này trên sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Song song với đó, các huyện cũng đang thí điểm đưa các nền tảng công nghệ vào quản lý dạy và học. Mục tiêu đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh đi đầu về chuyển đổi số giáo dục trong toàn quốc.